(vhds.baothanhhoa.vn) - Con đường dẫn vào thôn Thượng Sơn, xã Điền Thượng, huyện Bá Thước, nay được đầu tư cứng hóa, giao thông đi lại thuận tiện, thông suốt, không còn nhỏ hẹp, gập ghềnh, trơn trượt khó đi như trước nữa. Năm 2020 được Đảng, Nhà nước quan tâm đưa điện về vùng sâu, vùng xa, người dân trong thôn có điều kiện tiếp cận các chương trình truyền hình, áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Nhà nhà đều có điện thắp sáng, trẻ con có ánh sáng để học bài, vui chơi. Từ đó, đời sống vật chất và tinh thần nâng lên rõ rệt.

Nhọc nhằn Thượng Sơn

Con đường dẫn vào thôn Thượng Sơn, xã Điền Thượng, huyện Bá Thước, nay được đầu tư cứng hóa, giao thông đi lại thuận tiện, thông suốt, không còn nhỏ hẹp, gập ghềnh, trơn trượt khó đi như trước nữa. Năm 2020 được Đảng, Nhà nước quan tâm đưa điện về vùng sâu, vùng xa, người dân trong thôn có điều kiện tiếp cận các chương trình truyền hình, áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Nhà nhà đều có điện thắp sáng, trẻ con có ánh sáng để học bài, vui chơi. Từ đó, đời sống vật chất và tinh thần nâng lên rõ rệt.

Nhọc nhằn Thượng SơnĐiểm trường lẻ mầm non thôn Thượng Sơn (Trường Mầm non Điền Thượng) xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến dạy và học.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà sàn khang trang, kiên cố, trưởng thôn Vi Văn Thinh trầm ngâm cho biết: Thượng Sơn hiện có trên 200 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Thái, Mường sinh sống rải rác dọc tỉnh lộ 518E. Người dân từ bao đời nay luôn chịu thương, chịu khó sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi để sinh kế, tập trung phát triển kinh tế, đưa các loại cây có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Tuy vậy, một số hộ do khó khăn bởi quỹ đất sản xuất eo hẹp... cộng thêm tư duy canh tác lỗi thời, thế nên cuộc sống cứ mãi nghèo đói, lạc hậu. Cả thôn có 67 hộ, nhưng có đến 35 hộ nghèo.

Theo tìm hiểu được biết, khoảng 67% hộ dân trong thôn hiện đang thiếu quỹ đất sản xuất, để giúp người dân sinh kế, Công ty Lâm nghiệp Cẩm Ngọc đã tạo điều kiện cho các hộ nhận giao khoán trên phần đất quản lý để trồng keo, sắn... cải thiện thu nhập. Vốn sức khỏe yếu, nhiều năm nay anh Ngân Văn Lợi mới 36 tuổi, nhưng không thể làm việc nặng. Anh chỉ giúp đỡ vợ con những việc vặt trong gia đình, kinh tế phụ thuộc hoàn toàn vào người vợ. Khó khăn lại càng chồng chất khi gia đình thiếu đất canh tác. Không chỉ riêng gia đình anh Lợi, rất nhiều hộ gia đình trong thôn đều chịu chung một nỗi trăn trở là muốn tăng gia sản xuất, trồng thêm một số cây trồng khác để sinh kế cũng không có đất. Con cái lớn lập gia đình ở riêng cũng không có đất, thực sự khốn khó trăm bề. Ở thôn Thượng Sơn, người dân quanh năm cũng chỉ trung thành với cây sắn, ngô, keo... diện tích không lớn, lại trồng trên đất không phải của mình, lời lãi chẳng đáng là bao. Thanh niên lớn lên chẳng có việc làm nên bỏ xứ đi làm ăn xa tại một số nhà máy, xí nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Nhọc nhằn Thượng SơnGia đình chị Phạm Thị Long, một trong số nhiều hộ nghèo của thôn Thượng Sơn.

Để sinh kế, gia đình chị Phạm Thị Long, dân tộc Mường, phải mượn tạm đất của lâm trường theo hình thức giao khoán trồng sắn, keo. Trung bình, mỗi năm trừ chi phí cũng chỉ thu được 10 triệu đồng, tuy không cao nhưng với khoản thu nhập này, gia đình cũng có thêm tiền lo học phí cho con và sinh hoạt khác, cuộc sống đỡ khó khăn, vất vả hơn trước. Bản thân chị cũng như nhiều hộ dân khác rất mong muốn chính quyền các cấp sớm hỗ trợ đất sản xuất để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Thiếu đất sản xuất, điều kiện kinh tế khó khăn, người dân trong thôn phần lớn phải chuyển đổi nghề, buộc phải bươn chải với cuộc sống mưu sinh xa nhà, để lại con cái cho ông bà chăm nom. Cha mẹ vắng nhà, công tác chăm sóc cho trẻ không đảm bảo dẫn đến có một số trẻ bị suy dinh dưỡng. Cô giáo Hà Thị Diệp, Hiệu trưởng Trường Mầm non Điền Thượng, chia sẻ: Điểm trường Thượng Sơn hiện có 2 lớp với 12 cháu, cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng, lại xa trung tâm, điều kiện đi lại khó khăn. Ở đây, nhiều phụ huynh do gánh nặng “cơm áo, gạo tiền” phải đi làm ăn xa, việc quan tâm, chăm sóc con trẻ còn nhiều hạn chế. Vì thế, các cô cũng kiêm cả nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng các bé thay cho bố mẹ.

Nhọc nhằn Thượng SơnDo chưa có nhà văn hóa, mọi sinh hoạt của người dân thôn Thượng Sơn đều tập trung tại nhà trưởng thôn.

Ông Lê Minh Điện, Chủ tịch UBND xã Điền Thượng, cho biết: Ở Thượng Sơn, ngoài việc chưa có nước sinh hoạt, sóng điện thoại, nhà văn hóa, một số hộ dân còn thiếu đất sản xuất. Để sinh kế, các hộ nhận giao khoán đất của lâm trường để trồng keo, sắn, cuộc sống tuy không thiếu đói mùa giáp hạt nhưng còn rất khó khăn. Khắc phục tình trạng bất lợi về đất sản xuất, thời gian qua, địa phương cũng có những giải pháp giúp bà con phát triển kinh tế như hỗ trợ cây, con giống, xuất khẩu lao động, chuyển đổi nghề khác... Tuy nhiên, về lâu dài rất mong các cấp, ban, ngành, đoàn thể sớm có giải pháp hỗ trợ đất sản xuất để người dân yên tâm canh tác, vươn lên thoát nghèo.

Bài và ảnh: Trung Lê



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]