Nguyễn Hoàng - Người mở cõi
Nguyễn Hoàng - người mở cõi, hay còn được gọi là người kiến tạo nền móng cho cơ nghiệp nhà chúa ở Đàng Trong.
“Từ thuở mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”.
Hai câu thơ đầy vấn vương của tác giả Huỳnh Văn Nghệ khiến tôi cũng như rất nhiều độc giả hướng lòng mình về một nhân vật lịch sử đặc biệt: Nguyễn Hoàng. Và một công trình khoa học có nhiều đóng góp về tư liệu và nhận thức mới về nhân vật lịch sử Nguyễn Hoàng đã làm thỏa lòng người yêu thích và tìm hiểu. Đó là cuốn: “Nguyễn Hoàng - Người mở cõi” của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật.
Nguyễn Hoàng - người mở cõi, hay còn được gọi là người kiến tạo nền móng cho cơ nghiệp nhà chúa ở Đàng Trong. Các học giả đã khẳng định: Trong bối cảnh đầy biến động của xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII, Nguyễn Hoàng đã nổi lên như một nhân vật đặc biệt, ông là người có công lao to lớn trong việc ổn định và phát triển vùng đất Thuận Quảng về mọi mặt, mở rộng bờ cõi về phía nam, đặt nền móng cho sự ra đời của Ðàng Trong. Thứ hai là: Nguyễn Hoàng đã đẩy mạnh sự phát triển về mọi mặt để cho Thuận Quảng vốn là một nơi hoang sơ, lạc hậu, nơi biên viễn xa xôi của quốc gia nhanh chóng trở thành một vùng kinh tế - xã hội phát đạt. Thứ ba, công lao lớn nhất của ông là sự nghiệp mở cõi về phương Nam. Nguyễn Hoàng chỉ mới mở đất đến Phú Yên nhưng đó là bước khởi đầu quan trọng để các chúa Nguyễn sau này tiếp nối, đến giữa thế kỷ XVIII thì mở cõi vào đến tận đồng bằng sông Cửu Long.
Đúng là vùng đất Thuận - Quảng đói nghèo và hỗn loạn thời kỳ ấy nhờ chính sách tương đối khai phóng, độc lập và thân dân do chúa Tiên Nguyễn Hoàng khởi xướng và thực thi đã trở nên năng động, trù phú và an cư lạc nghiệp làm cơ sở cho triển khai chặng đường nước rút của công cuộc mở cõi và định cõi của dân tộc Việt Nam.
Sau khi vào trấn thủ đất Thuận Hóa, rồi sau là Thuận Quảng, Nguyễn Hoàng đã tổ chức bộ máy chính quyền và ban hành, thực thi những chính sách cai trị phù hợp, bao gồm cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Chính điều đó đã làm thay đổi căn bản vùng đất Thuận - Quảng trên tất cả các lĩnh vực. Đây là cơ sở nền tảng để các đời chúa Nguyễn về sau thực hiện chính sách độc lập với Đàng Ngoài, hùng cứ và mở rộng đất phương Nam, tạo nên những thay đổi to lớn trong sự phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam.
Trong một bài viết có giá trị của GS.TS Keith W. Taylor Đại học Cornell, Hoa Kỳ, giáo sư đã cho rằng: Vị trí của Nguyễn Hoàng trong lịch sử chính là “chìa khóa” để hiểu về sự khác nhau của hai vùng đất phía Bắc và phía Nam với những sự khác biệt về văn hóa, phong tục. Từ sự nghiên cứu của mình qua khảo cứu của 2 bộ sử: Đại Nam thực lục và Đại Việt sử ký toàn thư, giáo sư đã tinh tế nhận ra có sự khác biệt của hai cách nhìn về quá khứ và lòng trung của Nguyễn Hoàng. Đúng là lịch sử là dòng chảy, qua mỗi tư liệu và góc nhìn khác nhau, nhân vật lịch sử được soi chiếu ở nhiều góc cạnh và hiện lên rõ ràng hơn bao giờ hết. Sách còn cung cấp nhiều tư liệu mới về vùng đất Quảng Trị, những di tích liên quan đến thời Nguyễn Hoàng trên đất Quảng Trị.
55 năm dựng nghiệp chúa, Nguyễn Hoàng nhiều lần ra Bắc hầu vua Lê, gặp chúa Trịnh chung lo việc trị nước an dân. Nguyễn Hoàng cũng đi vào miền núi Ngự sông Hương, qua đèo Hải Vân, vào đất Quảng khảo sát hình sông thế núi, xếp đặt địa giới hành chính, nhưng ông vẫn chọn Quảng Trị để đóng đô và cân nhắc qua 3 lần dịch chuyển. Một tư duy về chính trị rất mới của chúa Nguyễn khi chọn Quảng Trị làm đất đóng đô là kết hợp yếu tố chính trị và phát triển kinh tế hàng hóa của thời đại.
Tuy nhiên, hiện nay những dấu tích này đến nay gần như bị xóa nhòa. Càng đặt ra cho chúng ta và nhất là Quảng Trị những việc cần phải làm ngay để tôn vinh xứng đáng với công lao của chúa Nguyễn Hoàng và những người cộng sự thân cận của ông.
Được biết năm 2008, Thanh Hóa tổ chức hội thảo: “Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ giữa thế kỷ XVI đến giữa thế kỷ XX”. Năm 2013, Quảng Trị đã tổ chức hội thảo: Quảng Trị - Đất dựng nghiệp của chúa Nguyễn Hoàng. Hậu thế sẽ vẫn còn tiếp tục nghiên cứu về ông và các chúa Nguyễn.
Trên cơ sở tập hợp gần 30 bài viết được lựa chọn từ Hội thảo khoa học tại Quảng Trị và một số bài viết đăng trên tạp chí Huế - Xưa và Nay, cuốn sách “Nguyễn Hoàng - Người mở cõi” cung cấp nguồn tư liệu và nhận thức mới về nhân vật lịch sử Nguyễn Hoàng. Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật xuất bản lần thứ hai cuốn sách “Nguyễn Hoàng - Người mở cõi” do GS. VSTT. NGND. Phan Huy Lê và PGS.TS. Đỗ Bang đồng chủ biên, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế là cơ quan tổ chức bản thảo.
Nhớ về Bắc - “Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”; trong dải dằng dặc nhớ thương và quyến luyến được tô màu và bồi đắp của biết bao công trạng của tiền nhân, chúng ta càng thêm trân quý đóng góp của người mở cõi - chúa Tiên Nguyễn Hoàng ở một thời kỳ lịch sử đầy biến động của dân tộc. Sứ mệnh lịch sử đã đặt lên vai ông và chính ông đã hoàn thành sứ mệnh ấy. Để trời Nam hôm nay mãi nhắc nhớ về con người đặc biệt ấy - người kiến tạo nền móng cho cơ nghiệp nhà chúa ở Đàng Trong.
Nguyễn Hường (CTV)
- 2024-10-11 20:33:00
Du lịch biển mùa đông có gì?
- 2024-10-11 15:22:00
Ðất làng Long Linh
- 2024-10-01 08:07:00
Gen Z Việt dựng nhạc kịch và xiếc từ phim Hollywood truyền thông điệp tích cực
Muốn ăn gắp bỏ cho người
Siêu tàu biển đưa gần 3.000 khách quốc tế đến Hạ Long
Chuông Vân Bản - Bảo vật quốc gia có số phận kỳ lạ
Bảo tồn, phát huy giá trị diễn xướng dân gian của đồng bào miền núi Thanh Hóa
Chính thức ra mắt Câu lạc bộ Di sản Áo dài Việt Nam tại châu Âu
Phát triển cơ sở dữ liệu ngành văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình
Đa dạng sắc màu lễ hội dân gian dân tộc Việt Nam
“Rau muống tháng chín...”
“Giải mã” sức hút của tứ tấu nổi tiếng thế giới sắp sang Việt Nam biểu diễn