Nhịp cầu nối những bờ vui (Bài 1): Ký ức
Cuộc sống bước sang một trang mới từ khi có cầu. Những cây cầu “dệt” ước mơ, “nối” hạnh phúc và “viết” nên câu chuyện của tương lai...
Cầu Tến Mới.
Không còn cầu treo lắt lẻo, cũng chẳng còn tiếng gọi “đò ơi”..., thay vào đó là những cây cầu cứng “nâng bước” tương lai...
Mỗi năm thay 1 cây cầu
Đang ngồi trước sân thì anh Hợi nghe có tiếng la lớn trước cổng: “Vợ rơi xuống suối rồi”. Anh đứng dậy, chạy thật nhanh. Vợ anh, chân tay bê bết máu cùng chiếc xe máy đang nằm dưới suối. Anh bế vợ về nhà băng bó cho chị. Cũng may, vết thương không quá nặng. Sau vợ anh Hợi, còn vài người trong thôn và ở thôn khác cũng rơi từ cầu treo Tến Mới xuống suối Nủa.
Chuyện đã qua nhiều năm. Nhưng với cây cầu treo ấy, anh Hợi cũng như người dân ở thôn Tến Mới, xã Cổ Lũng (Bá Thước) khó mà quên được những gì đã xảy ra. Vẫn biết, có cầu vẫn hơn lội suối nhưng cầu treo Tến Mới, vẫn dằng dặc nỗi buồn ngay cả khi chỉ còn là ký ức.
Giở lại chuyện cũ, trưởng thôn Tến Mới, anh Hà Văn Tính vẫn rầu rầu. Chiếc cầu treo dây cáp đầu tiên của thôn có từ năm 1964. Chiếc cầu bắc qua suối Nủa nằm trên con đường huyết mạch từ trung tâm xã Cổ Lũng vào 2 bản Tến Mới và Eo Điếu. Cây cầu dài 50m, rộng 1,2m. Nhưng lũ sau đó đã cuốn phăng cây cầu này. Người dân đành lội qua con suối Nủa. Nếu nhà ai có ít sắn, ít ngô muốn mang sang bán ở chợ phố Đòn thì đội sắn, ngô lên đầu và vượt suối. “Không thể cứ nhờ vào suối Nủa nên bà con trong thôn bàn bạc, thống nhất góp luồng, gỗ tạp làm một chiếc cầu tạm bợ không lan can. Vì nằm ở vùng rốn lũ nên thôn hứng chịu nhiều thiệt hại. Lũ đi qua là cầu không còn. Cứ mỗi năm lại thay một cây cầu”. Trưởng thôn Tến Mới Hà Văn Tính nhớ lại.
Dù giải quyết việc đi lại cho người dân nhưng vì cầu làm tạm bợ, chông chênh nên mỗi lần qua là một thử thách. Năm 2018, sau khi chiếc cầu lại bị cuốn trôi, UBND xã Cổ Lũng đã hỗ trợ 52 triệu đồng cùng người dân thôn Tến Mới làm một chiếc cầu gỗ. “Nếu không có cầu thì sẽ cắt đứt hoàn toàn với gần 100 hộ dân của 2 thôn Eo Điếu và Tến Mới. Không chỉ vậy, 2 thôn còn là vùng đất canh tác của một số hộ ở thôn khác”. Phó Chủ tịch UBND xã Cổ Lũng Lương Văn Kiên cho biết.
Dẫu vậy, chiếc cầu này cũng không bảo đảm sự an toàn. Năm 2020, thôn Tến Mới đã được đầu tư, xây dựng một chiếc cầu cứng thay thế chiếc cầu gỗ này. Chiếc cầu mới với chiều dài 76,15m, chiều rộng 6m với tổng mức đầu tư gần 15 tỷ đồng do UBND huyện Bá Thước làm chủ đầu tư. Năm 2021, cầu khánh thành và đưa vào sử dụng. “Cuộc sống của người dân thôn Tến Mới, Eo Điếu đã mở ra một trang mới từ khi có cầu. Bà con đi chợ Phố Đòn buôn bán nhiều hơn, thu nhập cao hơn... Giờ không còn phải lo khi đi qua cầu nữa”. Trưởng thôn Hà Văn Tính phấn chấn, nói.
“Đò ơi”...
Tháng 6/2024, cầu Tổ Rồng bắc qua sông Chu, nối thị trấn Thường Xuân với xã Xuân Cao (Thường Xuân) khánh thành, đưa vào sử dụng. Cầu dài 250m, rộng 8m với tổng nguồn vốn đầu tư 92 tỷ đồng.
Cầu Tổ Rồng.
Trước đó, người dân xã Xuân Cao muốn sang bên kia sông phải đi qua đò. Niềm mơ ước về một cây cầu sau hàng chục năm của bà con nơi đây giờ đã trở thành hiện thực. Có cầu, rút ngắn khoảng cách đi lại, thuận lợi hơn trong phát triển kinh tế và đặc biệt với những đứa trẻ của Xuân Cao không còn vội vã, lo lắng khi đến trường. Cũng như nhiều bạn học khác, từ ngày có cầu, Hà Thị Quyên, học sinh lớp 12A2, Trường THPT Cầm Bá Thước không còn phải dậy sớm từ 5 giờ 30 phút để đến trường như trước đây. “Dậy sớm sẽ không lo trễ đò hay muộn học. Bây giờ thì không còn cảnh chờ đò nữa và em hoàn toàn chủ động được thời gian”. Hà Thị Quyên nói.
“Như một giấc mơ vì chúng tôi đi đò khi còn là những đứa trẻ và giờ thì ai cũng đã hai thứ tóc trên đầu mới được đi trên cây cầu”. Ông Nguyễn Hữu Lục, 74 tuổi ở thôn Xuân Minh 1, bày tỏ cảm xúc. Ông Lục cũng là người có rất nhiều kỷ niệm về con đò. Nhớ nhất là lần ông đỡ đẻ cho một người dân trong xã khi đang trên đường ra đò để đến viện. Ông Lục kể lại: “Lần ấy tôi đang từ đò lên bờ thì gặp chồng mang vợ đi đẻ. Khi 2 vợ chồng đang chuẩn bị xuống đò thì người vợ lên cơn đau đẻ và trong tình thế đó buộc tôi phải là người đỡ đẻ và rất mừng là ca đỡ đẻ thành công”.
Giờ tiếng gọi đò đã xa, cảnh chờ đò cũng không còn. Tất cả chỉ còn là ký ức. Nhớ về ký ức để nhìn hiện tại, ở đó có cây cầu “nâng bước” tương lai.
Theo báo cáo của UBND các huyện, hiện nay trên địa bàn các huyện miền núi có 44 cầu treo dân sinh. Trong đó: - Có 3 cầu treo không còn sử dụng do đã xây dựng cầu cứng, đường tràn thay thế. - Số cầu treo đã có dự án đầu tư xây dựng cầu cứng thay thế đang triển khai thực hiện, gồm có 15 cầu: Bá Thước (7 cầu đang triển khai, 1 cầu đang trình chủ trương đầu tư dự án cầu BTCT), Quan Sơn (4 cầu), Lang Chánh (2 cầu), Quan Hóa (1 cầu). - Số cầu treo đang sử dụng khai thác, phục vụ người và phương tiện xe máy, xe đạp tham gia giao thông gồm có 26 cầu; trong đó: Có 2 cầu treo huyện Quan Hóa đang khai thác sử dụng, nhưng đã bị hư hỏng, xuống cấp (cầu treo Nam Tân, xã Nam Xuân; cầu treo Chiềng, xã Phú Sơn); còn lại 24 cầu treo đang đảm bảo khai thác bình thường. |
Bài và ảnh: Bằng An
{name} - {time}
-
2025-03-21 20:25:00
Trào lưu “săn” sách giảm giá
-
2025-03-21 08:15:00
Xử phạt Quang Linh Vlogs, Hằng Du Mục 140 triệu đồng do quảng cáo sai sự thật
-
2025-01-10 07:00:00
Bản tin Tài chính 10/1: Giá vàng tiếp tục tăng dữ dội
Dự báo thời tiết 10/1: Không khí lạnh đã ảnh hướng tới Thanh Hóa
Cảnh giác các thủ đoạn lừa đảo dịp cuối năm
“Thủ phủ” của cây riềng
Vietnam Airlines thuê thêm 3 máy bay phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
Khu dân cư chan hòa và thân thiện
Hơn 300 hình ảnh, tài liệu triển lãm kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng
Dự báo thời tiết 9/1: Bắc Bộ sáng sớm có sương mù, ngày mưa nhỏ vài nơi
Giám sát dịch bệnh ngay tại cửa khẩu, không để xâm nhập, lây lan vào Việt Nam
Bản tin Tài chính 8/1: Vàng tăng trở lại