(vhds.baothanhhoa.vn) - Thuyết phục người tiêu dùng mua sắm tại các cửa hàng thực phẩm an toàn (TPAT) không phải dễ, nhất là với những cửa hàng tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Phát huy vai trò cửa hàng thực phẩm an toàn: Chưa thuyết phục người tiêu dùng

Thuyết phục người tiêu dùng mua sắm tại các cửa hàng thực phẩm an toàn (TPAT) không phải dễ, nhất là với những cửa hàng tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Phát huy vai trò cửa hàng thực phẩm an toàn: Chưa thuyết phục người tiêu dùngCửa hàng TPAT Hợp Dung, xã Vạn Thắng (Nông Cống).

Qua khảo sát, việc xây dựng cửa hàng TPAT tại xã, thị trấn ở các địa phương, hầu hết đều sử dụng chung một công thức, đó là lựa chọn những cửa hàng tạp hóa đã có “tuổi đời”, có uy tín, phát triển lên cửa hàng TPAT. Lợi thế của những cửa hàng này là đã xây dựng được lòng tin và hiểu nhu cầu tiêu dùng của người dân, lượng hàng hóa đa dạng, phong phú, không phải thuê mặt bằng, chi phí đầu tư thấp, đáp ứng được một phần nhu cầu tiêu dùng cần thiết... Tuy nhiên, mỗi xã, thị trấn có những đặc điểm khác nhau về trình độ dân cư, mức thu nhập, thói quen mua sắm, khả năng tự cung tự cấp... nên hiệu quả cửa hàng TPAT cũng khác nhau.

Hoạt động từ năm 2018 với diện tích 100m2, giống như nhiều cửa hàng tạp hóa khác, cửa hàng TPAT Hợp Dung (xã Vạn Thắng, Nông Cống) có hàng trăm mặt hàng thiết yếu như đường, sữa, nước ngọt, bánh kẹo các loại... Các mặt hàng nông sản, thực phẩm đặc trưng địa phương, vùng miền chiếm tỷ trọng rất ít. Theo lý giải của chị Nguyễn Thị Dung, chủ cửa hàng thì: “Sau khi trở thành cửa hàng TPAT năm 2019, được tham gia lớp tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm, cửa hàng đã thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn thực phẩm, hóa đơn chứng từ, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, sắp xếp hàng hóa khoa học, phân biệt giữa hàng thực phẩm, hàng khô, hàng ăn liền... Thời gian đầu, cửa hàng có lấy hàng nông sản, rau quả tại HTX rau củ quả an toàn Vạn Thắng. Tuy nhiên do hàng hóa tiêu thụ quá chậm, mà các mặt hàng này không thể để lâu, bị thua lỗ, từ đó cửa hàng hạn chế bán đồ tươi sống, mà chủ yếu bán nông sản khô như gạo các loại, thức ăn đóng gói sẵn... với hạn sử dụng lâu dài”. Được biết, các mặt hàng lấy từ HTX rau củ quả an toàn Vạn Thắng được bán tại cửa hàng có giá chỉ cao hơn chút so với giá chung.

Lượng tiêu thụ chậm, không có người mua, đó là lý do mà cửa hàng TPAT Thảo Mạnh (xã Hải Long, Như Thanh) đưa ra khi có rất ít hàng tươi sống, nông sản được bày bán. Chị Lê Thị Ngọc Anh, chủ cửa hàng cho biết: “Cửa hàng đã hoạt động hơn 20 năm nên phần nào hiểu được thói quen, nhu cầu của người dân nơi đây. Mặt hàng mà cửa hàng tiêu thụ mạnh nhất là nước ngọt các loại và mặt hàng sữa, mì tôm, gia vị.... Lượng tiêu thụ các mặt hàng trước và sau khi trở thành cửa hàng TPAT không chênh nhau nhiều. Đối với hàng nông sản, hàng tươi sống, thức ăn hàng ngày cửa hàng đã thử bán nhưng khó tiêu thụ, mặt khác những mặt hàng này cần có hệ thống bảo quản riêng”.

Nguyên nhân mà hầu hết các cửa hàng TPAT tại xã đưa ra khi không bán hoặc bán ít mặt hàng nông sản, đồ tươi sống, đặc trưng vùng miền là không có người mua, không có “cầu” thì không có “cung”. Bên cạnh thói quen của người tiêu dùng, thích đi chợ truyền thống, thì đặc trưng vùng nông thôn có tính “tự cung tự cấp” cao... cũng là nguyên nhân khiến cho cửa hàng TPAT không khác nhiều so với hàng tạp hóa. Người dân xã Nga Tân thân thuộc với cái tên cửa hàng tạp hóa Duy Đức hơn là cái tên cửa hàng TPAT Duy Đức. Là một trong những cửa hàng tạp hóa lâu đời trên địa bàn, với hơn 20 năm hoạt động, bà Mai Thị Sáo, chủ cửa hàng cho biết: “Đối với mặt hàng nông sản, hàng tươi sống người dân nơi đây thích mua ở các chợ truyền thống hơn, có nhiều người bán, được chọn lựa thoải mái. Mặt khác, các hộ dân nơi đây đều có một phần tự cung tự cấp về thực phẩm như rau, hoa quả, cá... nên nếu bán các mặt hàng này sẽ rất ít người mua. Đối với các sản phẩm đặc trưng vùng miền, do chi phí giá cả có cao hơn so với những sản phẩm cùng loại bán truyền thống lâu nay nên cũng không nhiều người hỏi mua”.

Do hiểu được đặc trưng mua sắm của người dân, tính cạnh tranh cao, vì vậy, hàng nông sản được bán tại cửa hàng TPAT có giá chỉ nhỉnh hơn so với mặt bằng chung. Với những cửa hàng không có nguồn cung là vùng nguyên liệu địa phương, phải nhập hàng từ nơi khác, giá bị đẩy lên cao khiến nhiều cửa hàng không dám mạo hiểm.

Phát huy vai trò cửa hàng thực phẩm an toàn: Chưa thuyết phục người tiêu dùngRất ít hàng nông sản, sản phẩm đặc trưng vùng miền được bày bán tại Cửa hàng TPAT Duy Đức.

Về phía người tiêu dùng, họ vẫn giữ thói quen đi chợ truyền thống. Trong khi, hàng nông sản, đồ tươi sống bán tại cửa hàng TPAT bằng mắt thường nhìn không khác hàng bán tại chợ về quy cách đóng gói, mẫu mã, hàng hóa đơn điệu, bảo quản sơ sài... do vậy, không thể thuyết phục được họ bỏ tiền mua.

Theo chính quyền địa phương thì việc xây dựng cửa hàng TPAT từ cửa hàng tạp hóa thuận lợi cho chủ cửa hàng khi không phải mất chi phí thuê mặt bằng, chi phí cơ sở vật chất, trang trí cửa hàng, đã có kinh nghiệm bán hàng lâu năm... khiến giá thành sản phẩm rẻ, dễ tiếp cận người tiêu dùng, nhất là khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, cũng có những khó khăn khi nhiều địa phương có mức thu nhập bình quân đầu người thấp, chưa chú trọng đến chất lượng sản phẩm, khả năng tự cung tự cấp, chưa đủ tin tưởng đối với cửa hàng TPAT... Và không phải địa phương nào cũng xây dựng được sản phẩm đặc trưng để có thể bày bán tại cửa hàng.

Thực tế, ở khu vực nông thôn, các cửa hàng TPAT nhìn qua không khác cửa hàng tạp hóa bình thường. Trong quy định xây dựng cửa hàng TPAT tại xã, thị trấn không nhất định phải bán hàng nông sản, đặc trưng địa phương mà chỉ khuyến khích. Tuy nhiên, về phía người tiêu dùng, với tâm niệm đến cửa hàng TPAT là để tiếp cận được với nguồn nông sản, thực phẩm sạch, an toàn, đặc trưng địa phương và các vùng miền chứ không phải những mặt hàng có thể dễ dàng mua ở bất kỳ hàng tạp hóa nào, thì nhiều cửa hàng TPAT lại chưa đáp ứng được.

Cửa hàng TPAT chưa phát huy hết vai trò của mình, một phần do nhu cầu từ phía người dân địa phương còn hạn chế. Tuy nhiên còn có nguyên nhân từ chính các chủ cửa hàng: ít có sự đầu tư bài bản, nâng cấp để bày bán mặt hàng mới, đặc trưng; thiếu sự liên kết với nguồn cung TPAT trong và ngoài địa phương; thiếu sự định hướng, nghiên cứu về thị trường tiêu dùng để có những sản phẩm phù hợp với thị yếu, thiếu sự chuyên nghiệp trong cung cấp dịch vụ,...

Bài và ảnh: Vân Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]