(vhds.baothanhhoa.vn) - Tạo dựng tên tuổi và gắn bó với nghệ thuật tuồng, Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Nguyễn Ngọc Quyền (Ngọc Quyền), nguyên Trưởng Đoàn Nghệ thuật tuồng Thanh Hóa đã trở thành cái tên quen thuộc với người yêu nghệ thuật xứ Thanh.

NSND Ngọc Quyền – người góp phần làm nên thành công của nhiều lễ hội

Tạo dựng tên tuổi và gắn bó với nghệ thuật tuồng, Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Nguyễn Ngọc Quyền (Ngọc Quyền), nguyên Trưởng Đoàn Nghệ thuật tuồng Thanh Hóa đã trở thành cái tên quen thuộc với người yêu nghệ thuật xứ Thanh.

NSND Ngọc Quyền – người góp phần làm nên thành công của nhiều lễ hội

NSND Ngọc Quyền thực hiện nghi thức đọc chúc văn và hóa sớ. Ảnh: Trương Bá Vinh

Sinh ra ở vùng đất cổ Vĩnh Thành (Vĩnh Lộc), nơi vốn có truyền thống về hát tuồng “Ngay từ nhỏ, những câu hát tuồng của bà con chòm xóm và các thành viên trong gia đình đã ngấm, đã thấm, đã trở thành một phần quen thuộc với những đứa trẻ ở làng, trong đó có tôi. Và cứ thế, cả cuộc đời tôi gắn bó với tuồng cho đến ngày nay”, NSND Ngọc Quyền chia sẻ. Ghi nhận những đóng góp của ông với bộ môn nghệ thuật tuồng, năm 2019, ông đã được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu NSND.

Cũng vì định vị tên tuổi trong nghệ thuật biểu diễn tuồng mà ông được mời tham gia rất nhiều lễ hội. Giải thích điều này, ông cho biết: Hát tuồng là loại hình nghệ thuật gắn liền với đời sống cung đình xưa. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều vua chúa thời xưa đều mê hát tuồng. Lời văn của tuồng cung đình nghiêm chỉnh, trang trọng, ngôn ngữ đẹp, thâm thúy. Phải là người có trình độ, có kiến văn mới có thể hiểu được cái điển tích được sử dụng trong tuồng.

Hiểu thông, nắm kỹ những cách thức, niêm luật của tuồng vì thế khi ông thể hiện nghi lễ tế vua, dâng sớ, đọc chúc đều thuyết phục người xem, người nghe. Cái tên NSND Ngọc Quyền trở nên “đảm bảo” cho các chương trình lớn. Từ năm 1999 đến nay ông được ngành văn hóa và nhiều địa phương mời làm đạo diễn, viết kịch bản, chủ tế cho nhiều lễ hội. “Tôi không còn đếm nổi số lần mình khoác áo tế. Thật vinh dự là được giao trọng trách xây dựng kịch bản, dàn dựng, tổ chức các lễ hội lớn như: Lễ hội Lam Kinh, Lễ hội Lê Hoàn, Lễ hội đền Bà Triệu, trong đó nhiều chương trình được phát trực tiếp trên sóng truyền hình. Mỗi khi nhận làm, tôi đều cố gắng hết sức để làm nghề nghiêm túc, ngoài ra là đảm bảo sự trang nghiêm của lễ hội”.

NSND Ngọc Quyền – người góp phần làm nên thành công của nhiều lễ hội

NSND Ngọc Quyền kiểm tra lại danh sách việc trước khi vào lễ. Ảnh: Đăng Văn

Làm nhiều đến mức có lần ông nói với tôi về lối mòn của chính mình trong việc viết kịch bản các lễ hội. Đương nhiên, lịch sử đã diễn ra, không ai có quyền “làm mới”. Nhưng những đòi hỏi của người tham gia lễ hội mỗi thời kỳ có sự khác nhau. Tôi thì vẫn nghĩ đến mục tiêu cuối cùng là thông qua lễ hội truyền thống, đặc biệt trong các lễ hội lớn, ý nghĩa như Lam Kinh, Lê Hoàn, Bà Triệu điều cần hơn hết là tạo ra “hiệu ứng” tâm lý đến người tham gia lễ hội, để từ đó khơi dậy lòng tự hào dân tộc, khát vọng thịnh vượng của một mảnh đất lắm vua nhiều chúa như xứ Thanh.

“Trong suốt hành trình lịch sử của dân tộc Việt Nam, chúng ta đã thắng được mọi kẻ thù là vì có khát vọng tự do, khát vọng hòa bình. Thời nào cũng thế, Nhân dân ta không dung thứ bất cứ ai, bất cứ hành động nào xâm hại lợi ích của đất nước, của dân tộc. Đó là đạo lý thiêng liêng nhất và là pháp lý công minh nhất! Đến nay, khi đất nước đang đứng trước những vận hội mới, khát vọng hiện tại là sự thịnh vượng từ trong mỗi gia đình, đến địa phương, dân tộc".

Song, có thể vì làm một công việc với thời gian quá dài, đôi khi tính an toàn lấn át sự sáng tạo. “Vấn đề là sáng tạo thế nào để người ta chấp nhận”, ông nói. Với vai trò người đọc chúc văn, ông cho biết, nhiều người đã có ý kiến rằng người xưa, tế vua thì phải là con trai hoặc quan đứng đầu triều đình... chứ sao lại là ông Quyền? Chúng ta đang tái hiện lại các lễ hội, nếu thực hiện theo truyền thống ở từng khâu, từng mục thì quá khó".

Ông lại nói thêm: Nếu chị theo dõi kỹ về cách tổ chức Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn ở Hà Nam thì sẽ thấy rõ điều này. Lễ hội này bắt nguồn từ điển tích trọng nông của vua Lê Đại Hành vị vua đầu tiên nhà Tiền Lê. Sử sách ghi rằng: “Đinh Hợi, năm thứ 8 (987), mùa xuân, vua bắt đầu cày ruộng Tịch điền ở núi Đọi, được một chĩnh nhỏ vàng, lại cày ở núi Bàn Hải, được một chĩnh nhỏ bạc, vì thế đặt tên là ruộng Kim Ngân”. Cố Giáo sư Trần Quốc Vượng có viết: “Nay dưới chân núi Đọi, phía Tây vẫn còn cánh đồng Tịch điền rộng gần trăm mẫu và còn di tích vài nền nhà, gọi là Dinh trong, Dinh ngoài, tương truyền là nơi vua Tiền Lê về nghỉ để sau đó đi cày. Từ Hoa Lư, vua đi thuyền theo dòng Hoàng Long, ra ngã ba Gián Khẩu, vào sông Đáy, ngược lên Châu Cầu, rồi theo dòng Châu Giang ngược lên núi Đọi”. Để thực hiện được các nghi lễ trong Lễ hội Tịch điền người ta đã phải nhập linh khí quân vương cho một cụ cao tuổi đức độ của vùng Đọi Sơn; để bô lão này đóng thế vua Lê Đại Hành đeo mặt nạ, còn những người tham dự việc rắc hạt đi sau trâu cày vừa đem lại sự tôn nghiêm, thành kính vừa đảm bảo tính an toàn cho người tham dự.

Cũng bởi hiểu rõ điều đó nên ông thường ý thức về sự nghiêm cẩn, sạch sẽ khi mặc áo chủ tế. “Trước khi tế bao giờ tôi cũng phải nấu một nồi lá thơm, tắm sạch sẽ”. Người thực hiện càng tôn nghiêm thì cuộc tế càng thiêng và linh ứng. Tuy vậy, ông vẫn khẳng định: Lễ hội là một sinh hoạt văn hóa, là sự gửi gắm ước mơ ngàn đời của Nhân dân với thần linh, với đức vua, người có công với dân tộc. Tổ chức lễ hội là để thế hệ sau nhìn lại lịch sử cha ông mình, thêm yêu Tổ quốc, yêu đồng bào. Lễ hội Lam Kinh hàng năm được tổ chức ở quy mô lớn nhằm tái hiện cho mọi người hiểu về một thời kỳ nghĩa quân Lam Sơn nếm mật, nằm gai đánh đuổi quân giặc để giữ gìn đất nước. Từ đó, nhắc nhớ truyền thống văn hóa, lịch sử đồng thời khơi gợi lòng yêu nước trong tâm khảm mỗi người. Ngoài ra, đến với lễ hội, người dân còn được vui vẻ, tham dự vào các trò chơi dân gian.

Ấy thế mà năm 2024 này, đây là lần đầu tiên sau gần 25 năm ông không tham gia bất cứ lễ hội nào. Hơn nửa năm vừa qua, ông bị bệnh nặng, cơ thể ông giờ gắn liền với những dây, ống và kim tiêm. Ông cười nói: "Cuộc đời là thế, có ai biết trước được sức khỏe. Tôi là người phung phí và chủ quan với sức khỏe của mình”. Không nhiều người biết bệnh tình của ông nên vẫn còn gọi điện mời ông tham gia các chương trình lễ hội.

Nhắc đến NSND Ngọc Quyền, không riêng gì tôi mà nhiều người sẽ nghĩ đến chất giọng trầm ấm, dày dặn, có hồn, có cốt. Nhưng, mấy ai tránh được tuổi già. “Ai rồi cũng đi qua mùa xuân cuộc đời, để đến với mùa đông cô đơn. Vì thế, tôi chỉ mong mọi người nhắc đến tôi ở giai đoạn mùa xuân, với những rộn ràng lễ hội”, NSND Ngọc Quyền run run nói.

Kiều Huyền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]