Những người mẹ đặc biệt ở Làng trẻ SOS
Không lấy chồng, hy sinh cả tuổi thanh xuân, tự nguyện cống hiến sức lực, hàng ngày không quản mệt nhọc, vất vả nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục những đứa trẻ không do mình sinh ra bằng cả tấm lòng và tình yêu thương vô hạn. Đối với những mẹ, dì ở Làng trẻ em SOS Thanh Hóa, nhìn thấy các con khỏe mạnh, trưởng thành, xây đắp tổ ấm gia đình... đó là niềm vui, hạnh phúc lớn lao không gì đong đếm.
Những ngôi nhà trong Làng trẻ em SOS được xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của các thành viên.
Làng trẻ em SOS Thanh Hóa có 14 mẹ, dì chịu trách nhiệm chăm sóc 110 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi, sinh sống trong những ngôi nhà nhỏ được đánh số, đặt tên. Mỗi ngôi nhà xinh xắn tựa một gia đình nhỏ mang tên những loài hoa được xây dựng khang trang, hiện đại, cơ bản đầy đủ những vật dụng thiết yếu trong sinh hoạt thường ngày. Những mẹ, dì ở đây chủ yếu ở các vùng quê trên địa bàn tỉnh, độ tuổi trung bình từ 40 - 60, họ không chồng, không con, bằng tình thương, sự nhiệt tình, tâm huyết và tận tụy, tự nguyện xin làm ở đây để được hàng ngày chăm lo cho những đứa trẻ không do mình sinh ra từng miếng ăn, giấc ngủ, hy vọng có thể bù đắp được những thiệt thòi các con đang phải gánh chịu.
Chúng tôi tìm về ngôi nhà số 2 có tên Hoa Huệ, trong không gian thoáng đãng, ấm cúng, mẹ Bùi Thị Ánh (50 tuổi, quê Ngọc Lặc) đang tất bật chuẩn bị buổi cơm trưa cho các con. Gần 20 năm thanh xuân gắn bó với cộng đồng làng trẻ em, với mái ấm ngôi nhà cùng những đứa con thơ, là quãng thời gian vui vẻ, hạnh phúc nhất trong cuộc đời. Mẹ Ánh cho biết, trong mỗi gia đình, một mẹ SOS đảm nhận nuôi từ 6 - 8 trẻ. Phần lớn các con được đón về còn rất nhỏ, với nhiều hoàn cảnh khác nhau. Công việc chăm sóc, nuôi dưỡng khá vất vả, đặc biệt những lúc các con ốm đau, đứa này lây sang đứa kia. Chưa kể mỗi con một tính cách, rồi bất đồng quan điểm, cãi vã... Để tạo không khí đầm ấm trong gia đình, mẹ luôn ân cần hỏi han, chăm sóc, nắm rõ tính cách để động viên các con hòa nhập với cuộc sống, thương yêu, bảo ban nhau như anh, chị em ruột thịt. Bởi vậy, ngôi nhà của mẹ Ánh luôn tràn đầy tiếng cười đùa của con trẻ.
Mẹ Bùi Thị Ánh và đứa con nhỏ nhất trong gia đình ngôi nhà Hoa Huệ.
Đoàn Thị Hải An (17 tuổi) sinh ra trong một gia đình nghèo ở huyện ven biển Hoằng Hóa. Bố mất sớm, năm An vào lớp 1, mẹ thường xuyên ốm đau, bệnh tật, không đủ sức nuôi nên gửi con vào Làng trẻ em SOS để được nuôi dưỡng. Hơn 10 năm sống dưới ngôi nhà chung, được sự yêu thương, đùm bọc của mọi người; sự chăm sóc của mẹ Ánh phần nào giúp An có thêm động lực, niềm tin trong cuộc sống. Giờ không còn sinh sống trong ngôi nhà Hoa Huệ, nhưng với An, hình ảnh người mẹ nhiều đêm thức trắng để chăm sóc các con, hướng dẫn, dạy bảo các con trong nếp sống, cư xử với mọi người, động viên khi con ốm đau, khuyến khích khi con đạt thành tích cao trong học tập và rèn luyện đạo đức... mãi là ký ức đẹp đẽ nhất trong cuộc đời.
Không chỉ chăm lo sức khỏe, những bà mẹ, dì ở Làng trẻ em SOS còn mang một sứ mệnh cao cả là dạy dỗ, nuôi dưỡng các con nên người.
Đối với mẹ Lê Thị Oanh (57 tuổi, TP Thanh Hóa) sinh sống tại nhà số 3 Hoa Cúc, những ngày đầu vào Làng trẻ em SOS, nhận vai trò làm mẹ của 8 đứa con trong một nhà khiến mẹ khá bỡ ngỡ. Chỉ sau thời gian ngắn, mẹ dần quen với công việc đi chợ chuẩn bị bữa cơm, đưa đón các con đi học, tắm rửa, giặt quần áo cho chúng. Mẹ Oanh tâm sự, hiện đứa lớn nhất đang học lớp 12, đứa nhỏ nhất mới hơn 1 tuổi nên cần được chăm sóc nhiều hơn, nhất là trẻ nhỏ thường xuyên ốm đau. Dù không còn nhanh nhẹn, khỏe khắn như lúc mới vào làng, tóc đã nhuốm bạc nhiều, chân tay cũng yếu dần, nhưng một ngày làm việc của mẹ Oanh cứ đều đặn từ sáng sớm, cùng sinh hoạt ngày mới với các con và kết thúc khi thấy các con ngon giấc. Đầu tắt mặt tối cả ngày, tối đến sau khi hết việc nhà, mẹ còn tranh thủ ngồi cạnh kèm các con học bài. Vất vả, lo toan là vậy, thế nhưng với mẹ Oanh, mỗi lần nhìn thấy các con vui vẻ cười đùa, có cuộc sống ấm no, từng ngày lớn khôn, có cuộc sống hạnh phúc... là động lực giúp mẹ tiếp tục công việc.
Ông Phan Văn Ẩm, Giám đốc Làng trẻ em SOS Thanh Hóa, cho biết: Mang sứ mệnh giúp những trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi có một tuổi thơ trọn vẹn, một gia đình ấm áp, môi trường an toàn để phát triển, trưởng thành, những năm qua, làng trẻ em ghi nhận sự đồng hành và hỗ trợ của những nhà hảo tâm, các tổ chức, doanh nghiệp đã giúp đỡ chia sẻ khó khăn trong quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ. Đặc biệt, với tình yêu thương, đồng cảm, sẻ chia, những người mẹ, dì nơi đây luôn hết lòng nuôi dưỡng cho những em nhỏ mồ côi, giúp các em phần nào vơi đi những thiệt thòi, mất mát, phấn đấu trở thành công dân có ích cho xã hội. Nhờ sự quan tâm chăm sóc, động viên của các mẹ, các dì mà hàng năm 100% trẻ tại làng được tham gia học tập, đạt thành tích cao trong học tập và rèn luyện. Nhiều em trưởng thành có công việc, thu nhập ổn định, xây dựng tổ ấm hạnh phúc...
Bài và ảnh: Viết Trung
{name} - {time}
-
2024-12-03 20:07:00
Vinh danh 19 đơn vị, tổ chức đạt Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam
-
2024-12-03 13:51:00
Chông chênh sự học bên bờ sông Mã
-
2024-10-18 10:29:00
Triệu Sơn hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo
Vượt núi cao đi tìm tri thức: Chuyện những cô giáo nơi bản làng
Bản tin Tài chính 18/10: Vàng nhẫn tiếp đà tăng giá; Giá bán USD lên mốc 25.408 đồng/USD
Dự báo thời tiết ngày 18/10: Thanh Hóa ngày nắng, đêm mưa rải rác
Hóa giải lời “thở than”
Rộn ràng vụ đông trên đất Trường Xuân
Việt Nam đi đầu tích hợp biện pháp giảm nghèo đa chiều vào chính sách quốc gia
Góp sức đưa phong trào văn hóa đi vào chiều sâu
Xoá nhà tạm, nhà dột nát: Chung sức, đồng lòng vì “mái ấm cho đồng bào tôi”
Bản tin Tài chính 17/10: Giá vàng đồng loạt tăng mạnh