Những lớp học đặc biệt: Nỗi đau khiếm thị
Thành ngữ Việt có câu: Giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay như một sự khẳng định về tầm quan trọng của đôi mắt và bàn tay với mỗi người. Tuy nhiên, có những người vì nhiều nguyên do mà mất đi “ánh sáng” của đôi mắt. Nhưng với khát vọng vươn lên nghịch cảnh, những người khiếm thị vẫn đang từng ngày sống và nỗ lực để đi về nơi có “ánh sáng”.
Cô gái người dân tộc Thái Lang Thị Uyển Đan gấp “vũ trụ” với bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc theo trí tưởng tượng của một người khiếm thị.
Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề (GD-DN) cho người mù tỉnh Thanh Hóa được biết đến là ngôi nhà chung của 40 bạn trẻ khiếm thị cả ở trong và ngoài tỉnh. Mỗi bạn trẻ bị khiếm thị là một số phận, câu chuyện về nỗi đau mất đi “nguồn sáng” đôi mắt.
Phạm Đức Bính (quê xã Phong Lộc, huyện Hậu Lộc) là nạn nhân chất độc da cam. Cả ông nội và ông ngoại của em đều là bộ đội tham gia chiến đấu và nhiễm chất độc da cam. Sinh ra với cơ thể lành lặn và gương mặt khá sáng, những tưởng Phạm Đức Bính đã thoát được nỗi đau da cam. Ngày nhỏ, thị lực đôi mắt của Bính vốn đã kém, lên 7 tuổi mắt em dần mờ và không lâu sau đó, Bính hoàn toàn mất đi thị lực. Cuộc sống với Bính u tối từ đó.
“Em đã khóc, khóc rất nhiều. Em hỏi bố mẹ vì sao em không còn nhìn thấy ánh sáng, không nhìn thấy mọi người, không nhìn thấy được đồ vật xung quanh nữa... Và cuối cùng, em chấp nhận mình bị mù. Để trốn tránh, em tự nhốt mình trong phòng tối, lặng im không giao tiếp suốt một thời gian dài”, Phạm Đức Bính nhớ lại.
Năm 2018 (một năm sau khi bị mù hoàn toàn) cậu bé Bính được người nhà đưa xuống Trung tâm GD-DN cho người mù tỉnh Thanh Hóa với hy vọng em được học tập trong môi trường mới dành cho người khiếm thị. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, vì không quen và cả nhớ nhà, Bính đòi về. Năm 2019, em lại xin xuống trung tâm. “Được sự khuyên bảo của người lớn và em cũng suy nghĩ rất nhiều, em không muốn cuộc sống của mình tăm tối, em muốn có một tương lai khác chứ không phải nhốt mình trong bốn bức tường, vì thế em đã quyết tâm ở lại trung tâm. Thấm thoát cũng đã 6 năm trôi qua”, Bính chia sẻ.
Phạm Đức Bính và ước mơ trở thành một nghệ sĩ.
14 tuổi, Phạm Đức Bính hiện đang là học sinh lớp 5. Dù khiếm thị nhưng với sự chăm chỉ và nỗ lực nên kết quả học tập của Bính khá tốt. Bính còn biết sử dụng máy tính thành thạo. Và đặc biệt, em có thể hát, chơi các loại nhạc cụ. Bính ước mơ sau này có thể trở thành một nghệ sĩ piano.
Với Lê Văn Tự (16 tuổi, quê xã Nguyệt Ấn, huyện Ngọc Lặc) từ khi sinh ra đôi mắt em chưa một lần nhìn thấy ánh sáng. Cuộc sống của Tự cứ lặng lẽ trôi qua trong nỗi bất hạnh. 10 tuổi, Tự được người nhà đưa xuống Trung tâm GD-DN cho người mù tỉnh Thanh Hóa. Từ đây em bắt đầu một cuộc sống mới, một ngã rẽ mới. “Tại trung tâm, em được học định hướng, rồi học chữ Braille, học đàn, học hát, học vi tính... em thấy cuộc sống của mình thay đổi. Em còn quen biết nhiều bạn bè cũng bị khiếm thị như mình nên thấy bản thân vơi bớt cô đơn, mặc cảm”.
Trò chuyện với Tự, người đối diện cảm nhận được ở em tình yêu cuộc sống và ý chí, khát vọng vươn lên. Tự không tự ti, thay vào đó, em chấp nhận số phận và đối diện với nó, em nỗ lực mỗi ngày để có thể trở thành “phiên bản” tốt nhất của bản thân. Trong suốt nhiều năm liền, kết quả học tập của Tự ở các môn học luôn được thầy cô đánh giá cao.
Đặc biệt, Lê Văn Tự có khả năng sáng tác. “Ngoài những tiết học trên lớp, em thường nghĩ về cuộc sống, về những ước mơ... và em sáng tác, như một sự gửi gắm xúc cảm”. Nhìn những bản nhạc chữ nổi em viết, tôi không khỏi ngỡ ngàng. Khoe với chúng tôi, Lê Văn Tự cho biết ca khúc mới nhất em sáng tác là bài “Ký ức sân trường”, là lời tâm sự của những học sinh cuối cấp. Bài hát hiện đã được Tự thu âm và em dự định sẽ quay thành một video ca nhạc. “Em ước mơ sau này có thể trở thành một nhạc sĩ, được cháy hết mình với đam mê, được sáng tác những bài hát cho mình và mọi người”, chàng trai khiếm thị Lê Văn Tự chia sẻ.
Có dịp trò chuyện với những bạn trẻ bị khiếm thị hiện đang sống, học tập tại Trung tâm GD-DN cho người mù tỉnh Thanh Hóa, tôi ấn tượng với cô gái Lang Thị Uyển Đan (dân tộc Thái, quê xã Nghĩa Mai, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An). Uyển Đan có vóc người nhỏ so với độ tuổi 14 của mình. Ẩn sau nụ cười hiền và gương mặt xinh xắn là những tâm tình của cô bé tuổi đang lớn.
Sinh ra với cơ thể lành lặn, lên 3 tuổi, sau đợt ốm nặng và cơn sốt cao, Uyển Đan bỗng dưng mất đi khả năng nhìn thấy ánh sáng. “Sau khi ngủ dậy, em thấy xung quanh mình tối đen như mực, em nói với bố sao không bật đèn lên, con thấy tối quá. Tiếp đến, chị gái đưa bánh cho em, em cũng không hay biết. Chị gái hốt hoảng gọi bố mẹ... Lúc đó em mới biết mắt mình đã không còn nhìn thấy”, Uyển Đan nhớ lại.
Trung tâm GD-DN cho người mù tỉnh Thanh Hóa là ngôi nhà chung của 40 bạn trẻ khiếm thị.
Sau nhiều năm sống ở quê nhà, biết đến Trung tâm GD-DN cho người mù tỉnh Thanh Hóa, gia đình Uyển Đan đã đưa em vào đây với mong muốn em được học chữ, học định hướng và được dạy các kỹ năng trong cuộc sống đối với người khiếm thị. Ngoài khả năng hát, Uyển Đan còn là cô gái khéo tay. Em biết tết tóc, gấp hộp, gấp hoa... tặng thầy cô, bạn bè. Đưa cho tôi một tờ giấy đã được gấp thành hình, Uyển Đan cho biết: “Đây là bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc, em ước một ngày có thể nhìn thấy lại được ánh mặt trời, được nhìn thấy vạn vật xung quanh, được đi tới những vùng đất tươi đẹp”. Nói rồi Uyển Đan cười, nụ cười ẩn chứa nhiều nỗi buồn.
Nguyễn Đình Duy Nguyên (quê phường Hải Thanh, thị xã Nghi Sơn) cũng bị khiếm thị bẩm sinh. Tuy nhiên, “năm 2017 đôi mắt em bắt đầu cảm nhận được những luồng sáng mỏng manh, đến thời điểm hiện tại, vào ban ngày, khả năng nhìn thấy của đôi mắt được khoảng 2/10. Với một người khiếm thị như em, đó thực sự là một phép màu kỳ diệu”, Duy Nguyên chia sẻ. Thích máy tính, Duy Nguyên ước mơ sau này có thể trở thành một lập trình viên. Hiện tại, Duy Nguyên sử dụng máy tính khá thành thạo, ngoài việc soạn văn bản, sửa tệp tin, em còn viết được code (sử dụng ngôn ngữ lập trình để tạo ra các chuỗi mã hóa) đơn giản.
Bà Lê Thị Ánh Dương, Phó Giám đốc trung tâm GD-DN cho người mù tỉnh Thanh Hóa, cho biết: “Hầu hết các bạn trẻ đang sống, học tập tại trung tâm đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Tại đây, với sự quan tâm của Nhà nước, các em được nuôi ăn, ở và học tập hoàn toàn miễn phí. Mong rằng, sau những năm tháng học tập tại trung tâm, khi về với gia đình, vượt lên nghịch cảnh, các em sẽ có cuộc sống tốt hơn”.
Bài và ảnh: Khánh Lộc
- 2024-11-16 07:36:00
Bản tin Tài chính 16/11: Vàng nhẫn tăng trở lại; Mỹ tiếp tục xác định Việt Nam không thao túng tiền tệ
- 2024-11-16 07:33:00
Những lớp học đặc biệt: “Người gieo mầm xanh” hy vọng
- 2024-11-15 07:00:00
Bản tin Tài chính 15/11: Giá vàng nối dài đà giảm; áp dụng quy định mới về lãi suất tiền gửi từ 20/11
Phát triển chăn nuôi, hướng thoát nghèo của người dân Quan Hóa
Giá khám chữa bệnh điều chỉnh thế nào khi mức lương cơ sở lên 2,34 triệu đồng?
[REVIEW OCOP] Đậm đà chất biển, tinh tế vị quê hương
Mường Lát: Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số
Phát triển nghề nuôi ong lấy mật ở Thường Xuân
Bảo tồn và phát triển trà hoa vàng dược liệu dưới tán rừng Thạch Thành
Bản tin Tài chính 14/11: Vàng thế giới tiếp đà giảm mạnh, trong nước duy trì ổn định
Chị Cảo làm kinh tế giỏi
Góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số