(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhiều công trình xây dựng của hộ dân nằm trong phạm vi bảo vệ đê chưa thể di dời, cùng với việc khai thác cát trái phép, tập kết vật liệu xây dựng... ảnh hưởng không nhỏ đến quản lý, vận hành đê điều, cản trở hành lang thoát lũ. Trong khi chế tài xử phạt vi phạm hành lang đê điều chưa đủ sức răn đe.

Tin liên quan

Đọc nhiều

"Nóng” chuyện xử lý vi phạm hành lang đê điều

Nhiều công trình xây dựng của hộ dân nằm trong phạm vi bảo vệ đê chưa thể di dời, cùng với việc khai thác cát trái phép, tập kết vật liệu xây dựng... ảnh hưởng không nhỏ đến quản lý, vận hành đê điều, cản trở hành lang thoát lũ. Trong khi chế tài xử phạt vi phạm hành lang đê điều chưa đủ sức răn đe.

Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão (Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa) cho biết, hiện có trên 6.000 hộ dân, hơn 14.808 công trình, nhà các loại nằm trong hành lang đê, mái đê và bãi sông, 1.008 km đê, trong đó 315 km đê từ cấp 1 - 3 (đê Trung ương), 693 km đê cấp 4 - 5 (đê địa phương), hơn 20 dòng sông lớn nhỏ. Kèm theo 204 công trình kè với tổng chiều dài gần 95m, 861 cống...

Trong thời gian qua, mặc dù cơ quan chuyên môn, các cấp, ngành liên quan, chính quyền địa phương tích cực xử lý, nhưng các hành vi vi phạm hành lang đê điều vẫn diễn ra tại nhiều địa phương.

Hạt quản lý đê TP Thanh Hóa hiện quản lý gần 38 km đê sông Mã cấp I - III, đây đều là những tuyến đê xung yếu, tránh lũ cho các huyện Thiệu Hóa, Quảng Xương, Đông Sơn, Hậu Lộc và TP Thanh Hóa...

Theo ông Lê Quang Thuần - Hạt trưởng Hạt quản lý đê TP Thanh Hóa, hiện trên các tuyến đê này còn nhiều hộ dân do sinh sống lâu đời bên hành lang đê, mái đê thuộc diện phải di dời, nhưng đến nay vẫn chưa xử lý được. Bên cạnh đó, việc dân cư sinh sống ở các bãi ven sông, bãi cát, dự án sản xuất rau sạch... ảnh hưởng đến việc tiêu thoát lũ.

Theo quy định của Luật Đê điều, công trình, nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê điều, nhưng do lịch sử để lại, số lượng, công trình trong phạm vi bảo vệ hành lang đê điều rất lớn, kinh phí địa phương còn hạn hẹp... dẫn đến việc di dời các hộ dân này còn khó khăn, chưa thể thực hiện một sớm một chiều được.

Bãi tập kết vật liệu nằm trong hành lang đê tại xã Hoằng Quang, TP Thanh Hóa.

Khảo sát tại nhiều tuyến đê, không khó để phát hiện các trường hợp vi phạm pháp luật hành lang đê điều. Nhiều nơi mặt đê nứt toác, bong tróc, hư hỏng. Không những vậy, nhiều hộ dân tận dụng làm nơi tập kết vật liệu xây dựng, xây dựng công trình như chuồng, trại, xây dựng nhà trong hành lang đê...

Được biết, toàn tỉnh còn nhiều tuyến đê nhỏ, yếu chưa được kiên cố, không đủ cao trình chống lũ, tập trung tại các huyện Nông Cống, Thiệu Hóa, Thọ Xuân... Trong khi một số tuyến đê chưa được gia cố, xử lý,thì tình trạng vi phạm chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”.

Thọ Xuân là địa phương luôn "nóng" về việc xử lý vi phạm hành lang đê. Nguyên nhân trên địa bàn có khoảng 7 mỏ, 7 bãi tập kết cát. Ngoài việc xử lý về phương tiện quá khổ, quá tải cày nát đê điều, khiến một số tuyến đê bị xuống cấp, hư hại, huyện cũng đang gặp khó trong xử lý vi phạm pháp luật đê điều.

Theo ông Lê Văn Duyệt - Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân, nhằm hạn chế phương tiện quá khổ, quá tải “hành” đê, cũng như bảo vệ đê, huyện đã cho xây dựng 13 khung tải trọng trên đê, đồng thời tăng cường quản lý, giám sát trong việc ngăn ngừa và xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, khai thác cát, sỏi lòng sông. Thành lập ban chỉ đạo, phối hợp các hạt quản lý đê điều xây dựng kế hoạch xử lý các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm.

Thực tế, tại nhiều địa phương, một số nơi còn thiếu quyết liệt trong xử lý dứt điểm các vi phạm. Trước đây một số địa phương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không xem xét đến Luật Đê điều, dẫn đến tình trạng nhà dân có giấy tờ sở hữu nhưng nằm trong hành lang bảo vệ đê. Trong khi ý thức chấp hành pháp luật đê điều của người dân còn yếu, hạn chế...

Lãnh đạo Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão tỉnh, cho biết, trong năm 2019 trên các tuyến đê Trung ương, toàn tỉnh xảy ra 4 vụ vi phạm Luật Đê điều, trong đó có 3 vụ vi phạm trong hành lang bảo vệ đê, 1 vụ vi phạm đắp bờ bao nuôi trồng thủy sản tại bãi sông. Năm 2018, xảy ra 8 vụ vi phạm hành lang đê trên tuyến đê Trung ương, trong đó có 7 vụ vi phạm trong hành lang bảo vệ đê.

Ông Khương Anh Tấn - Chi cục phó Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Thanh Hóa cho hay, từ năm 2017 đến nay, đã tổ chức, kiểm tra phát hiện 5 vụ vi phạm về gây cản trở tiêu thoát lũ, xây dựng tại bãi sông thuộc các huyện: Hà Trung, Quan Hóa, Thọ Xuân, TP Sầm Sơn, phạt hành chính trên 120 triệu đồng.

“Riêng vụ vi phạm quy hoạch sử dụng đất trong hành lang bảo vệ đê và bãi sông Hoạt tại xã Hà Tiến, huyện Hà Trung và xây dựng công trình trên bãi sông tại xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân đã được Thanh tra tỉnh kết luận sai phạm và kiến nghị xử lý; Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo Huyện ủy, UBND huyện Hà Trung, Thọ Xuân tổ chức khắc phục và kiểm điểm đối với các tập thể, cá nhân có liên quan” - ông Tấn thông tin.

Để giải quyết dứt điểm tình trạng vi phạm Luật Đê điều, bên cạnh xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, chính quyền địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, quy rõ trách nhiệm cho người đứng đầu, tuyên truyền, phổ biến Luật Đê điều cho người dân, cộng đồng...

Trung Lê


Trung Lê

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]