(vhds.baothanhhoa.vn) - Đồng bào Mường và đồng bào Kinh (Việt) vốn có chung một nguồn gốc, họ là chủ nhân của nền văn hóa đồ đá cũ, đồ đá mới và nền văn hóa Đông Sơn phát triển rực rỡ. Qua phát hiện khảo cổ học với các di chỉ Núi Đọ, hang Con Moong (Thạch Thành), mái đá Điều, mái đá Nước (Bá Thước), di chỉ khảo cổ văn hóa Đông Sơn ở Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Vĩnh Lộc, TP Thanh Hóa, Hậu Lộc... đã nói lên điều đó. Do biến thiên của lịch sử và xã hội, mãi sau này Việt - Mường mới tách ra, song giữa hai dân tộc vẫn có mối quan hệ gần gũi và gắn bó thân thiết.

Phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc Mường tỉnh Thanh Hóa

Đồng bào Mường và đồng bào Kinh (Việt) vốn có chung một nguồn gốc, họ là chủ nhân của nền văn hóa đồ đá cũ, đồ đá mới và nền văn hóa Đông Sơn phát triển rực rỡ. Qua phát hiện khảo cổ học với các di chỉ Núi Đọ, hang Con Moong (Thạch Thành), mái đá Điều, mái đá Nước (Bá Thước), di chỉ khảo cổ văn hóa Đông Sơn ở Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Vĩnh Lộc, TP Thanh Hóa, Hậu Lộc... đã nói lên điều đó. Do biến thiên của lịch sử và xã hội, mãi sau này Việt - Mường mới tách ra, song giữa hai dân tộc vẫn có mối quan hệ gần gũi và gắn bó thân thiết.

Phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc Mường tỉnh Thanh HóaDiễn tấu cồng chiêng của đồng bào Mường huyện Ngọc Lặc.

Trong quá trình sinh tồn và phát triển, đấu tranh với tự nhiên và xã hội, đời tiếp đời, đồng bào Mường đã sáng tạo nên những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc và phong phú mà cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Về văn hóa vật thể, do địa bàn cư trú ven theo dòng sông Mã, sông Chu, sông Bưởi... ở các thung lũng có nhiều ruộng nước, cũng như ở các gò đồi, núi thấp, người Mường đã sớm dùng trâu kéo để canh tác lúa nước, làm ra những guồng, cọn nước đưa nước từ sông, khe suối lên đồng cao, ruộng thấp, cày cấy gieo trồng để làm ra hạt lúa, bắp ngô nuôi sống bản thân mình và cả cộng đồng.

Để tránh thú dữ và thuận lợi trong việc ăn ở trong môi trường và khí hậu ẩm ướt của vùng nhiệt đới nắng lắm, mưa nhiều, người Mường đã biết cách làm nhà theo kiểu nhà gác, khung gỗ, lát sàn. Kiểu nhà đơn giản nhưng vững chãi và tiện lợi không chỉ cho việc ăn ở mà còn đảm bảo vệ sinh, gắn với cảnh vật dòng sông, cánh đồng, đồi núi đất thoai thoải, mái lợp lá... hòa đồng với thiên nhiên trong một không gian mang đậm tính thực vật vùng Đông Nam Á; định hình nên sắc thái cư trú với mái nhà sàn “trước cau, sau mít”, “cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui, ngày lui tháng tới; trâu gõ mõ, chó trèo thang...” mang đậm dấu ấn văn hóa Mường.

Trong sản xuất canh tác lúa nước, người Mường đã chế tạo ra những công cụ phù hợp cho việc trồng cấy lúa nước, làm nương rẫy. Ngay từ thời tối cổ, họ đã biết chế tạo ra những rìu đá, cuốc đá, bàn nghiền để khai thác tự nhiên, tiếp đó phát hiện ra đồ đồng, đồ sắt, chế tác ra các công cụ là rìu, dao... dùng để chặt cây, phát hoang cỏ dại phục vụ cho việc tỉa lúa, trồng ngô.

Người Mường có khiếu thẩm mỹ và đôi tay tài khéo. Từ những cây cỏ và khoáng sản ở trên rừng và ngoài ruộng rẫy, họ đã chế biến thành nguyên liệu để thêu dệt nên những vuông vải, tấm thổ cẩm bền đẹp, nhiều màu sắc không chỉ phục vụ cho việc mặc, che thân mà còn phục vụ trong các dịp lễ hội, tế lễ trời đất, bản mường. Đặc biệt chiếc váy của phụ nữ dân tộc Mường có cạp váy được trang trí theo hình quả trám hoặc hình cây, phối màu rất hài hòa, các hình thêu gần gũi với nghệ thuật thời văn hóa Đông Sơn.

Cùng với những giá trị văn hóa vật thể đặc sắc, người Mường còn là chủ nhân của những giá trị văn hóa phi vật thể giàu có và phong phú. Nói đến văn hóa của người Mường phải kể đến mo, sử thi “Đẻ đất, đẻ nước”. Với độ dài hơn hai vạn câu, nghệ thuật diễn xướng qua lời mo “Đẻ đất, đẻ nước” đã phản ánh tư duy, nhận thức của người Mường về vũ trụ và con người, lý giải về các hiện tượng tự nhiên mặc dù còn hồn nhiên, chân chất song đầy tính duy vật biện chứng, hướng con người tìm về mạch nguồn của cha ông, tôn vinh những người anh hùng sáng thế và cải thế.

Mặc dù chưa có chữ viết hoặc sơ khai của chữ viết, song với phương thức sáng tác dân gian truyền miệng, người Mường đã sáng tạo nên những pho thần thoại, truyền thuyết, truyện thơ, ca dao, tục ngữ... phong phú và mang giá trị nhân văn cao cả. Truyền thuyết, truyện kể của người Mường phản ánh quá trình tạo mường, lập bản, đấu tranh với thiên nhiên để tồn tại. Những câu chuyện, truyền thuyết là những bản anh hùng ca, ca ngợi chiến công của những người anh hùng có tên và không tên và cho cả đến những gốc cây, hòn đá, cái ná, cái tên, con vật gần gũi, thân quen như con mèo, con chó... cũng góp sức, góp công cùng với con người đấu tranh với tự nhiên và những thế lực bạo tàn để khẳng định vị trí trung tâm của con người trước tự nhiên và xã hội.

Người Mường có tâm hồn rộng mở, giàu tình cảm và ước mơ bay bổng. Truyện thơ Mường là tiếng lòng của một dân tộc thiết tha yêu cuộc sống, trọng lẽ phải, giàu tình nghĩa thương yêu, phấn đấu vươn lên, đạp bằng những bất công ngang trái. Trong rừng truyện thơ ngát hương điểm qua một vài bông hoa tiêu biểu: Út Lót - Hồ Liêu, Nàng Nga - Hai Mối, Nàng Ờm - Chàng Bông Hương, chuyện nàng Con Côi... đó là những áng văn, áng thơ từ ngàn đời nay vẫn ngân vang và rung động hàng vạn trái tim từ người già tới con trẻ.

Cùng với thần thoại, truyền thuyết, truyện thơ, những điệu hát ru, tục ngữ, ca dao Mường ca ngợi sự giàu có của bản Mường, từ đó nhân lên niềm tự hào và trách nhiệm của mỗi cá nhân và của cả cộng đồng: “Đất mường ta cơm trắng/ Nước mường ta nước trong/ Đất mường ta lắm moong, nhiều cá/ Một mẻ chài được trăm con cá/ Một phát ná được trăm con chim”.

Tục ngữ ca dao còn là những lời khuyên bảo chân tình, dạy lẽ sống, dạy cách làm người luôn được mọi người ghi nhớ, thực hiện: “Đào giếng mà uống/ Vỡ ruộng mà ăn... Của mình làm ra ấm no/ Của kẻ khác cho là của ăn nếm”, hay “Thấy khốn khó đừng vội núng nao/ Rồi có lúc ngồi giường cao, chiếu rộng”.

Tục ngữ ca dao Mường khuyên bảo trong cuộc sống phải giàu lòng vị tha: “Nói nhau đừng nói nặng/ Mắng nhau đừng mắng đau/ Đời còn có lúc thương nhau trở lại...”.

Dân ca Mường - điệu hồn của dân tộc. Đến bất cứ bản mường nào cũng đều bắt gặp lời hát xường, rang, bọ mẹng... ngân vang, ca ngợi cảnh đẹp của mường, lời ca trao duyên, trao tình thiết tha đằm thắm. Cả bản mường hò hát, tâm tình. Lời ca ấy còn truyền mãi, vang xa ra cả Mường Ngoài và đất Kinh kỳ, Kẻ chợ: “Đất thì xường, Mường thì rang/ Kẻ chợ, Mường Ngoài còn đang có tiếng”. Những lời xường thiết tha, sâu nặng nghĩa tình mãi còn tươi nguyên, giá trị đến muôn đời: “Xường Mường Trám/ Ngâm xuống nước đến tám mươi đời/ Khi vớt lên vẫn tươi nguyên giọng ấy/ Xường Mường Trám không đem bán lấy lúa, lấy tiền/ Ai vừa tình, vừa duyên thì ta cùng hát”.

Cùng với tiếng lòng, điệu hồn giàu cung bậc trong sáng, thủy chung, người Mường còn là chủ nhân của những nhạc cụ độc đáo có giá trị như: trống đồng, cồng chiêng, khua luống... gắn bó với họ từ lúc mới lọt lòng cho tới khi từ giã cõi đời về với Mường ma, gặp gỡ tổ tiên, gia tộc.

Với tín ngưỡng vạn vật hữu linh, từ bao đời nay người Mường có tục thờ đá, thờ cây, thờ tiên tổ. Cùng với các lễ tục, các nghi thức tế lễ, trò diễn cũng diễn ra phong phú và sinh động. Về nghi lễ có lễ tục làm vía - kéo si, lễ hội xuống đồng, hội cầu mưa (tháng tư), hội rửa lá lúa (tháng tám), lễ cơm mới (tháng mười), lễ làm vía lúa, lễ cưới hỏi, tang mưa... cùng với hội Pồn Pôông, hội tung còn, hội trống chiêng, phường roòng... hàm chứa nhiều giá trị văn hóa, nghệ thuật độc đáo.

Cùng với việc tạo mường lập bản, người Mường xứ Thanh cũng sớm xây dựng quy ước trong việc quan hệ, ứng xử giữa người với người và con người với môi trường tự nhiên và xã hội. Đó là những quy định bảo vệ con người, bảo vệ môi trường sống như: rừng cây, mó nước, ruộng rẫy, vật nuôi. Luật Mường quy định: Nếu đi vào rừng thấy cây to muốn đốn về làm gỗ dựng nhà, gặt bọng ong đầy mật ngọt..., nhưng thấy có người làm dấu trước, thì dù cây gỗ quý đến đâu, bọng ong mật nhiều vô kể..., người đến sau cũng đều tôn trọng không xâm phạm. Trong việc đánh bắt cá ở những đoạn suối, khi đã có người phát hiện, sở hữu thì người đến sau không bao giờ thả lưới, quăng chài.

Người Mường không chỉ giỏi sản xuất mà họ còn giỏi giang, tinh tế trong việc chế biến món ăn. Đồ ăn và đồ uống của họ đã được nâng lên thành văn hóa ẩm thực Mường. Từ những món ăn dân dã bằng thực vật là chủ yếu và một số động vật do họ săn bắt, chăn nuôi, qua chế biến những món: xôi đồ, cơm lam, canh đắng, canh môn, cá hấp, nướng, thịt luộc, rượu cần... là những món “khoái khẩu” được du khách ưa thích. Ngay cả những món ăn xứ Huế nổi tiếng với sự chế biến tài khéo, cầu kỳ cũng có nguồn gốc từ những món ăn Mường. Phó Giáo sư Từ Chi đã từng nhận xét: Văn hóa ẩm thực xứ Huế thực sự là món ăn mường đã được nâng lên thành nghệ thuật, từ món ăn đó phả ra hương vị sơ sử.

Giá trị di sản văn hóa của dân tộc Mường đã bao đời nay được lưu giữ và phát huy trong cuộc sống, góp phần làm nên sắc thái dân tộc tỉnh Thanh nói riêng và bản sắc dân tộc Việt Nam nói chung. Xây dựng và phát triển văn hóa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thời kỳ CNH, HĐH, hội nhập và phát triển cần phải kế thừa một cách có chọn lọc, trên cơ sở đó vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại để làm giàu và sáng tạo nên những giá trị văn hóa mới mang dấu ấn thời đại Hồ Chí Minh để làm cho đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào Mường ngày càng giàu có, phong phú và bổ ích.

Để làm được điều đó, trước hết các cấp ủy đảng, chính quyền và các làng có đồng bào Mường sinh sống phải nâng cao trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc Mường, khuyến khích động viên đồng bào thực hiện có hiệu quả. Có kế hoạch sưu tầm, xuất bản và phổ biến sâu rộng trong quần chúng Nhân dân những giá trị văn hóa cổ truyền về kinh nghiệm, tri thức trong sản xuất, ứng xử và quan hệ xã hội của tộc người Mường để áp dụng thực hành trong cuộc sống hôm nay. Bảo lưu và phục dựng các nghi thức, lễ hội truyền thống ở mỗi gia đình, dòng họ và cộng đồng để đưa những giá trị tích cực đó phục vụ cuộc sống và phát triển du lịch. Coi trọng và khuyến khích các nghệ Nhân dân gian trong việc trao truyền bí quyết nghề nghiệp và tri thức dân gian.

Cần lưu giữ nếp nhà sàn truyền thống, nghề đan lát, thêu dệt và sắc phục truyền thống của đồng bào Mường, truyền dạy nghề trồng bông, nhuộm vải, thêu dệt thổ cẩm để phát huy nghề cổ truyền, thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, gắn với việc phát triển văn hóa, kinh tế - du lịch.

Chọn lọc và phát huy những giá trị tốt đẹp của luật mường, lệ bản trong cuộc sống hôm nay và xây dựng đời sống văn hóa. Sử dụng và phổ biến sâu rộng những tri thức, thuần phong mỹ tục về lao động sản xuất, lẽ sống, cách làm người, việc bảo vệ môi trường sinh thái... Xây dựng nhiều điểm sáng văn hóa gắn với phát triển du lịch ở các địa phương, như: Huyện Cẩm Thủy với làng Muốt có tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và dân ca nghi lễ; làng Ngọc với việc bảo vệ suối cá thần; làng Đồng Lão phát huy nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng. Huyện Ngọc Lặc với làng Lú Khoen xây dựng câu lạc bộ mo mường, hát xường; làng ở Cao Ngọc bảo lưu, phát huy lễ hội Pồn Pôông... để nhân ra diện rộng.

Hoàng Minh Tường (CTV)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]