(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Họ là những người mẹ, người vợ đã hy sinh cả cuộc đời vì chồng, vì con là nạn nhân chất độc da cam. Tuổi xuân của họ bị chôn vùi trong đau đớn, khổ cực, nhưng vì tình yêu thiêng liêng, họ vượt lên nỗi đau mất mát, sống trọn cuộc đời thủy chung, hy sinh vì gia đình, người thân.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những trái tim như ngọc sáng ngời

(VH&ĐS) Họ là những người mẹ, người vợ đã hy sinh cả cuộc đời vì chồng, vì con là nạn nhân chất độc da cam. Tuổi xuân của họ bị chôn vùi trong đau đớn, khổ cực, nhưng vì tình yêu thiêng liêng, họ vượt lên nỗi đau mất mát, sống trọn cuộc đời thủy chung, hy sinh vì gia đình, người thân.

Giữa cái nắng trưa hè bỏng rát, tôi đến thăm bà Đỗ Thị Khanh và ông Vũ Văn Thuộc - thương binh, nạn nhân chất độc da cam quê xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, hiện đang điều trị tại Khoa Thần kinh - Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Tôi bắt gặp người phụ nữ nằm ngủ gật ở góc giường, tay cầm chiếc kim thêu dở bức tranh, còn người đàn ông nằm thiêm thiếp trên chiếc giường nhỏ, khắp người đắp bao nhiêu là khăn ướt, khuôn mặt in hằn sự đau đớn. Nghe tiếng động, người phụ nữ giật mình tỉnh giấc, nhận ra tôi: “Cả đêm qua cô không chợp mắt, chỉ sợ lỡ ngủ thiếp đi, chú có mệnh hệ gì, cô ân hận cả đời”. Tôi hỏi: “Cô thiếu ngủ sao còn dành thời gian thêu tranh, thời gian ấy không dành nghỉ ngơi”. Bà bảo “Thêu tranh để giết thời gian và thức để trông chú.”

Quê bà Đỗ Thị Khanh ở Bảo Yên, Lào Cai. Tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp, bà về công tác ở phòng Nông nghiệp rồi chuyển sang làm việc Hội Nông dân huyện Bảo Yên. Trong một lần gặp mặt với cựu chiến binh Binh đoàn Tây Nguyên, cảm thông và chia sẻ với thương binh, nạn nhân chất độc da cam Đại tá Vũ Văn Thuộc, quê Thiệu Trung, Thiệu Hóa. Biết người thương binh này đã mất vợ, con là nạn nhân da cam bị liệt, còn mẹ già hơn 90 tuổi, bà vẫn nhận lời cầu hôn về làm vợ ông. Bà bảo, lần đầu tiên về thăm gia đình anh, cậu con trai Vũ Văn Thu bị nhiễm chất độc da cam gọi bà tha thiết “Mẹ ơi, mẹ ở lại với con, con chỉ cần mẹ thôi”.

Trái tim người đàn bà vốn yếu mềm, từ phút giây ấy, cô cảm thấy mình có thể hy sinh mọi thứ, bỏ qua mọi khiếm khuyết của người đàn ông ấy để mà chung sống, chia ngọt sẻ bùi, cùng ông chăm sóc các con. Thời điểm ấy, bà là Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bảo Yên nhưng bà vẫn quyết định từ bỏ công việc, quê hương về làm dâu Thanh Hóa trong sự ngỡ ngàng của người thân, bạn bè, đồng nghiệp. Được sự giúp đỡ của bạn bè bên chồng, bà xin chuyển công tác về Hội Nông dân huyện Thiệu Hóa. Cưới nhau được 4 năm, đến năm 2009, ông Thuộc bị tai biến, bệnh gan, phổi, bà chạy vạy ngược xuôi đưa chồng ra nước ngoài chữa trị, nhờ đó, ông Thuộc khỏe mạnh trở lại.

Đã 12 năm nay, bà Đỗ Thị Khanh luôn tận tình, chăm sóc chồng là nạn nhân chất độc da cam bằng tất cả tình yêu thương, đức hy sinh.

Nhưng ông trời cứ như muốn thử thách lòng người, năm 2012, ông Vũ Văn Thuộc bị tai biến trở lại, liệt toàn thân, bệnh gan, phổi càng nặng. Một lần nữa bà lại tất tả đưa chồng đi khắp các bệnh viện lớn ở Hà Nội, sức cùng lực kiệt, bà đưa chồng về Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Mẹ già yếu, con bị liệt không người chăm sóc, chồng rơi vào hôn mê, liệt tứ chi. Để có thời gian chăm sóc cho chồng, bà xin nghỉ hưu sớm “giành giật sự sống cho chồng từng ly từng tí một”.

Đã 4 năm nay, các y, bác sỹ Khoa Thần kinh - Bệnh viện Đa khoa tỉnh quá quen thuộc với hình ảnh người phụ nữ tỉ mỉ lau từng ngón chân, kẽ tay, bơm từng xi lanh cháo, sữa cho chồng và hằng đêm ngồi cạnh chồng. Như hiểu được lòng vợ, mỗi lần đi ngủ, khuôn mặt ông hốt hoảng tìm bà, tuy không thể nhận biết, nhưng chỉ cần nhìn thấy bà là ông cũng yên tâm ngủ ngon.

Tôi cứ nghĩ mãi, nếu không có tình yêu, sự hy sinh, bao dung của bà, liệu ông có thể chống chọi với bệnh tật suốt bao năm. Và nếu không có tình yêu thực sự, liệu bà có dũng cảm và tận tâm chăm sóc chồng, con như vậy.

Hôm tôi gặp lại bà tại lễ kỷ niệm 55 năm thảm họa da cam ở Việt Nam được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị 25B, bà ngồi lặng lẽ một góc hội trường, khi được xướng tên mình là một trong 20 cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích trong công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin, người phụ nữ ấy lấy tay gạt đi những giọt nước mắt lăn dài trên má. Không biết giây phút ấy bà xúc động vì điều gì, còn tôi cảm nhận thấy một tấm lòng bao dung, dám chấp nhận thiệt thòi về mình mà sống cho những người thương yêu, điều ấy quả là trân quý.

Và cũng tại buổi lễ kỷ niệm, tôi bắt gặp nhiều người vợ, người mẹ đón nhận Bằng khen Nhà nước trao tặng, đôi mắt họ cũng nhòe lệ, xúc động. Đó là các ông, bà Nguyễn Thị Bốn (Xuân Phong, Thọ Xuân); Lê Bá Quang (Hoằng Tiến, Hoằng Hóa); Hoàng Thị Gấm (phường Đông Hương, TP Thanh Hóa); Bùi Thị Dặn (Thạch Sơn, Thạch Thành); Lê Thị Thanh (Quảng Châu, TX Sầm Sơn)… và còn hàng ngàn các chị, các mẹ là tấm gương về đức hy sinh, tinh thần chịu đựng gian khổ, khó khăn vất vả để chăm sóc chồng, con, người thân là nạn nhân da cam/ dioxin suốt 30 - 40 năm nay.

Chiến tranh đã lùi xa, những vết thương da thịt của chiến tranh đã lành theo năm tháng nhưng vết thương da cam không chỉ tàn lụi đi mà còn di truyền qua nhiều thế hệ. Bản thân những nạn nhân da cam họ chịu đau đớn bao nhiêu thì những người chăm sóc cũng đau đớn bấy nhiêu và chính những người chăm sóc họ cũng là “nạn nhân”. Tuy nhiên, bằng tình yêu thương, tấm lòng bao dung, họ đã vượt qua nỗi đau, khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Bởi vậy, sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong thư gửi Hội nghị quốc tế về hậu quả chất độc da cam/dioxin Việt Nam tổ chức tại Pháp năm 2005 đã viết: “Cùng nhau chia sẻ khó khăn với nạn nhân chất độc da cam/dioxin, chúng ta có quyền tự hào vì trước sự tàn khốc của chiến tranh, của chất độc hại, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam vẫn ngời sáng. Đã có nhiều nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam vượt lên đau đớn, bệnh tật, hòa nhập cộng đồng và tích cực tham gia đóng góp xây dựng quê hương, đất nước với nhiều thành tích xuất sắc”.

Và tôi tin, đằng sau sự nỗ lực của mỗi nạn nhân da cam là sự hy sinh, sự động viên khích lệ, một tấm lòng bao dung, yêu thương chân thành của những người thân của họ, trong đó phần lớn là những người mẹ, người vợ như cô Khanh, bác Bốn…

Ngọc Huấn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]