(vhds.baothanhhoa.vn) - Đối với nhiều người, kết quả xét nghiệm dương tính HIV cũng giống như nhận bản án nghiệt ngã. Từng ngày họ không chỉ đấu tranh với căn bệnh thế kỷ mà còn phải đối diện với sự kỳ thị khắc nghiệt. Và nỗi đau tưởng chừng như vô hình đấy bắt đầu được viết thành tên.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nỗi đau mang tên HIV/AIDS

Đối với nhiều người, kết quả xét nghiệm dương tính HIV cũng giống như nhận bản án nghiệt ngã. Từng ngày họ không chỉ đấu tranh với căn bệnh thế kỷ mà còn phải đối diện với sự kỳ thị khắc nghiệt. Và nỗi đau tưởng chừng như vô hình đấy bắt đầu được viết thành tên.

Tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh, chúng tôi chứng kiến những người phụ nữ lặng lẽ đến và ngồi chờ trên dãy ghế hành lang để đợi đến lượt vào khám, nhận tư vấn và lấy thuốc. Dường như, họ không muốn nói chuyện với ai, tất cả họ đều không muốn ai nhận ra mình.

Tiếp cận và trò chuyện với một người phụ nữ ngồi cuối hành lang, chị tên Lê Thị M (phường Đông Hương, TP Thanh Hóa) khi được chúng tôi hỏi nguyên nhân nhiễm HIV, chị chia sẻ: “Ngày vào viện sinh con, khi đi xét nghiệm máu tôi biết mình bị nhiễm HIV từ người chồng, bản thân đã từng nghĩ đến cái chết để giải thoát, nhưng nghĩ đến con cần có mẹ chăm sóc nên tôi đã quyết tâm đi điều trị”.

Đối với chị L (huyện Nông Cống), chị bị nhiễm HIV từ gần 6 năm nay. Đến giờ, mỗi lần nhắc lại những ngày tháng đầu phát hiện mình bị nhiễm HIV, chị L vẫn rùng mình. Từ một người phụ nữ hay nói cười, chị thu mình lại, sợ hãi khi đối diện với ánh mắt của mọi người. Không có việc làm, chị đi bán rau, cá ở chợ nhưng chẳng ai mua. Ngay cả những con vật nuôi trong nhà chị cũng bị gán… lây bệnh từ chủ. Cuộc sống của mẹ con chị L vốn đã cùng cực nay còn cùng cực hơn. Chị cho biết những người bạn cùng bị với chị hồi đó giờ chả còn ai, chỉ còn chị sống được đến nay là nhờ được điều trị ARV miễn phí. Theo lời kể của chị L mỗi tháng một lần, chị đến Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS của huyện Nông Cống khám bệnh, lĩnh thuốc.

Được biết, tại huyện Nông Cống, theo thống kê tính đến 30/4 lũy tích các trường hợp nhiễm HIV/AIDS trên toàn huyện là 200 người, trong đó có 125 người chuyển sang giai đoạn AIDS, 56 bệnh nhân đã tử vong do AIDS; 3 trường hợplây HIV do lây truyền từ mẹ sang con.

Cán bộy tế xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa thực hiện test - xét nghiệm nhanh phát hiện nhiễm HIV tại bản.

Đến với xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa chúng tôi không khỏi đau lòng trước bao cái chết vì nhiễm HIV, phần lớn trong số đó có nguồn gốc lây nhiễm từ tiêm chích ma tuý. Những ngôi nhà với bi kịch con mất cha, vợ mất chồng..., với những người còn sống thì bản án “tử hình” đang treo lơ lửng trên đầu do ma túy, HIV/AISD.

Chị Dương Thị D tại bản Sước, có chồng mắc nghiện ma túy mấy năm nay. Nghe nói cán bộ y tế bản có khả năng test - xét nghiệm nhanh phát hiện nhiễm HIV, chị đã tìm đến nhờ cậy. Hơn chục phút chờ đợi trôi qua trong khấp khởi lo âu. Bất chợt người cán bộ reo lên: “Âm tính”. Chị D ngơ ngác chưa hiểu điều gì. Đến khi thấy cán bộ chìa bàn tay ra chúc mừng, trên gương mặt người đàn bà nhỏ nhắn kia mới nở nụ cười thật tươi tắn.

Tại huyện Ngọc Lặc, theo số liệu thống kê, lũy tích số người nhiễm HIV trên địa bàn huyện đến thời điểm này là 224 người. Trong đó, số còn sống và quản lý được là 165 người. Hiện nay, có 106 bệnh nhân đang được điều trị tại phòng khám ngoại trú bệnh viện huyện và 9 bệnh nhân điều trị ở các điểm khác trên địa bàn tỉnh.

Ông Hoàng Văn Thắng - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ngọc Lặc cho biết:Do nhận thức của người dân trên địa bàn huyện về HIV/AIDS đã được nâng lên, các đối tượng có nguy cơ bị lây nhiễm HIV/AIDS cao, phụ nữ mang thai đã tự nguyện đi xét nghiệm máu; người bị nhiễm HIV/AIDS đã chủ động đi điều trị ARV”.

Theo số liệu thống kê Ban chỉ đạo phòng chống HIV/AIDS và Phòng chống tệ nạn, ma túy, mại dâm tỉnh, toàn tỉnh tính đến ngày 30/4 lũy tích các trường hợp nhiễm HIV/AIDS là 8.055 người, tổng số người nhiễm HIV còn sống quản lý 5.559 người, 2004 bệnh nhân tử vong do AIDS, tổng số bệnh nhân đang điều trị ARV là 3.821 người.

Mỗi trường hợp bị nhiễm HIV mà chúng tôi gặp đều có một câu chuyện buồn. Với họ, căn bệnh HIV/AIDS cũng giống như một bản án nghiệt ngã. Tận cùng nỗi đau, ước mong lớn nhất của họ là có một bàn tay chìa ra đồng cảm và sẻ chia, giúp họ hòa nhập được với cộng đồng.

Hoàng Lan


Hoàng Lan

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]