(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Những khu rừng xanh tươi với một hệ sinh thái động-thực vật phong phú, đa dạng nếu không được quản lý chặt chẽ sẽ bị các đối tượng xấu lợi dụng để khai thác gỗ rừng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tăng cường quản lý việc lợi dụng khai thác gỗ tận thu

(VH&ĐS) Những khu rừng xanh tươi với một hệ sinh thái động-thực vật phong phú, đa dạng nếu không được quản lý chặt chẽ sẽ bị các đối tượng xấu lợi dụng để khai thác gỗ rừng.

Ngày 26/4/2016 Sở NN&PTNT Thanh Hóa ra Quyết định số 321 về việc Phê duyệt địa điểm, diện tích, sản lượng khai thác tận dụng lâm sản trên khu vực cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt là rừng sản xuất Ban Quản lý Rừng phòng hộ Thạch Thành.

Theo đó, có 39,82 ha rừng thuộc khoảnh 4, Tiểu khu 326 tiếp giáp với Vườn Quốc gia Cúc Phương nằm trên địa bàn thôn Đồng Luật, xã Thành Mỹ sẽ được Ban Quản lý Rừng phòng hộ Thạch Thành tiến hành khai thác tận thu lâm sản trên diện tích cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt.

Một phần Tiểu khu 326 đã bị “khai tử”, nếu không quản lý tốt diện tích còn lại sẽ tiếp tục bị “khai tử”.

Có mặt tại Tiểu khu 326, theo quan sát của phóng viên hàng loạt những cây gỗ lớn nhỏ đã bị chặt hạ theo kiểu khai thác trắng. Có khá nhiều cây gỗ lớn và những gốc cây nằm lại bên rừng có đường kính 30 cm trở lên như Lim, Máu chó, Trẩu. Do tiến hành khai thác theo phương pháp khai thác trắng trên toàn bộ diện tích, chặt hạ toàn bộ (kể cả cây bụi, dây leo…) nên cả một hệ sinh thái rừng đã bị phá hủy.

Đi sâu vào Tiểu khu 326, theo ghi nhận của PV nơi đây là một rừng cây nhiệt đới rậm rạp với một hệ sinh thái động thực vật phong phú đa dạng. Trong rừng có hàng loạt những thân cây to 2 -3 người ôm, cao lớn che kín mặt trời. Bên cạnh đó là những cây thân dây leo, cây bụi, nấm, địa y… là nơi trú ngụ của các loài chim, thú, côn trùng… Không mấy khó khăn để bắt gặp một đàn chim, sóc, chồn đang kiếm ăn trong rừng hay những con rắn, thằn lằn bò trên những thân cây mục.

Anh Trương Công Thuần, 47 tuổi, thôn Đồng Luật cho biết: “Khu rừng này trước kia là rừng phòng hộ, không hiểu sao giờ đây lại bị quy hoạch thành rừng nghèo kiệt để khai thác chặt gỗ. Mấy hôm nữa là họ sẽ chặt gỗ đến đây, xem như khai tử cánh rừng này luôn”.

Cần phải xem xét lại việc quy hoạch rừng phòng hộ thành rừng nghèo kiệt, rừng nghèo kiệt thành rừng sản xuất nhằm ngăn chặn các đối tượng xấu phá rừng (Ảnh chụp tại Tiểu khu 326).

Đi hết Tiểu khu 326 sẽ là Phân khu phục hồi sinh thái của Vườn Quốc gia Cúc Phương. Toàn bộ Tiểu khu 326 theo kế hoạch sẽ phải khai thác trắng. Do vậy, nếu không quản lý chặt chẽ, việc khai thác tận thu lâm sản rất có thể sẽ ảnh hưởng đến vùng đệm của rừng Cúc Phương. Bên cạnh đó các đối tượng xấu sẽ lợi dụng việc cho phép khai thác tận thu lâm sản để chặt phá rừng trái phép.

Trao đổi với PV, ông Trương Văn Hiền - Chủ tịch UBND xã Thành Mỹ, chia sẻ: “Nhằm ngăn chặn việc các đối tượng xấu lợi dụng dự án rồi trà trộn vào để khai thác trái phép gỗ rừng, chúng tôi luôn đề cao việc kiểm tra giám sát, nếu có đối tượng lạ không thuộc dự án vào rừng chúng tôi sẽ trục xuất ra khỏi rừng. Khi một xe gỗ của dự án được chuyển ra ngoài chúng tôi phải có biên bản ghi nhận nhằm tránh các đối tượng xấu vận chuyển gỗ trái phép ra khỏi rừng”.

Sông Lô



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]