(vhds.baothanhhoa.vn) - Phía sau những bạn trẻ khiếm thị biết viết, biết đọc, biết sử dụng máy tính, biết chơi đàn... và tự chủ cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, là những cần mẫn, tận tụy gieo yêu thương - thắp hy vọng của các thầy, cô giáo đang công tác tại Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề (GD-DN) cho người mù tỉnh Thanh Hóa. Những người thầy lặng lẽ, bằng tình yêu và trách nhiệm, như “nhịp cầu” nối để bạn trẻ khiếm thị vượt lên nghịch cảnh.

Những lớp học đặc biệt: “Người gieo mầm xanh” hy vọng

Phía sau những bạn trẻ khiếm thị biết viết, biết đọc, biết sử dụng máy tính, biết chơi đàn... và tự chủ cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, là những cần mẫn, tận tụy gieo yêu thương - thắp hy vọng của các thầy, cô giáo đang công tác tại Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề (GD-DN) cho người mù tỉnh Thanh Hóa. Những người thầy lặng lẽ, bằng tình yêu và trách nhiệm, như “nhịp cầu” nối để bạn trẻ khiếm thị vượt lên nghịch cảnh.

Những lớp học đặc biệt: “Người gieo mầm xanh” hy vọngCô giáo Nguyễn Thị Thu như người mẹ thứ hai của học sinh khiếm thị.

Học ngành sư phạm Toán - Lý, suốt những năm tháng trên giảng đường đại học, chị Nguyễn Thị Thu nghĩ sau khi tốt nghiệp sẽ về dạy ở một trường phổ thông bình thường. Nhưng rồi như một mối duyên, năm 2013 ra trường, chị lại về Trung tâm GD-DN cho người mù tỉnh Thanh Hóa. “Ngày ấy, lần đầu đến trung tâm, tôi thực sự hoang mang, xúc cảm lẫn lộn, bản thân chưa từng nghĩ lại có những lớp học đặc biệt đến vậy. Sau những băn khoăn, suy nghĩ, cuối cùng tôi cũng quyết tâm về dạy học tại đây. Nói là đi dạy, nhưng thời gian đầu, chính bản thân tôi cũng phải đi học - học chữ nổi (chữ Braille). Ngoài kiến thức chuyên môn, để dạy được học sinh khiếm thị, thì cô giáo cần phải biết đọc, biết viết chữ của các con”, cô giáo Nguyễn Thị Thu nhớ lại.

Thấm thoắt, cô giáo Nguyễn Thị Thu đã gắn bó với trung tâm hơn 10 năm. Đó là quãng thời gian đủ dài để chị thấu hiểu những bất hạnh, khó khăn và cả cảm nhận được tình yêu mà những bạn nhỏ khiếm thị dành cho mình.

Học sinh khiếm thị không thể nhìn thấy, nên mọi hình ảnh, ký hiệu cô giáo phải là người hướng dẫn, dạy, mô tả, để các con biết được, nhưng việc truyền đạt phải ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu. Thực sự, so với học sinh bình thường, việc dạy toán cho học sinh khiếm thị vất vả hơn rất nhiều. Đã có những lúc, tôi tưởng như mình bất lực, rồi cả những hình vẽ toán học đối với người khiếm thị thực sự là khó khăn rất lớn. Nhưng nhờ sự cố gắng của cả cô giáo và học sinh, cuối cùng mọi khó khăn cũng đã có thể khắc phục, cô giáo Thu cho biết.

Không chỉ dạy kiến thức, những giáo viên (người sáng) như chị Nguyễn Thị Thu còn là người mẹ thứ hai thường xuyên nhắc nhở, giúp đỡ học sinh của mình về chuyện ăn mặc, chải tóc, vệ sinh. Chị chia sẻ: “Các con ở nhiều lứa tuổi khác nhau, có bé mới chỉ 7 tuổi, phải chấp nhận sống xa gia đình, xa tình yêu thương của người thân. Thầy, cô giáo là người dạy dỗ, yêu thương, chăm sóc cho các con. Có những hôm thấy các con lên lớp, trời rét mặc áo mỏng manh, rồi lại có em mặc quần áo trái, dù đã quen nhưng vẫn thật khó để cầm lòng...”.

Hơn một lần cô giáo Nguyễn Thị Thu đã có cơ hội chuyển trường, dạy học ở một môi trường ít khó khăn hơn. Song sau những đắn đo, chị đã quyết định ở lại trung tâm, gắn bó với những học sinh khiếm thị.

Những lớp học đặc biệt: “Người gieo mầm xanh” hy vọngLà một người khiếm thị, cô giáo Lê Thị Ánh Dương thấu hiểu những khó khăn của học sinh.

Là một trong những giáo viên lâu năm tại trung tâm, cô giáo Lê Thị Ánh Dương (cũng đồng thời là Phó Giám đốc Trung tâm GD-DN cho người mù tỉnh Thanh Hóa) lại có hoàn cảnh khá đặc biệt. Vì chị cũng là một người khiếm thị. Chị Lê Thị Ánh Dương từng là cô giáo bình thường, công tác tại một trường THCS trên địa bàn TP Sầm Sơn. Năm 2001, một tai nạn xảy ra khiến chị bị mù cả hai mắt. “Đó thực sự là những tháng ngày tăm tối nhất trong cuộc đời của tôi. Từ một người sáng, có cuộc sống bình thường, sau tai nạn mọi thứ với tôi trở nên bế tắc, sụp đổ. Nhưng rồi, sau biết bao nước mắt, tôi xác định mình vẫn phải sống. Năm 2004, tôi xin về làm giáo viên dạy tại Trung tâm GD-DN cho người mù tỉnh Thanh Hóa”.

Ngoài kiến thức chuyên môn, cô giáo Ánh Dương khi đó cũng phải học mọi thứ như một người khiếm thị. Từ học chữ nổi, học định hướng (đi lại), học phương pháp dạy học. Mất đi đôi mắt, đôi tay trở thành “đôi mắt” của cô giáo Ánh Dương. Từ việc đọc sách, hướng dẫn, kiểm tra, chấm bài học sinh... mọi thứ đều phải sử dụng bằng tay. “Là cô giáo nhưng tôi cũng là một người khiếm thị, mang nỗi đau mất đi đôi mắt, không còn nhìn thấy ánh sáng nên tôi hiểu được những vất vả, bất hạnh của các bạn nhỏ khiếm thị. Thay vì thở than, bất mãn, tự hành hạ bản thân, làm khổ chính mình và những người yêu thương, tôi luôn động viên các em cố gắng vượt lên hoàn cảnh, ngay cả khi không còn đôi mắt sáng thì vẫn phải nỗ lực sống một cuộc đời ý nghĩa”, cô giáo Ánh Dương chia sẻ.

Một buổi chiều đầu đông, nắng thu còn vương trên cành lá, mới dừng xe dưới sảnh tầng 1 của Trung tâm GD - DN cho người mù tỉnh, tôi đã nghe văng vẳng tiếng hát của dàn đồng ca. Nhẹ bước chân lên tầng 3, tôi không biết mình đã đứng bao lâu ở cửa lớp học nhạc - chứng kiến cả thầy và trò đang say sưa cất cao tiếng hát. Mọi thứ xung quanh im lặng, chỉ có tiếng hát tràn đầy hy vọng cất lên.

Những lớp học đặc biệt: “Người gieo mầm xanh” hy vọngThầy giáo Nguyễn Xuân Sang thắp lên tình yêu âm nhạc trong các bạn trẻ khiếm thị.

Đứng lớp dạy nhạc là thầy giáo Nguyễn Xuân Sang. Anh hiện đang công tác tại Nhà Văn hóa thiếu nhi TP Thanh Hóa. “4 năm trước, tôi nhận được lời mời cộng tác với Trung tâm GD-DN cho người mù tỉnh Thanh Hóa. Tôi được biết, trước đó trung tâm vốn đã có lớp học nhạc nhưng vì thiếu giáo viên nên đã tạm nghỉ khá lâu. Lần đầu đến đây, tôi chưa dám nhận lời. Đứng trước những bạn nhỏ khiếm thị, tôi không biết liệu mình có thể làm được gì cho các con?! Cuối cùng, sau nhiều ngày suy nghĩ, tôi quyết định thử sức mình”, thầy giáo Nguyễn Xuân Sang chia sẻ.

Từ việc “miêu tả” nốt nhạc, nhạc cụ, cách lấy hơi... tất cả người thầy phải truyền đạt bằng giọng nói - nói sao cho các con hiểu. Cũng vì học sinh khiếm thị, nên thầy giáo Sang thậm chí đã từng phải lấy những vật dụng thân thuộc với các con như chiếc bàn, chiếc ghế để “mô tả” nốt nhạc. Nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng ở lớp học ấy, mọi thứ đã diễn ra một cách đặc biệt như vậy.

Tuy nhiên, cũng theo thầy giáo Nguyễn Xuân Sang, ở lớp học nhạc không chỉ hoàn toàn là những khó khăn. “Do các con bị khiếm thị, giác quan tiếp nhận âm nhạc duy nhất là thính giác. Các con có một sự tập trung tuyệt đối, rất ít khi bị phân tâm, nhờ đó đạt được hiệu quả cao. Cùng với đó, tôi thực sự trân quý tình cảm các con dành cho mình. Có những hôm, tôi mới đỗ xe máy ở dưới tầng, đã nghe trên tầng tiếng các con reo vui í ới “thầy Sang đến rồi”. Với người thầy, đó là niềm vui rất lớn”.

Với tâm huyết và nỗ lực của cả thầy và trò, nhiều bạn trẻ khiếm thị trong lớp học nhạc của thầy giáo Nguyễn Xuân Sang không chỉ biết hát mà còn biết đàn, biết chơi các loại nhạc cụ và cả sáng tác. Ở lớp học ấy, tôi cảm nhận được, bằng tình yêu nghề và tình yêu những đứa trẻ khiếm thị, thầy giáo Sang đã khơi dậy hy vọng, để các em vươn tới những ước mơ.

Rời lớp học nhạc, rời Trung tâm GD-DN cho người mù tỉnh Thanh Hóa, bên tai tôi còn văng vẳng những giai điệu, lời ca của bài hát “Người gieo mầm xanh”. Phải rồi, “Ai rồi cũng bước qua cuộc đời/ để lại những hành trang ở đây/... Và tôi gieo mầm xanh ấy cho cuộc đời/... Đến một ngày tương lai rồi mầm xanh kia/ sẽ tỏa bóng râm chở che cả con đường”.

Bài và ảnh: Bùi Trang

Tin liên quan:
  • Những lớp học đặc biệt: “Người gieo mầm xanh” hy vọng
    Những lớp học đặc biệt: Nỗi đau khiếm thị

    Thành ngữ Việt có câu: Giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay như một sự khẳng định về tầm quan trọng của đôi mắt và bàn tay với mỗi người. Tuy nhiên, có những người vì nhiều nguyên do mà mất đi “ánh sáng” của đôi mắt. Nhưng với khát vọng vươn lên nghịch cảnh, những người khiếm thị vẫn đang từng ngày sống và nỗ lực để đi về nơi có “ánh sáng”.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]