Ổn định đời sống đồng bào, giữ vững an ninh biên giới
Với phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, những người lính biên phòng đứng chân trên địa bàn các huyện biên giới của tỉnh Thanh Hóa đã và đang cùng cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, chăm lo, góp phần ổn định đời sống đồng bào, phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), đảm bảo quốc phòng - an ninh (QP-AN) khu vực biên giới.
Đồn Biên phòng Tam Chung (Mường Lát) trao vịt, ngan giống cho hộ gia đình khu vực vùng biên.
Tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân
Con đường vào xã Tam Thanh - xã biên giới của huyện Quan Sơn đã thuận lợi hơn rất nhiều so với trước đây. Theo chân cán bộ Đồn Biên phòng (ĐBP) Tam Thanh, chúng tôi đến thăm bản Phe – là bản đã về đích NTM từ năm 2019.
Bí thư chi bộ, trưởng bản Phe Lữ Văn Kim phấn khởi chia sẻ với chúng tôi những đổi thay của bản và vai trò của bộ đội biên phòng (BĐBP) đã giúp cho đời sống bà con ngày càng ổn định, tình hình an ninh trật tự, an ninh biên giới được giữ vững. Bản Phe có 108 hộ, 510 nhân khẩu. Người dân chủ yếu làm nông nghiệp, trồng rừng và khai thác lâm sản phụ. Bản đã có nhà văn hóa, đường vào bản đã được đầu tư, thuận lợi cho việc đi lại của bà con.
Cũng như Bí thư chi bộ, trưởng bản Phe, ông Lương Văn Nọong, bản Na Ấu, xã Tam Thanh nhấn mạnh vai trò của BĐBP, không chỉ giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, mà còn chung tay xây dựng làng, bản vùng biên ngày một đổi mới. Ông Lương Văn Nọong còn là người có uy tín của bản Na Ấu, vì vậy, ông đã cùng ban quản lý bản, BĐBP, công an tích cực tuyên truyền, vận động bà con tham gia phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm về xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, giữ gìn sự đoàn kết trong cộng đồng dân cư, phòng ngừa, giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp. Trong những năm qua, bản Na Ấu phát động cuộc vận động “Vì bình yên cuộc sống từng người, từng nhà hãy làm nhiều việc tốt về an ninh trật tự”, vì vậy công tác an ninh trật tự luôn được đảm bảo.
Đại úy Tống Thanh Hưng, Chính trị viên phó ĐBP Tam Thanh cho biết: ĐBP Tam Thanh quản lý địa bàn 2 xã Tam Thanh và Tam Lư với tổng chiều dài 28,104km bao gồm 10 mốc quốc giới. Xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới là nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, ổn định chính trị, phát triển KT-XH, củng cố QP-AN. Những năm qua, ĐBP Tam Thanh đã phối hợp với chính quyền địa phương, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật Nhà nước, các quy định của địa phương, phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới. Chung tay cùng cấp ủy, chính quyền địa phương vận động Nhân dân phát triển KT-XH, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội ở khu dân cư. Hàng năm, đơn vị thăm hỏi, tặng quà cho hộ gia đình chính sách, hộ nghèo; vận động các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện chương trình thiện nguyện, tặng quà cho các em học sinh, người dân; thực hiện chương trình “Nâng bước em tới trường”, dự án “Cán bộ, chiến sĩ quân đội nâng bước em tới trường”. Cán bộ, chiến sĩ tham gia xây dựng nhà ở khu tái định cư Co Hương, bản Ngàm, xã Tam Thanh. Duy trì trạm quân y, phối hợp khám, chữa bệnh cho người dân trên địa bàn.
Thực hiện chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, năm 2023, đơn vị đã ký kết phối hợp với Hội LHPN huyện Quan Sơn, Hội LHPN các xã Tam Lư, Tam Thanh trao 8 bò giống sinh sản tại bản Na Ấu, Tam Thanh. Duy trì mô hình nuôi lợn đen giống bản địa tại xã Tam Lư (tổng đàn lợn 71 con). Duy trì mô hình nuôi bò tại xã Tam Thanh. Ban đầu hỗ trợ 62 con giống, đến nay đã tăng lên 130 con. Cùng với đó, đơn vị đã vận động 15 cá nhân tự nguyện đăng ký tham gia bảo vệ đường biên cột mốc, nhiều gia đình có từ 2 đến 3 thế hệ tham gia; thành lập 14 tổ/42 tổ viên tự quản an ninh trật tự bản. Phân công 2 đồng chí cán bộ biên phòng tăng cường giữ chức phó bí thư đảng ủy xã; phân công 26 đảng viên ĐBP, phụ trách 143 hộ gia đình ở khu vực biên giới.
Chung tay chăm lo đời sống đồng bào khu vực biên giới
Không chỉ riêng ĐBP Tam Thanh, mà các đơn vị tuyến biên giới đất liền ở địa bàn các huyện Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát, Thường Xuân, Lang Chánh đã và đang có nhiều hoạt động thiết thực, góp phần phát triển KT-XH, ổn định đời sống người dân khu vực đơn vị địa bàn quản lý. Từ đó, đồng bào các dân tộc cùng chung tay gìn giữ, xây dựng vùng biên ngày càng ổn định, phát triển.
Ở ĐBP Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo (Quan Sơn) đơn vị có 41 đảng viên phụ trách 157 hộ gia đình. Đặc biệt đảng viên phụ trách tại các bản Ché Lầu, Mùa Xuân, Xía Nọi đã tham mưu cho địa phương và trực tiếp hướng dẫn Nhân dân trồng lúa từ 1 vụ/năm thành 2 vụ/năm. Đảng viên được phân công phụ trách bản Cha Khót đã phối hợp với các đoàn từ thiện trao 1.000 con gà, vịt giống giúp Nhân dân phát triển kinh tế. Tiếp tục thực hiện chương trình “Nâng bước em tới trường” đơn vị đã giúp đỡ cho 6 em học sinh (trong đó có 4 cháu học sinh xã Na Mèo và Sơn Thủy; 2 cháu học sinh bản giáp biên của nước bạn Lào) mỗi cháu 500.000 đồng/tháng; mô hình “Con nuôi ĐBP” đơn vị nhận nuôi 1 cháu; triển khai dự án “Cán bộ, chiến sĩ quân đội nâng bước em tới trường” đơn vị đã trao tiền hỗ trợ cho 24 cháu có hoàn cảnh khó khăn.
ĐBP Bát Mọt (Thường Xuân) đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý khu vực biên giới; phát hiện đấu tranh với các loại tội phạm; tích cực vận động quần chúng Nhân dân, trực tiếp góp phần xóa đói, giảm nghèo, chung tay XDNTM, đóng góp công sức xây dựng cơ sở hạ tầng địa phương. Thực hiện chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, ĐBP Bát Mọt đã phối hợp với Hội LHPN huyện, UBND xã Bát Mọt kết nối các nhà hảo tâm tổ chức các hoạt động hướng về biên giới. Thông qua các hoạt động ý nghĩa như tổ chức giao lưu văn nghệ, trao tặng vật chất thiết yếu phục vụ đời sống Nhân dân; phối hợp với địa phương thăm hỏi gia đình chính sách, hộ có hoàn cảnh khó khăn; nhận đỡ đầu, trao tặng sách vở, đồ dùng học tập cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn...
Năm 2023, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chủ động tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả các đề án, kế hoạch đảm bảo QP-AN gắn với phát triển KT-XH ở khu vực biên giới. Bộ chỉ huy đã chỉ đạo các đơn vị làm tốt công tác nắm tình hình địa bàn, Nhân dân, phối hợp tổ chức tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 01 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 681 của Đảng ủy BĐBP; triển khai giới thiệu đảng viên ĐBP tham gia sinh hoạt tại các bản, khu phố giáp biên giới. Phối hợp chỉ đạo tổ chức tốt chương trình “Xuân biên phòng ấm lòng dân bản” và “Ngày hội biên phòng toàn dân” năm 2023. Duy trì thực hiện tốt các chương trình phối hợp với các ban, sở, ngành, địa phương; triển khai thực hiện có hiệu quả các mô hình, chương trình, dự án phát triển KT-XH, xóa đói, giảm nghèo ở khu vực biên giới như dự án “Cán bộ, chiến sĩ quân đội nâng bước em tới trường”; hỗ trợ và nhận nuôi 101 cháu theo chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi ĐBP”; mở 3 lớp xóa mù chữ/82 học viên; 2 lớp tiếng Lào/92 học viên. Tổ chức khám, chữa bệnh cấp phát thuốc miễn phí cho bà con khu vực biên giới; thực hiện tốt mô hình “Bữa cháo yêu thương” và “Tay kéo biên phòng”...
Với sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cấp ủy, chính quyền các cấp, sự đồng lòng, chung sức, cố gắng vươn lên của các tầng lớp Nhân dân, đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) được quan tâm thực hiện và đạt được những thành tựu quan trọng. Công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng đồng bào và miền núi, khu vực biên giới ngày càng được tăng cường, góp phần xây dựng thế trận an ninh Nhân dân, KT-XH vùng đồng bào DTTS, miền núi, khu vực vùng biên của tỉnh Thanh Hóa ngày càng khởi sắc. Thu nhập bình quân đầu người khu vực miền núi năm 2023 ước đạt 40,7 triệu đồng. Theo kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2023 thì tỷ lệ hộ nghèo các huyện miền núi còn 11,04% (giảm 4,15% so với năm 2022); tỷ lệ hộ cận nghèo còn 14,01% (giảm 3,06% so với năm 2022). Đời sống của đồng bào các dân tộc được cải thiện, văn hóa, giáo dục, chăm sóc sức khỏe của đồng bào các DTTS tiếp tục được quan tâm, an ninh trật tự, an toàn xã hội, QP-AN vùng DTTS và miền núi được giữ vững.
Bài và ảnh: Bùi Huấn
{name} - {time}
-
2024-11-21 16:29:00
Giải mã bí ẩn về vùng "tam giác tử thần” trên gương mặt mỗi người
-
2024-11-21 15:39:00
Nét đẹp nghề cói trên vùng đất Nga Sơn
-
2023-12-30 09:35:00
Quảng Trung: Khai thác hiệu quả thế mạnh, nâng cao thu nhập trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu
Đảm bảo an ninh tôn giáo trong vùng đồng bào dân tộc Mông huyện Mường Lát
“Thay áo mới” cho những con đường
Động lực cho người nuôi cá lồng, cá bè
Thạch Thành thực hiện các giải pháp đồng bộ về giảm nghèo bền vững
Như Thanh phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển nghề nông thôn
Nhịp cầu nối bờ yêu thương
Đấu tranh triệt phá các loại tội phạm khu vực vùng biên
Hiệu quả công tác xuất khẩu lao động ở Thạch Thành
Thị trấn Kim Tân hướng tới đạt chuẩn đô thị văn minh