(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Tình trạng lao động bất hợp pháp (LĐBHP) đã gây ra hệ lụy thấy rõ khi Bộ LĐ-TB&XH buộc phải dừng tuyển lao động sang Hàn Quốc trong năm 2016 ở tại 4 huyện là: Đông Sơn, Quảng Xương, Hoằng Hóa và Thiệu Hóa. Tình trạng này chưa nói là ảnh hưởng đến uy tín quốc gia mà đã làm mất đi cơ hội đổi đời của hàng nghìn lao động khác.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Viết tiếp bài “Xuất khẩu lao động - Những gam màu sáng tối”: Khép lại cơ hội đổi đời

(VH&ĐS) Tình trạng lao động bất hợp pháp (LĐBHP) đã gây ra hệ lụy thấy rõ khi Bộ LĐ-TB&XH buộc phải dừng tuyển lao động sang Hàn Quốc trong năm 2016 ở tại 4 huyện là: Đông Sơn, Quảng Xương, Hoằng Hóa và Thiệu Hóa. Tình trạng này chưa nói là ảnh hưởng đến uy tín quốc gia mà đã làm mất đi cơ hội đổi đời của hàng nghìn lao động khác.

“Quả bom” lao động bất hợp pháp đã phát nổ

Hàn Quốc là thị trường lao động hấp dẫn bởi các chế độ phúc lợi tốt, an ninh đảm bảo, lương cao, ổn định (trung bình khoảng 1.200 USD/tháng) và không quá “kén” lao động. Đây cũng là thị trường lao động sáng giá nhất để các huyện thuộc diện 30a XKLĐ nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững. Tính đến nay, Thanh Hóa có khoảng 5.000 lao động đã và đang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS. Số tiền lao động làm việc tại đây gửi về cho gia đình chiếm 42% tổng số tiền lao động làm việc ở nước ngoài gửi về.

Tuy nhiên, số lao động bỏ hợp đồng, lao động bất hợp pháp (LĐBHP) qua các năm ngày càng cao. Theo báo cáo của Sở LĐ-TB & XH tỉnh, tính từ năm 2010 đến hết tháng 6/2016, toàn tỉnh có 1.048 LĐBHP, trong đó số lao động hết hạn hợp đồng phải về nước trong 6 tháng đầu năm 2016 là 925 người. Trước tình trạng trên, ngày 29/7 Bộ LĐ-TB&XH đã có công văn về việc tạm dừng tuyển lao động đi làm việc tại Hàn Quốc ở một số địa phương. 4 huyện của Thanh Hóa bị dừng vì có số LĐBHP cao là Đông Sơn (255 người), Hoằng Hóa (147 người), Quảng Xương (60 người) và Thiệu Hóa (78 người).

Như vậy, cánh cửa đổi đời, thoát nghèo bằng việc đi XKLĐ tại Hàn Quốc đã đóng lại với lao động thuộc 4 huyện. Buồn hơn là hàng trăm học viên đang nỗ lực theo học tại các trung tâm với hy vọng được sang Hàn, nhưng không được tham gia kỳ thi trong chương trình EPS trong tháng 10 tới.

Em Lê Thị Dung đang được cán bộ Trung tâm giải thích về việc không được thi trong tháng 10 tới.

Em Lê Thị Dung (xã Đông Ninh, Đông Sơn) hết sức hụt hẫng, buồn bã trước thông tin huyện mình nằm trong “danh sách đen”. Đang làm công nhân trong Nam với mức lương 5 triệu đồng/tháng, khi biết thông tin thị trường Hàn có nhu cầu tuyển lao động, em đã bỏ việc dở chừng trở về nhà đăng ký học tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa. Em tâm sự: “Bố mẹ em già rồi mà vẫn ngày ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Thương bố mẹ nên em quyết đi xuất khẩu, kiếm tiền cho bố mẹ dưỡng già, nuôi các em ăn học, nhưng…”.

Câu nói của em bị nghẹn lại bởi những giọt nước mắt lăn dài trên má. Không những mất đi khoản tiền lương, chi phí cho việc học hành, đi lại của Dung mất khoảng 3 triệu đồng/tháng, đây là số tiền mà bố mẹ em phải vay mượn họ hàng.

Cùng tâm trạng với Dung là em Nguyễn Thọ Long (Đội 6, Thiệu Viên, Thiệu Hóa). Theo Long thì XKLĐ là con đường làm giàu chính đáng và ngắn nhất. "Thực tế ở xã em, những ai đi XKLĐ về đều xây được nhà cao tầng, có vốn làm ăn kinh doanh, góp phần làm giàu quê hương. Em đang còn trẻ thì phải biết nắm cơ hội này chị à. Chỉ còn 2 tháng nữa là đến kỳ thi mà bọn em không thể tham gia nữa rồi” - em Long tâm sự.

Hiện nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa có 267 học viên thuộc 4 huyện đang theo học, còn Trường Trung cấp nghề thanh, thiếu niên đặc biệt khó khăn Thanh Hóa là 115 học viên và hàng trăm học viên đang theo học tại các cơ sở tư nhân khác để chuẩn bị sang Hàn Quốc. Sau khi biết tin, không những các em buồn bã mà gia đình cũng hết sức hụt hẫng, hoang mang. Các em đều phải bỏ công việc hiện tại, bố mẹ không tiếc công sức đầu tư, kỳ vọng nhưng tiếc thay… Hiện tại, nhiều em đã thôi, rút hồ sơ.

Nhiều học viên thuộc 4 huyện bị tạm dừng đang theo học tại Trung tâm dịch vụ việc làm Thanh Hóa.

Theo dự kiến, trong kỳ thi tháng 10 sắp tới Thanh Hóa có khoảng 6.000 lao động tham gia. Tuy nhiên việc Bộ LĐ-TB&XH thông báo 4 huyện của Thanh Hóa bị tạm dừng đã làm con số này sụt giảm đáng kể so với các năm.

Quyết liệt thực hiện các giải pháp

Để nhanh chóng khắc phục tình trạng LĐBHP tại Hàn Quốc, ngay từ đầu năm 2016 Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành chỉ thị về việc “Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc về nước”. Đối với 4 huyện có số LĐBHP cao nằm trong danh sách bị tạm dừng, từ nay đến hết năm 2016 các ban, ngành liên quan và chính quyền địa phương tăng cường thông tin, tuyên truyền về chính sách ân hạn của Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó, các xã, phường, thị trấn cần chủ động lồng ghép việc tuyên truyền, vận động với các cuộc họp, phong trào nhằm nâng cao nhận thức cho các gia đình đang có con, em là LĐBHP tại Hàn Quốc hiểu được những hệ quả khôn lường khi cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, cũng như cơ hội khi về nước đúng thời hạn. Đồng thời, ngăn ngừa việc môi giới, lừa đảo thu tiền của người lao động trái quy định để đi Hàn Quốc.

Mặt khác, Sở LĐ-TB&XH sẽ chủ trì, phối hợp chặt chẽ với 4 huyện xây dựng kế hoạch, tổ chức các cuộc tham vấn tại những xã có tỷ lệ LĐBHP cao, yêu cầu gia đình cam kết, vận động con em về nước càng sớm càng tốt.

Ông Trương Thanh Quế - Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Hoằng Hóa, cho biết: Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về quyền lợi của người lao động khi về nước đúng thời hạn, huyện tổ chức buổi tư vấn cho gia đình các LĐBHP, yêu cầu ký cam kết. Chủ tịch UBND huyện đã gửi thư tay kêu gọi, vận động cho thân nhân LĐBHP, để họ thấy được trách nhiệm của mình và giải thích cho con em đang cư trú bất hợp pháp trở về nước trong thời gian ngắn nhất.”

Chỉ vì 540 lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc đã làm cho hàng nghìn lao động khác ở 4 huyện Đông Sơn, Quảng Xương, Hoằng Hóa và Thiệu Hóa mất đi cơ hội đổi đời là một sự phi lý, bất công.

Như vậy chỉ vì 540 lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc đã làm cho hàng nghìn lao động khác ở 4 huyện Đông Sơn, Quảng Xương, Hoằng Hóa và Thiệu Hóa mất đi cơ hội đổi đời là một sự phi lý, bất công. Không những thế việc ngừng XKLĐ sang Hàn Quốc cũng sẽ tác động không nhỏ đến các chỉ tiêu phát triển KT-XH và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội ở những huyện này.

Để giải quyết vấn đề này, việc vận động tuyên truyền đã được tiến hành, nhưng chỉ qua thân nhân, gia đình của lao động. Còn trực tiếp những LĐBHP kia vẫn đang vô tư tiếp tục cuộc hành trình trên đất khách để lại tiếng xấu cho quê hương. Nên chăng, ngoài các hình thức tuyên truyền, các cấp chính quyền và ngành chức năng cần có những giải pháp mạnh tay hơn.

Vân Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]