(vhds.baothanhhoa.vn) - Đỗ đạt và làm quan văn song lại mất khi làm nhiệm vụ bảo vệ cương thổ của đất nước, chính vì vậy mà được liệt vào hàng trung nghĩa. Ông là Phạm Xuân Bích - nhân vật lịch sử người xứ Thanh làm quan dưới thời nhà Nguyễn.

Phạm Xuân Bích và tấm lòng trung nghĩa

Đỗ đạt và làm quan văn song lại mất khi làm nhiệm vụ bảo vệ cương thổ của đất nước, chính vì vậy mà được liệt vào hàng trung nghĩa. Ông là Phạm Xuân Bích - nhân vật lịch sử người xứ Thanh làm quan dưới thời nhà Nguyễn.

Phạm Xuân Bích và tấm lòng trung nghĩa

Di tích lịch sử văn hóa nhà thờ Phạm Xuân Bích được lập dựng trên 150 năm trước.

Vị quan thanh liêm, mẫn cán

Nằm bên sông Mã, làng Dài, xã Định Tiến (Yên Định) là quê hương của vị quan trung nghĩa Phạm Xuân Bích. Theo sử liệu và các tài liệu lưu giữ tại dòng họ Phạm ở làng Dài, Phạm Xuân Bích sinh năm 1784. Từ nhỏ, đã nổi tiếng hay chữ, học đâu hiểu đó, hoạt bát, lanh lợi nên được người làng và bạn bè cùng trang lứa quý mến. Lớn lên, nhờ thông minh và chăm chỉ đèn sách, Phạm Xuân Bích thi đỗ cử nhân (năm 1821) dưới thời vua Minh Mệnh (Minh Mạng).

Với kiến văn sâu rộng, tính tình hào phóng nhưng vẫn chỉn chu, cẩn thận, ông lần lượt trải qua các chức quan như Huấn đạo huyện Nghi Xuân, sau đó là Tri huyện Thanh Oai rồi Tri phủ Vĩnh Tường. Trong những năm làm tri huyện, tri phủ, văn quan Phạm Xuân Bích được người dân ngợi ca là vị quan thanh liêm, mẫn cán, thường xuyên chăm lo cho đời sống người dân, biết vỗ về người dưới; công tâm trong xét xử hình án, làm tốt nhiệm vụ trị thủy... Cũng bởi lập được nhiều công trạng, năm 1830, Phạm Xuân Bích được triệu về kinh thành Huế, giữ chức Lang trung Công bộ. Và thời gian ngắn sau đó đã được thăng Tả thị lang Lại bộ (Bộ lại).

Làm quan trong triều, với tài năng và sự thông minh, nghiêm cẩn, Phạm Xuân Bích được nhà vua tin quý. Cuối năm 1831, ông được cử làm Hiệp trấn Hà Tiên. Trước đó, ở trấn Hà Tiên có thuyền đến buôn lậu bị bắt, ban đầu tài sản tịch thu của người phạm tội lên đến hai vạn. Nhưng khi nộp vào ngân khố Nhà nước chỉ có vài nghìn. Sự việc sau đó bị phát giác. Triều đình liền triệu viên quan có hành vi “xà xẻo” về kinh trị tội, đồng thời cử Tả thị lang Lại bộ Phạm Xuân Bích đi làm Hiệp trấn Hà Tiên. Đến cuối năm 1832, ông được thăng giữ chức Bố chính sứ, Hộ lý Tuần phủ quan phòng tỉnh Hà Tiên.

Phạm Xuân Bích và tấm lòng trung nghĩa

Với tấm lòng trung nghĩa, khẳng khái, tiền nhân Phạm Xuân Bích là tấm gương được hậu thế nhắc nhớ.

“Trong thời gian làm quan Tuần phủ Hà Tiên, Phạm Xuân Bích là người siêng năng có trách nhiệm với công việc. Khi đến nhậm chức, ông đã duyệt quân số thấy thiếu nhiều liền tâu lên triều đình rằng “trong dịp điểm binh đầu xuân, số binh các cơ trong tỉnh trốn đến 800 người. Thành khẩn xin để tra rõ...”. (Theo “Quốc sử quán triều Nguyễn” - Đại Nam liệt truyện).

Tử trận giữ thành

Làm quan ở Hà Tiên - vùng đất hiểm yếu, ông ra lệnh cho quân sĩ đắp thành, lập trại, kỷ luật nghiêm minh. Bấy giờ, ở Hà Tiên binh sĩ ít, ông đã tâu lên triều đình xin các tù nhân trong tỉnh được xá tội làm thân binh.

Trước đó, ở vùng đất phía Nam của triều đình nhà Nguyễn xảy ra nhiều bất ổn. Kẻ phản loạn Lê Văn Khôi cấu kết với giặc Miên ở biên giới không ngừng quấy phá, đánh chiếm các tỉnh. Kẻ phản loạn nhiều lần cho thuyết khách đến gặp gỡ Phạm Xuân Bích mua chuộc để dụ dỗ ông đầu hàng, tuy nhiên đều bị ông thẳng thắn chửi mắng, khước từ.

Vào một đêm tháng 5 (âm lịch) năm 1833, giặc xông vào dinh thự của Phạm Xuân Bích, lợi dụng đêm tối và tương quan lực lượng chênh lệch, nhóm phản loạn đã bắt Phạm Xuân Bích và ép ông đầu hàng. Tuy nhiên, trước giặc, ông chẳng những không nao núng sợ hãi mà còn hiên ngang khẳng khái: "Chết thì chết há chịu hàng bọn tù chúng bay”. Sau đấy, ông bị kẻ phản loạn giết hại.

Phạm Xuân Bích và tấm lòng trung nghĩa

Làng Dài bên sông Mã là quê hương tiền nhân Phạm Xuân Bích.

Viết về Phạm Xuân Bích, theo sách Võ tướng Thanh Hóa trong lịch sử dân tộc: “... Năm 1831, tình hình Nam bộ có nhiều biến loạn và quân Miên thường xuyên cướp phá, ông được cử làm Hiệp trấn tỉnh Hà Tiên, sau thăng lên Tuần phủ. Năm 1833, quân Miên vào cướp phá, ông cố giữ thành để chống cự nhưng không có lực lượng tiếp viện nên thành bị hạ, ông bị sa vào tay giặc. Quân giặc dụ hàng không được nên đã giết hại ông...".

Trước tấm gương tử trận giữ thành của Phạm Xuân Bích, vua Minh Mệnh đã ban cho ông bài chế ghi nhận công lao, truy tặng “Trung phụng đại phu Tuần phủ tòng nhị phẩm”, ban tặng tên thụy là Trang Khải.

Sau khi mất, Phạm Xuân Bích được đưa về an táng trên quê hương làng Dài xứ Thanh. Mộ phần ông được người dân và con cháu trông coi nghiêm cẩn, thường gọi là mộ quan Tuần.

Cùng với việc đưa thi hài Phạm Xuân Bích về quê hương, về sau, triều đình nhà Nguyễn còn ban cho người dân làng Dài tiền bạc để lập dựng nơi thờ phụng bề tôi trung nghĩa. Nhà thờ ông được xây dựng với kết cấu 3 gian, hai vì hồi bít đốc. Bên trong di tích được trang trí tập trung ở các kẻ bẩy. “Kẻ và bẩy được trang trí hoa văn vân mây nhằm tạo cho công trình sự nhẹ nhàng, thanh thoát”. Nhà thờ Phạm Xuân Bích đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa. Trải qua hơn 150 năm, đến nay di tích vẫn giữ được nhiều nét kiến trúc vốn có.

“Nhà thờ Phạm Xuân Bích là 1 trong 4 di tích đã được xếp hạng trên địa bàn xã Định Tiến. Cuộc đời, sự nghiệp và tấm lòng nghĩa, tiết liệt của cụ là tấm gương để hậu thế noi theo. Hằng năm vào ngày mất của cụ, chính quyền, người dân địa phương và con cháu trong dòng họ lại về di tích để thắp hương tưởng nhớ tiền nhân”, bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, công chức văn hóa xã hội xã Định Tiến cho biết.

(Bài viết có tham khảo, sử dụng nội dung trong sách “Danh nhân Thanh Hóa” và một số tài liệu lưu giữ tại dòng họ).

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]