(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Đầu tư xây dựng công sở xã trên địa bàn tỉnh, hiện vẫn đang là bài toán khó. Nhiều công sở xã vẫn trong tình trạng xuống cấp trong khi nguồn vốn lại quá khó khăn...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xây dựng công sở xã: Chồng chất khó khăn

(VH&ĐS) Đầu tư xây dựng công sở xã trên địa bàn tỉnh, hiện vẫn đang là bài toán khó. Nhiều công sở xã vẫn trong tình trạng xuống cấp trong khi nguồn vốn lại quá khó khăn...

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, hiện trên địa bàn tỉnh mới có 332/637 xã, phường, thị trấn có trụ sở kiên cố. Còn lại 305 trụ sở, trong đó 135 trụ sở xã chưa đảm bảo diện tích, 116 trụ sở xã có phòng làm việc là nhà cấp 4 đã xuống cấp và xuống cấp nghiêm trọng, 4 xã đang phải đi thuê trụ sở.

Sở dĩ vẫn còn nhiều xã chưa xây dựng hay cải tạo mở rộng trụ sở vì những năm qua, ngân sách tỉnh bố trí cho việc đầu tư, xây dựng trụ sở cấp xã còn thấp, chỉ khoảng 5- 10 tỷ đồng/năm. Trong khi đó các xã phần lớn lại không có khả năng xây dựng nên khó khăn lại chồng khó khăn.

Mặc dù trong bộ 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới không quy định về trụ sở làm việc cấp xã, nhưng theo Quyết định số 800 ngày 4/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới, tại điểm 6 trong nội dung phát triển hạ tầng KT-XH đã đề ra mục tiêu hoàn thiện trụ sở làm việc cấp xã và các công trình phụ trợ.

Như vậy, việc xây dựng trụ sở làm việc cấp xã có vai trò quan trọng trong thực hiện chương trình xây dựng NTM. Theo Quyết định số 331 ngày 31/08/2015 của UBND tỉnh ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ cho các xã NTM giai đoạn 2016- 2020, trong đó sẽ hỗ trợ mỗi xã 1 trong 3 hạng mục công trình đó là trụ sở ủy ban, trung tâm văn hóa và trạm y tế. Mức hỗ trợ được phân bổ theo vùng, miền: đồng bằng 3,5 tỷ đồng, miền núi là 4 tỷ đồng và vùng đặc biệt khó khăn 4,5 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2012 - 2016, có 140 xã được xem xét hỗ trợ.

Tuy nhiên, sự hỗ trợ này lại chỉ dành cho những xã đăng ký đạt chuẩn NTM. Nhưng đăng ký là một chuyện còn phải xem lộ trình thực hiện như thế nào và có khả năng đạt được hay không. Nếu không cũng không được phê duyệt.

Trong số những xã có trụ sở xuống cấp nghiêm trọng thì xã Xuân Tân (Thọ Xuân) là một trong những xã mà hiện nay các đoàn thể đang phải làm việc trong nhà đựng lúa của Hợp tác xã từ năm 1980.

Trụ sở Xuân Tân sau 36 năm vẫn chưa được đầu tư xây dựng.

Cách đây 14 năm, vào năm 2002, xã mới xây được căn nhà 2 tầng không kiên cố cho một số lãnh đạo, phòng ban của ủy ban làm việc. Các mặt trận đoàn thể thì vẫn ở trong nhà đựng lúa. Đáng buồn, nhà đựng lúa cấp 4 với những tấm trần cót ép đã bị rách toác, mùi ẩm thấp, rêu phong, nắng mưa đều "dội" xuống những phòng làm việc...

Tuy nhiên, do không có nguồn nên xã Xuân Tân cũng không có cách nào để thay đổi cho tốt hơn, trong khi đó xã mới đạt 15 tiêu chí nông thôn mới. Thực tế là nhiều xã dù không trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, thì lại chờ vào việc bán đất. Nếu không có quỹ đất, thì khó cho việc thực hiện xây dựng trụ sở như xã Quảng Hùng (thị xã Sầm Sơn) là một ví dụ.

Trụ sở ủy ban xã được xây dựng từ năm 1995, diện tích không đảm bảo và các căn phòng làm việc cũng đã xuống cấp nghiêm trọng. Ngay đến Bí thư Đảng ủy xã, Phó Bí thư thường trực và Trực Đảng ủy vẫn cùng chung 1 phòng, các đoàn thể thì 8 người/phòng, một phòng chỉ 8m2.

Theo ông Nguyễn Đức Vân - Chủ tịch UBND xã Quảng Hùng: Dù đã có quy hoạch trụ sở mới nhưng do không có kinh phí vì từ khi về thị xã Sầm Sơn, không còn hỗ trợ từ nguồn đấu giá đất do đó xã không tự chủ được, muốn làm phải thông qua thị xã xin cơ chế. Vì vậy, chúng tôi vẫn đang phải... chờ.

Như vậy, để nhận được sự hỗ trợ của tỉnh cho 1 trong 3 hạng mục công trình thì xã phải đăng ký đạt chuẩn NTM và phải được phê duyệt, còn với những xã nằm ngoài tiêu chí này thì lại phải tự xoay sở nguồn hoặc chờ bán đất thì mới có thể xây được trụ sở mới. Còn nếu không thì vẫn phải chấp nhận làm việc với những trụ sở chật hẹp, xuống cấp...

Tuy nhiên, đối với những xã đã được phê duyệt thì vẫn còn tình trạng phải xếp hàng chờ... vốn mà theo ông Trần Đức Năng - Phó Chánh văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng NTM tỉnh thì điều này là hoàn toàn có thể vì: "Tiến độ chậm do phải chia vốn nhiều lần. Mức hỗ trợ bằng vốn ngân sách của tỉnh, trung ương không phải có ngay mà thậm chí 2, 3 lần mới đủ nên cũng ảnh hưởng đến tiến độ, thậm chí 3 năm mới đủ được nguồn hỗ trợ. Ngân sách của tỉnh thì ít, trong khi đối tượng chờ rất nhiều".

Hoàng Việt Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]