(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Hàng năm, mỗi mùa bão về, nhiều người dân cả nước lại hướng về Ngư Lộc (Hậu Lộc), nơi được xem là minh chứng của hậu quả khôn lường từ thiên tai. Những cơn bão lũ, giông lốc đã hằn sâu lên mảnh đất, đè nặng đôi vai của những người mẹ, người vợ với bao đau thương mất mát, đắng cay, tủi hờn. Và dường như chưa một ngày nào họ được yên, khi mỗi năm thiên tai vẫn cướp đi những đàn ông trai tráng là trụ cột chở che mái ấm hạnh phúc của mình.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Vết sẹo chưa lành

(VH&ĐS) Hàng năm, mỗi mùa bão về, nhiều người dân cả nước lại hướng về Ngư Lộc (Hậu Lộc), nơi được xem là minh chứng của hậu quả khôn lường từ thiên tai. Những cơn bão lũ, giông lốc đã hằn sâu lên mảnh đất, đè nặng đôi vai của những người mẹ, người vợ với bao đau thương mất mát, đắng cay, tủi hờn. Và dường như chưa một ngày nào họ được yên, khi mỗi năm thiên tai vẫn cướp đi những đàn ông trai tráng là trụ cột chở che mái ấm hạnh phúc của mình.

Phóng sự của Đỗ Đức

Những trận cuồng phong định mệnh

Với ngư dân, biển là nguồn sống, là bao ước mơ, hi vọng đổi đời, nhưng biển cũng đáng sợ. Hai mươi năm trôi qua kéo theo bao sự đổi khác, vẫn còn đó, nguyên vẹn nỗi bàng hoàng của người dân Ngư Lộc, trận áp thấp nhiệt đới gần bờ năm 1996 đã cướp đi 54 ngư phủ. Chị Phạm Thị Thanh - Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ Ngư Lộc bàng hoàng nhớ lại: "Hôm đó là ngày mùng 1 tháng 7 âm lịch, biển sóng ầm ầm, đen đặc, đứng trên đê không thấy đảo Nẹ.

Trong mưa, người ra đê đứng ngóng đợi thân nhân ngoài biển. Những người phụ nữ mắt thâm quầng, bơ phờ, khóc lóc nức nở. Thấy thuyền vào bờ họ vây kín lao nhao: Thằng con tôi đâu, chồng, em đâu... Nỗi tang thương, hỗn loạn bao trùm cả Ngư Lộc. Tôi nhớ rõ lắm, quên sao được".

Trận cuồng phong ấy đã đánh chìm gần như toàn bộ số thuyền câu mực của Ngư Lộc, đó là tài sản mà những ngư dân đã phải chắt chiu, gom góp mới sắm được. Chẳng bao giờ chị Lê Thị Miên thôn Nam Vượng quên ngày chồng chị - anh Bùi Văn Sơn bị tử thần nhấn chìm xuống biển: “Mấy người may mắn sống sót dạt vô bờ nói chồng tôi mất khi đang tìm nơi lánh nạn.

Trong làng không còn ai, họ đổ cả ra biển mong ngóng người thân. Tôi chờ anh ấy mỏi mòn, chẳng thiết gì nữa cả, nhiều người khóc lên không ngớt, nhưng biển vẫn đen đặc. Cả chiếc thuyền chồng tôi đi cũng không về. Ngày mùng 1 tháng 7 đó mẹ con tôi còn nhớ chứ.”

Thiệt hại của cơn áp thấp nhiệt đới năm 1996 đối với mảnh đất này không ai có thể đếm được, có chăng chỉ đếm được bằng nước mắt của những người ở lại. Hàng năm, cứ vào ngày mùng 1 tháng 7 âm lịch, Ngư Lộc lại có 54 cái giỗ những ngư dân tử nạn lần ấy. Khói nhang còn tỏa nghi ngút, những giọt nước mắt tiếc thương và nỗi đau vẫn âm ỉ chưa nguôi. Thảm họa ngày ấy chưa bao giờ cũ, vẫn đủ để nhắc mỗi ngư dân, mỗi cấp ủy, chính quyền về tầm mức của tai ương.

Khi vết thương còn rớm máu chưa lành, 9 năm sau, người Ngư Lộc lại lũ lượt bồng bế nhau đi lánh nạn trong cơn đại hồng thủy tháng 11 năm 2005. Diêm Phố oằn lưng gánh chịu thảm họa của thiên tai. Họ còn kể tôi nghe về trận bão ập đến ngày 18 tháng 8 năm 1931. Đã có 344 ngư phủ vĩnh viễn nằm lại với biển, để đến giờ có một miếu thiêng với cái tên lạ “Miếu 344”. Kéo theo hàng trăm người phụ nữ ở lại chống chọi với giông bão cuộc đời để nuôi con khôn lớn.

Chị Phạm Thị Thanh, nói như nghẹn lại: “Chưa năm nào người Ngư Lộc được yên chú à. Không ai chắc chắn ở biển điều gì cả. Trời đang mây tạnh, biển trong xanh, nhưng bất thình lình một cơn lốc ập đến thì lại có trai tráng ra đi. Mới đây thôi, tháng 11 năm ngoái, 3 người Ngư Lộc lại bị biển nhấn chìm".

Những cuộc đời góa phụ

Tôi trở về Ngư Lộc vào một ngày tháng 6 trời nắng ráp trên con đường mù mịt vì bụi bặm. Diêm Phố vẫn đông đúc với những ngôi nhà tầng, nhà bằng san sát nối nhau. Trên bến thuyền, những người phụ nữ quần vén móng lợn, đầu tóc rối bời tất bật, hối hả trong nồng nặc mùi tôm, cá.

Đa phần họ là người làm thuê cho các chủ tàu sau chuyến ra khơi, trong đó có nhiều chị em bị mất chồng vì biển. Các chị ở lại, bám trụ mưu sinh, thay chồng “viết tiếp cuốn nhật ký gia đình” bên bầy con nheo nhóc thơ dại với bao cực khổ, đắng cay. Khó khăn gian khổ cứ nối tiếp những nhọc nhằn oằn vai, nhưng chưa một ngày các chị chồn chân lùi bước.

Đã qua đi 20 năm nhưng nhắc đến cái ngày định mệnh ấy, chị Phạm Thị Dân không cầm nổi nước mắt. Cưới anh Hoàng Văn Quân ở tuổi 20, tưởng rằng hạnh phúc sẽ đến với chị. Nào ngờ, bảy tháng sau ngày cưới, biển cướp mất anh và 2 người em trai ruột thân yêu, để chị một mình với đứa con còn trong bụng. Lau nước mắt trái ngang dâu bể, chị bươn chải để kiếm sống.

Hết đi bóc tôm thuê, rồi chở hàng, giờ chị đã có một cái quán nhỏ ở gần chợ để 2 mẹ con nương tựa nhau bước tiếp cuộc đời. Dẫu chưa hết gian truân, dẫu thu nhập chẳng đáng là bao từ cái quán nhỏ, nhưng đối với mẹ con chị thế là đủ lắm rồi. Thường ngày chị ra biển nhìn vô vọng để nhớ lại những ngày hạnh phúc ngắn ngủi của đời mình bên người chồng ra đi chẳng bao giờ trở lại.

Tôi đến thăm lại chị Bùi Thị Xuân ở thôn Thắng Lộc. Ngày ấy anh Nguyễn Văn Doan chồng chị ra đi cùng chiếc thuyền, chị ở lại với đôi bàn tay trắng, bên nách 4 đứa con nheo nhóc. Kể chuyện cho tôi nghe mà chị nước mắt lưng tròng: “Ngày anh ấy đi, nhà cũng chẳng còn gì cả, nhiều lúc nghĩ quẩn, nhưng nhìn bốn đứa nhỏ anh ấy để lại tôi phải sống. Khó khăn cực nhọc, rồi mẹ con vẫn dựa vào nhau rau cháo qua ngày.”

Một mình chống chọi với đời, khó khăn đến mức chị phải gửi lại con nhỏ cho anh em của mình nuôi nấng để bôn ba sang Đài Loan lao động xuất khẩu. Giờ đây chị Xuân đã xây được căn nhà 2 tầng khang trang thay cho căn nhà lụp xụp ngày xưa. Các con của chị cũng học hành đỗ đạt và trở thành cán bộ.

Chị Đặng Thị Chung ở thôn Thắng Tây cũng là nỗi trái ngang mà biển bắt phải gánh chịu. Biển cướp mất chồng - anh Vũ Văn Vòng khi chị đang mang thai 6 tháng, cả chiếc thuyền là tài sản duy nhất của hai vợ chồng cũng theo anh chìm xuống biển. Vậy là bao ước mơ, hi vọng đổi đời bỗng chốc tiêu tan.

Ngày qua tháng lại, chị tất tưởi, chạy đôn chạy đáo, hết việc này lại đến việc nọ, hết đi buôn cá rồi làm bánh đa, bán hàng ăn sáng mong cho các cháu nên người.

Khó có thể hiểu hết nỗi đau và sự bất hạnh mà thiên tai đã giáng xuống những bóng hồng Diêm Phố. Mới đây thôi, tháng 11 năm ngoái, vì một trận giông lốc mà anh Bùi Văn Thường ở thôn Thắng Lộc cùng với 2 người đàn ông Ngư Lộc phải nằm lại với biển. Chị Nguyễn Thị Liên ở lại với 4 đứa con thơ dại đến giờ vẫn chưa nguôi ngoai.

Ở thôn Thắng Lộc nhiều người biết đến duyên phận hẩm hiu của người phụ nữ này. Chị sinh ra ở Minh Lộc, đã có con với đời chồng trước. Nhưng biển nhẫn tâm chia lìa mái ấm của chị. Mang con đi bước nữa, biển cũng cướp mất anh Bùi Văn Thường.

Lúc tôi đến, khoảng 3 giờ chiều, đứa con nhỏ nhất của anh chị mới 4 tuổi đang khóc vì đói. Chị vừa đi bóc tôm thuê ở ngoài đê về mua vội được hộp sữa cho con. Chị vừa khóc vừa kể: “Số em nó khổ lắm. Thương anh ấy đi biển mãi không về. Các con em không còn bố”…

Những người vợ mất chồng ở Diêm Phố sống đời thiếu phụ đã và đang bước qua những gian truân vất vả, thay chồng nuôi dạy con cái. Họ có sức chịu đựng phi thường, đức hạnh và đôi tay giỏi chèo chống, chở che nuôi con học hành khôn lớn. Họ đã trở thành những hòn vọng phu vững trãi giữa biển trời.

Tôi chia tay mảnh đất khi trời tắt nắng, trên đê biển chỉ còn vài phụ nữ đứng nhìn những con tàu rẽ sóng ra khơi, nơi có những tia chớp đang lóe lên sáng cả một góc trời. Tôi lại nhớ đến lời của chị Thanh - Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã: “Những phụ nữ ở Ngư Lộc mất chồng thì nhiều lắm chú à. Duyên số kiểu gì ấy. Trời biển cứ bắt phụ nữ Ngư Lộc phải chịu vậy hay sao chú.” Nhưng tôi tin, một ngày nắng đẹp, những con tàu cá bạc đầy khoang sẽ trở về chào đón các chị trong niềm vui hân hoan bất tận.

Đ.Đ



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]