(vhds.baothanhhoa.vn) - Không còn chịu cảnh “trông trời, trông đất, trông mây”, ngày nay, không ít hộ nông dân Thanh Hóa đã và đang làm chủ tư liệu sản xuất bằng việc ứng dụng công nghệ số. Nhờ đó, sản phẩm nông nghiệp không những được nâng cao về chất lượng, đa dạng kênh tiêu thụ mà tư duy sản xuất của người nông dân cũng bắt kịp xu hướng thời đại.

Khi nông dân chủ động tiếp cận xu hướng số

Không còn chịu cảnh “trông trời, trông đất, trông mây”, ngày nay, không ít hộ nông dân Thanh Hóa đã và đang làm chủ tư liệu sản xuất bằng việc ứng dụng công nghệ số. Nhờ đó, sản phẩm nông nghiệp không những được nâng cao về chất lượng, đa dạng kênh tiêu thụ mà tư duy sản xuất của người nông dân cũng bắt kịp xu hướng thời đại.

Khi nông dân chủ động tiếp cận xu hướng sốVườn dưa chuột Baby của gia đình chị Nguyễn Thị Hương ở thị trấn Thiệu Hóa.

Chủ động đổi mới phương pháp

HTX nông sản hữu cơ Trúc Phượng (xã Yên Thọ, huyện Như Thanh) là một trong những cơ sở sản xuất nấm lớn nhất trong tỉnh. Anh Lê Đình Trúc, chủ nhiệm HTX là người kế thừa lại cơ ngơi trồng nấm của gia đình khi chất lượng sản phẩm không cao, hiệu quả kinh tế thấp, do phương thức sản xuất lạc hậu. Anh Trúc quyết định đổi mới phương pháp trồng nhằm tạo ra sản phẩm hữu cơ an toàn, với nhiều loại nấm mới, đáp ứng nhu cầu khắt khe của người tiêu dùng. Qua tìm hiểu và học tập kinh nghiệm, biết được cây nấm không ưa thời tiết nóng, muốn cây sống khỏe phải tạo điều kiện khí hậu thuận lợi, anh quyết định xây dựng nhà giàn, hệ thống phun nước tự động... Và, điều khác biệt so với phương pháp sản xuất cũ là anh nuôi trồng nấm trên giá treo. Anh Trúc khẳng định: “Cơ sở có được thành công như hôm nay là nhờ việc liên tục cập nhật và áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và quản lý. Muốn học thêm kiến thức, chỉ cần cái nhấp chuột ta có thể tham khảo kho tàng kiến thức về kỹ thuật trồng nấm rất hữu ích trên mạng. Hay như việc sử dụng mạng xã hội giúp tôi kết nối với các chuyên gia, kỹ sư nông nghiệp để nhờ tư vấn, hay chuyên gia kinh tế hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ. Đồng thời, kết nối được các mô hình để học tập kinh nghiệm lẫn nhau”.

Đến nay, HTX nông sản hữu cơ Trúc Phượng đã có diện tích trồng nấm 5.000m2, cho doanh thu hơn 1,7 tỷ đồng mỗi năm. HTX đã có 3 sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh gồm: mộc nhĩ, nấm linh chi, nấm bào ngư xám. Trong đó, nấm bào ngư là mặt hàng bán chạy nhất và cũng là sản phẩm được đầu tư trồng nhiều nhất tại cơ sở. Được biết, các sản phẩm của HTX đã có mặt trên các sàn thương mại điện tử như Sovo.vn, Shopee...

Chủ động đổi mới, áp dụng chuyển đổi số vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cũng là cách mà gia đình chị Nguyễn Thị Hương, tiểu khu 1, thị trấn Thiệu Hóa đang thực hiện. Sau nhiều năm trồng rau màu mà hiệu quả kinh tế không cao, gia đình chị mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng và đổi mới phương pháp sản xuất. Theo đó, gia đình đầu tư xây dựng 1.300m2 nhà màng trồng dưa Kim Hoàng hậu, dưa chuột Baby theo hướng công nghệ cao. Chị Hương cho biết: “Sau khi tìm hiểu, tham quan nhiều mô hình trồng trọt hiệu quả hiện nay, chúng tôi hiểu phương pháp sản xuất cũ quá phụ thuộc vào thời tiết, sản lượng không ổn định, rất dễ rơi vào tình cảnh được mùa mất giá, được giá mất mùa. Vì vậy gia đình quyết tâm phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao”. Theo chị Hương phân tích, việc phát triển theo xu hướng này giúp gia đình chị tiết kiệm khoản lớn chi phí nhân công, chủ động về chất lượng sản phẩm, đặc biệt với hệ thống tưới nhỏ giọt cây trồng được “ăn” một lượng nước vừa đủ, không gây lãng phí nước và dù gia chủ không có mặt trực tiếp tại khu vực sản xuất thì việc chăm sóc vườn trồng vẫn được thực hiện tốt nhờ hệ thống giám sát được cài đặt trên điện thoại. Hiện tại, vườn dưa chuột Baby của gia đình chị Hương đang vào vụ thu hoạch, với sản lượng 100-150 kg/ngày, giá bán tại vườn đạt 20 nghìn đồng/kg.

Thời gian qua, ở nhiều địa phương trong tỉnh đã xây dựng thành công nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Thành công này có vai trò định hướng rất lớn của cấp ủy, chính quyền các cấp và ngành chức năng, song sự chủ động, mạnh dạn thay đổi, quyết tâm đầu tư tìm ra hướng đi mới hiệu quả trong nông nghiệp của người nông dân đóng vai trò quyết định. Thực tế sự chủ động đổi mới, sáng tạo của người nông dân đã có hiệu quả khi hầu hết các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đều đạt hiệu quả kinh tế vượt trội, với lợi nhuận trung bình đạt 200 triệu đồng/ha/năm đối với mô hình trồng trọt, gấp 2,5 đến 3 lần so với sản xuất nông nghiệp thông thường; chăn nuôi lợi nhuận bình quân đạt từ 500 - 700 triệu đồng/ha/năm, gấp 2 lần so với chăn nuôi truyền thống (theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Đồng hành cùng nông dân

Ông Trần Bình Quân, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho biết: “Hàng năm, hội đều phối hợp với các đơn vị tổ chức chương trình truyền thông nhằm quảng bá, hỗ trợ tiêu thụ nông sản, trong đó chú trọng đến các kênh trực tuyến. Hiện tại đã có nhiều nông sản địa phương được kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử”. Ông Quân cho rằng, thương mại điện tử là xu thế kinh doanh hiện đại, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, nhất là trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp hiện nay. Vì vậy tại các địa phương, người nông dân đã và đang nắm bắt xu hướng, chủ động đổi mới, sáng tạo trong sản xuất. Người nông dân không chỉ tận dụng nền tảng trực tuyến để kết nối tiêu thụ nông sản, mà còn tiếp cận dữ liệu về khoa học - kỹ thuật mới, thay đổi quy trình sản xuất theo hướng hiện đại, tìm kiếm thị trường và quảng bá sản phẩm hiệu quả.

Thời gian qua, để hỗ trợ người nông dân thích ứng với chuyển đổi số, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai nhiều giải pháp thiết thực, như mở các lớp tập huấn, nâng cao kiến thức về ứng dụng khoa học - kỹ thuật, mô hình sản xuất về trồng trọt, chăn nuôi mới có hiệu quả, chú trọng xây dựng kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, kỹ năng quảng bá nông sản qua mạng internet, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, xây dựng thương hiệu sản phẩm... Riêng năm 2021, hội phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp nông nghiệp An toàn và hữu cơ Thanh Hóa hỗ trợ các thành viên tham gia chương trình OCOP hoàn thiện sản phẩm, hình ảnh, thương hiệu, giúp một số thành viên có sản phẩm được xếp hạng từ 3 đến 4 sao, như: HTX nông nghiệp Thành Công, Công ty TNHH nước mắm Cự Nham, Công ty CP Khuê Các, Công ty TNHH yến sào xứ Thanh...

Bên cạnh đó, hội có các chương trình hỗ trợ hội viên phát triển sản xuất sản phẩm an toàn, hữu cơ; hỗ trợ đào tạo, xây dựng và chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP; hỗ trợ nhãn mác, bao bì sản phẩm, tem truy xuất nguồn gốc, đăng ký xây dựng sản phẩm OCOP cho hội viên, như: hỗ trợ đào tạo, xây dựng và chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP và hỗ trợ tem truy suất nguồn gốc cho sản phẩm chè xanh nguyên liệu của HTX nông lâm nghiệp Bình Sơn (Triệu Sơn); hỗ trợ tem truy suất, xây dựng nhãn mác bao bì cho sản phẩm Trà linh chi túi lọc của HTX nông sản hữu cơ Trúc Phượng tại xã Yên Thọ (Như Thanh)...

Vân Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]