(vhds.baothanhhoa.vn) - Những ngày thu cuối tháng 10, sau nhiều lần lỡ hẹn vì thời tiết không thuận lợi, chúng tôi bắt đầu hành trình xuôi dòng Mã giang để “mục sở thị” cuộc sống của những người dân lầm lũi, một nắng hai sương mưu sinh trên sông nước. Người thả lưới, giăng câu, người thì đăng, chài... tùy theo phương tiện và khả năng của từng gia đình. Hầu hết, họ đều có hoàn cảnh khó khăn, công việc không ổn định, không có ruộng rẫy canh tác nên lấy dòng sông làm kế sinh nhai. Cái nghề tuy bấp bênh, cực nhọc, buồn vui theo con nước nhưng thu nhập cũng đủ trang trải cuộc sống sinh hoạt hằng ngày.

Nhọc nhằn nghề chài lưới trên dòng Mã giang

Những ngày thu cuối tháng 10, sau nhiều lần lỡ hẹn vì thời tiết không thuận lợi, chúng tôi bắt đầu hành trình xuôi dòng Mã giang để “mục sở thị” cuộc sống của những người dân lầm lũi, một nắng hai sương mưu sinh trên sông nước. Người thả lưới, giăng câu, người thì đăng, chài... tùy theo phương tiện và khả năng của từng gia đình. Hầu hết, họ đều có hoàn cảnh khó khăn, công việc không ổn định, không có ruộng rẫy canh tác nên lấy dòng sông làm kế sinh nhai. Cái nghề tuy bấp bênh, cực nhọc, buồn vui theo con nước nhưng thu nhập cũng đủ trang trải cuộc sống sinh hoạt hằng ngày.

Nhọc nhằn nghề chài lưới trên dòng Mã giangAnh Trần Văn Vinh (50 tuổi, phường Thiệu Khánh, TP Thanh Hóa) thu lưới để chuẩn bị cho đợt đánh bắt tiếp theo.

Trời mưa lất phất, Nguyễn Văn Hải (37 tuổi) quê ở Hoằng Giang, Hoằng Hóa lúi húi kiểm tra các dụng cụ rồi sắp xếp gọn gàng, chuẩn bị đi thả lưới cạnh mép sông Mã chảy qua xã. Sau khi thả lưới xong, Hải cẩn thận đóng cọc hai đầu để làm dấu và cố định cho lưới không bị trôi. Gắn bó với nghề đánh bắt cá trên sông đã hơn 5 năm, hơn ai hết anh hiểu rõ sự vất vả của nghề, nhưng bù lại giúp vợ chồng có thêm nguồn thu nhập, trang trải cuộc sống, nuôi mấy đứa con ăn học đàng hoàng.

Ông Nguyễn Văn San (53 tuổi, phường Thiệu Khánh, TP Thanh Hóa) tham gia đánh bắt trên sông Mã cũng đã hơn 20 năm. Với ông mà nói phải yêu sông lắm mới chấp nhận rời xa những thú vui trên bờ, chấp nhận xa anh em, bạn bè để gắn bó đời mình cùng con nước. Thường mỗi chuyến đánh bắt kéo dài vài ngày, vợ chồng ông chuẩn bị đầy đủ các vật dụng sinh hoạt cần thiết như nhu yếu phẩm, đặc biệt là thuốc men phòng khi không may ốm đau, trở trời... Mọi sinh hoạt đều gói gọn trong không gian chật hẹp của chiếc thuyền cũ kỹ được trám xi măng, vỏn vẹn hơn 10m2.

Theo ông San, nghề này phải thuận theo con nước, mùa nào thức nấy, nếu đánh vào đúng thời điểm thì sẽ trúng mánh. Thời tiết nếu thuận lợi, việc đánh bắt sẽ dễ dàng hơn, còn hôm nào trời trở gió, mưa lớn thì lại về nhà nghỉ ngơi, vui thú điền viên cùng con cháu.

Nhọc nhằn nghề chài lưới trên dòng Mã giangNgười dân mưu sinh dọc tuyến đê sông Mã, đoạn qua xã Hoằng Hợp (Hoằng Hóa).

Với kinh nghiệm sông nước nhiều năm, ông cho biết: “Trong khoảng thời gian từ tháng 3 - 4 (âm lịch) là mùa bắt hến, khi đó mỗi ngày vợ chồng tranh thủ ra sông từ sáng sớm đến chiều muộn cũng được gần 1 tạ, bán cho thương lái tại bờ với giá 6.000 đồng/kg, tính ra thu về 500.000 - 550.000 đồng/ngày, thậm chí cao hơn. Thời điểm từ tháng 10 này, rươi, nha sông (cà ra) nhiều, giá cả lại cao nên mọi người ai cũng tranh thủ đi đánh, bắt. Rươi nếu bán cất có giá dao động từ 250.000 - 280.000 đồng/kg, trong khi nha sông khoảng 180.000 - 200.000 đồng/kg”.

Nhọc nhằn nghề chài lưới trên dòng Mã giangNghề chài lưới trên sông Mã tuy vất vả, cực nhọc nhưng tạo công ăn việc làm, nguồn thu nhập cho một số hộ dân sinh sống quanh sông.

Đôi tay sần sùi vết chai sạn, khuôn mặt rám nắng bởi những tháng ngày lênh đênh phơi sương gió trên sông nước, Trần Văn Tài (35 tuổi, phường Thiệu Khánh, TP Thanh Hóa) trông già hơn so với độ tuổi. Sinh ra và lớn lên ở vạn chài, lại có thâm niên trong nghề đánh lưới nên anh thông thạo từng khu vực trên dòng sông Mã. Từng có thời gian dài làm đủ mọi công việc từ Bắc chí Nam, rồi làm thuê cho một số mỏ, bãi cát, năm 2013, Tài quyết định về quê rồi gắn bó với nghề cho đến tận hôm nay. Anh cho biết, có nhiều người, họ sử dụng kích điện và các phương tiện đánh bắt mang tính tận diệt khác để khai thác, thu nhập cao hơn, nhưng anh vẫn chọn cách đánh thủ công bằng lưới kéo. Cuộc sống sông nước xa nhà ăn bữa nay, lo bữa mai, tuy vất vả, thiếu thốn nhưng thu nhập cũng khá, đủ để những người dân vạn chài như Tài duy trì cuộc sống, lo cho con cái được học hành đến nơi đến chốn.

Bài và ảnh: Lê TRUNG



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]