(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Mặc dù đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, song loại hình du lịch cộng đồng tại các địa bàn miền núi Thanh Hóa vẫn chưa được quan tâm đầu tư, phát triển xứng với tiềm năng, thế mạnh vốn có. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều hãng lữ hành chưa mặn mà với loại hình du lịch này dù Thanh Hóa có rất nhiều điểm đến hấp dẫn, kỳ thú mà du khách muốn khám phá.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhiều hãng lữ hành vẫn chưa mặn mà với du lịch cộng đồng

(VH&ĐS) Mặc dù đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, song loại hình du lịch cộng đồng tại các địa bàn miền núi Thanh Hóa vẫn chưa được quan tâm đầu tư, phát triển xứng với tiềm năng, thế mạnh vốn có. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều hãng lữ hành chưa mặn mà với loại hình du lịch này dù Thanh Hóa có rất nhiều điểm đến hấp dẫn, kỳ thú mà du khách muốn khám phá.

Có thể nói, miền Tây xứ Thanh đã từ lâu được xem là “thiên đường hấp dẫn chưa được khám phá” của du khách loại hình du lịch homestay. Thiên nhiên đã ban tặng cho miền đất này nhiều danh lam thắng cảnh, hang động kì vĩ; những thửa ruộng bậc thang trải dài vàng ruộm vào mùa thu hoạch; những ngôi nhà sàn xinh xắn ẩn mình dưới những ngọn núi cao hùng vĩ; những thác nước ầm ào, cùng với điệu khặp Thái, hát Xường làm say đắm lòng người… tất cả đã làm cho miền Tây xứ Thanh có nét riêng, độc đáo.

Là loại hình du lịch cộng đồng dành cho những du khách thích khám phá, trải nghiệm và tìm hiểu về vẻ đẹp, những nét văn hóa, phong tục tập quán của người dân địa phương... du lịch cộng đồng ngày càng được ưa chuộng và trở thành xu thế mới ngày nay, nhất là tại các điểm du lịch vùng núi, nông thôn, các khu bảo tồn thiên nhiên, văn hóa.

Trên thực tế, loại hình du lịch cộng đồng, mà cụ thể là homestay từ hơn chục năm nay không còn là khái niệm xa lạ đối với nhiều người dân ở các khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Pù Hu, khu du lịch suối cá Cẩm Lương, Bản Hang (xã Phú Lệ, huyện Quan Hóa), Vườn quốc gia Bến En…

Đây cũng chính là những điểm du lịch cộng đồng thu hút khách nhất hiện nay trên địa bàn tỉnh ta, tuy vậy sự quan tâm, đầu tư đối với loại hình du lịch này vẫn còn khá khiêm tốn và chủ yếu là tự phát, mà chưa theo một chiến lược, đề án cụ thể nào.

Chị Lê Thị Xuân, hướng dẫn viên du lịch tại Thanh Hóa cho biết: “Với sự đa dạng, phong phú cả về điều kiện tự nhiên lẫn các sắc thái văn hóa truyền thống, đặc sản, sản vật địa phương vô cùng độc đáo, Thanh Hóa được đánh giá một trong những điểm du lịch hấp dẫn của cả nước. Trong đó loại hình du lịch cộng đồng đang nhận được sự quan tâm, yêu thích nhất của du khách trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, các tour du lịch mình hướng dẫn rất ít lịch trình đến với miền núi xứ Thanh. Nguyên nhân chủ yếu, do cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch nghèo nàn, khó khăn, các sản phẩm du lịch ít, đơn điệu, kỹ năng đón tiếp, phục vụ khách du lịch của bà con ở các bản du lịch cộng đồng còn thiếu tính chuyên nghiệp... nên gây sự nhàm chán đối với du khách. Du khách nhàm chán thì việc xây dựng các tour du lịch của các hãng lữ hành đến với miền núi Thanh Hóa cũng ít là điều tất yếu”.

Lượng du khách nước ngoài đến du lịch cộng đồng ở miền Tây xứ Thanh còn ít.(Ảnh: Đỗ Đức)

Ngoài những nguyên nhân như chị Xuân chia sẻ, thì vai trò của chính quyền cơ sở và các đoàn thể trong việc phát triển du lịch chưa thực sự rõ nét cũng chính là nguyên nhân dẫn đến nhiều hãng du lịch chưa mặn mà đối với các tour du lịch cộng đồng. Do đó, lượng khách du lịch đến với các bản du lịch còn hạn chế, chưa thường xuyên và chưa ổn định.

Thêm nữa, vấn đề khó khăn nhất đối với các hộ gia đình là nguồn khách, bởi các hộ đều là đồng bào các dân tộc, họ chưa thể tiếp cận được với các hoạt động marketing hay chủ động tìm kiếm nguồn khách. Do vậy, việc cung cấp nguồn khách hiện nay phụ thuộc phần lớn vào các công ty lữ hành.

Còn việc xúc tiến quảng bá, kết nối các hộ gia đình với các công ty lữ hành hiện nay chưa thực sự tốt, chủ yếu mang danh nghĩa quan hệ cá nhân trực tiếp. Chính vì các địa phương trong tỉnh, ngành du lịch tỉnh ta chưa có sự quan tâm đúng mức, chưa có định hướng phát triển cụ thể loại hình du lịch này với từng vùng, từng địa phương, do đó định hướng lâu dài còn lúng túng.

Qua tìm hiểu, sau những chuyến khảo sát các điểm đến hấp dẫn trên địa bàn tỉnh, sự tồn tại nhiều vướng mắc, rào cản như: điều kiện đi lại, hạ tầng cơ sở du lịch, kỹ năng làm du lịch, công tác quảng bá còn hạn chế, các cơ chế, chính sách khuyến khích chưa hiệu quả... nhiều doanh nghiệp, công ty về lữ hành tỏ ra khá dè dặt và vẫn còn nhiều băn khoăn khi xây dựng các sản phẩm du lịch, tổ chức các tour.

Anh Lê Xuân Hà, nhân viên một công ty lữ hành tại Thanh Hóa cho biết: “Việc tổ chức các tour du lịch cộng đồng cho du khách Thanh Hóa đến tỉnh khác, công ty chúng tôi làm rất thuận lợi. Tuy nhiên, tổ chức tour trong tỉnh thì lại rất ít. Việc tổ chức gặp nhiều khó khăn chưa đem lại điều kiện thuận lợi cho du khách và cũng chưa đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp”.

Mô hình du lịch cộng đồng là loại hình du lịch có sức cuốn hút với nhiều du khách, đặc biệt du khách nước ngoài. Nhiều người cho rằng, điểm hấp dẫn nhất của loại hình này chính là nét văn hóa độc đáo của dân tộc bản địa, cho nên các cấp, ngành liên quan cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, xây dựng kế hoạch cụ thể để phát triển loại hình du lịch cộng đồng, trên cơ sở phải có sự kết nối với các doanh nghiệp, công ty lữ hành, qua đó tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc khi triển khai các sản phẩm du lịch cộng đồng thực thụ.

Để mô hình du lịch cộng đồng hoạt động hiệu quả thì phải xác định lấy văn hóa địa phương làm nền tảng, gắn việc khai thác du lịch với bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số để thu hút khách du lịch.

Đồng thời, Thanh Hóa cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp trên địa bàn đầu tư vào khai thác sản phẩm du lịch cộng đồng.

Thảo Nguyên - Mai Trang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]