(vhds.baothanhhoa.vn) - Những mô hình, sản phẩm khoa học - kỹ thuật, khoa học - công nghệ được học sinh Thanh Hóa sáng tạo không ngừng ghi dấu tại các cuộc thi trong nước và quốc tế; qua đó, khẳng định tài năng, trí tuệ và bản lĩnh của tuổi trẻ xứ Thanh trên các đấu trường khoa học - kỹ thuật, công nghệ.

“Phát minh” của nhà khoa học “nhí”

Những mô hình, sản phẩm khoa học - kỹ thuật, khoa học - công nghệ được học sinh Thanh Hóa sáng tạo không ngừng ghi dấu tại các cuộc thi trong nước và quốc tế; qua đó, khẳng định tài năng, trí tuệ và bản lĩnh của tuổi trẻ xứ Thanh trên các đấu trường khoa học - kỹ thuật, công nghệ.

“Phát minh” của nhà khoa học “nhí”Dự án thùng rác thông minh của Trường Tiểu học Hà Bắc.

“Những mô hình sáng tạo sẽ giúp con thực hiện bất cứ sản phẩm gì mình thích. Con thích tạo ra những sản phẩm có ích cho môi trường, để môi trường ở nhà, ở trường ngày càng trong sạch...”, Trần Thị Đài Duyên (học sinh Trường Tiểu học Hà Tân, Hà Trung) hồn nhiên kể. Và những ước muốn trong sáng ấy sẽ được chính các em thực hiện qua những dự án khoa học thiết thực, hiệu quả.

Tìm hiểu cuộc thi “Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng Thanh Hóa”, chúng ta sẽ thấy bất ngờ bởi những học sinh tuy đang còn nhỏ tuổi nhưng với bản lĩnh, tài năng và nỗ lực không ngừng, đã tạo nên những sản phẩm hữu dụng cao và đầy nhân văn. Với cái nhìn trẻ thơ nhưng cũng đầy trách nhiệm, sản phẩm của các em giải quyết những vấn đề nan giải của xã hội như rác thải, môi trường... hướng đến tiện ích cuộc sống.

Dự án “Mô hình xử lý rác thải trường học” của nhóm học sinh Trần Thị Thanh Trúc, Trần Thị Đài Duyên (học sinh Trường Tiểu học Hà Tân, Hà Trung) là minh chứng cụ thể. Dự án đạt giải Nhì cấp tỉnh và giải Khuyến khích cấp quốc gia Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng năm 2023.

Ý tưởng cho đề tài là những quan sát thực tế mà hai cô bé Duyên và Trúc thấy được trong cuộc sống. “Em thường thấy mọi người nói về vấn đề rác thải hiện nay. Em muốn làm một cái gì đó để có thể cải thiện vấn đề này và nâng cao ý thức của mọi người, đầu tiên là các học sinh như chúng em trong việc bảo vệ môi trường sống quanh ta. Em và chị gái đã suy nghĩ và lên ý tưởng cho sản phẩm mô hình xử lý rác thải trường học”, Đài Duyên cho biết.

“Phát minh” của nhà khoa học “nhí”Đài Duyên (trái) và Thanh Trúc trong buổi lễ nhận giải Cuộc thi “Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc”.

Thực hiện “nhiệm vụ bất khả thi” này tất nhiên không thể thiếu sự hướng dẫn, chỉ bảo của thầy cô giáo nhà trường. Tuy nhiên, để sản phẩm chinh phục được ban giám khảo thì đó chính là công sức, tài năng của hai bạn nhỏ. Mục đích của mô hình xử lý rác thải nhằm tạo thói quen tốt phân loại rác thải ngay từ đầu cho học sinh. Mô hình được thiết kế như một thùng rác lớn, chia làm 3 ngăn, gồm rác tái chế, rác phế thải và đồ dùng thất lạc, tương ứng với các nút bấm khác nhau, học sinh muốn bỏ rác vào ngăn nào thì sẽ bấm nút kích hoạt ngăn đó. Mô hình có cách thiết kế và lắp ghép đơn giản, dễ làm. Nguyên liệu là các vật liệu đơn giản dễ tìm kiếm từ các đồ dùng tái chế, vật liệu tận dụng, như: giấy, thảm cỏ nhân tạo, các thanh sắt, nhựa, xốp, các mạch điện, công tắc tận dụng, điều khiển tự động các ngăn đựng rác... Việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn là vấn đề cần thiết và thiết thực nhất để góp phần bảo vệ môi trường. Từ đó các công tác thu gom, vận chuyển, xử lý cũng dễ dàng hơn.

Cùng chung ý tưởng bảo vệ môi trường, nhóm học sinh Vũ Tiến Long, Nguyễn Hữu Huy Hoàng, Lã Thị Bích Thủy (Trường Tiểu học Hà Bắc, Hà Trung) đã tạo ra sản phẩm mình thích là thùng rác thông minh. Dự án là một trong hai giải Nhì cấp tỉnh Cuộc thi “Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng Thanh Hóa” năm 2023. Điểm nổi bật của thùng rác là chạy bằng hệ thống cảm biến, có chức năng nói, tự động đóng mở và báo rác đầy. Thùng rác được cải tiến nhằm xử lý vấn đề tinh tế như việc muốn vứt rác nhưng không muốn thò tay vào thùng “với chế độ cảm biến thùng rác có thể tự động mở và đóng, chạy bằng pin mà không cần cắm sạc trực tiếp. Việc lắp đặt đơn giản, tiện lợi, có thể sử dụng tại nơi công cộng, trường học, bệnh viện...Việc vứt rác mà không muốn thò tay vào thùng được chúng em khảo sát tại một số nơi trên địa bàn, và bản thân chúng em cũng thích điều đó bởi thùng rác là nơi chứa nhiều vi trùng, vi khuẩn, nhất là trong thời gian dịch bệnh”, em Bích Thủy cho biết.

Theo cô giáo Trịnh Thị Hồng, giáo viên hướng dẫn dự án, Trường Tiểu học Hà Bắc thì học sinh tiểu học chưa có nhiều kiến thức, kinh nghiệm để làm dự án khoa học. Tuy nhiên, các em có óc quan sát và sáng tạo rất tốt. Từ những gợi ý của thầy cô, các em đề xuất ý tưởng và thực hiện. Quá trình thực hiện các em nỗ lực rất nhiều để tự học tập, thu nạp thêm kiến thức mới từ thầy cô, trên các trang mạng học tập, để hoàn thiện sản phẩm một cách hoàn hảo nhất.

Mô hình xử lý rác thải, thùng rác thông minh đều là những mô hình đơn giản, dễ lắp đặt, nhất là chi phí chế tạo thấp tuy nhiên, nó có thể giải quyết được những vấn đề đang còn hạn chế, hướng đến sự tiện ích, tạo nên “độ” hoàn hảo cho các sản phẩm.

Trong Cuộc thi “Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng” năm 2023, có 12 dự án được trao giải nhưng có đến 7 dự án là của trường tiểu học . Với nhiều mô hình độc đáo, thể hiện tinh thần dân tộc, mang tính nhân văn cao như: Đảo Trường Sa trong em của nhóm học sinh Trường Tiểu học thị trấn Hà Trung, Tiểu canh guồng nước kết hợp đàn tre của học sinh Trường Tiểu học Hà Ngọc, Truyền thông chung tay bảo vệ trái đất - ngôi nhà chung “only one earth” của nhóm học sinh Trường Tiểu học Hà Bình... Dấu ấn của các nhà khoa học “nhí” qua các cuộc thi “Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng”, “Khoa học - kỹ thuật dành cho học sinh trung học”... được in đậm qua những dự án chất lượng, có tính khả thi cao trong thực tế và đạt được nhiều giải thưởng cao trong các cuộc thi quốc tế. Điều đó thể hiện niềm đam mê sáng tạo của học sinh xứ Thanh, cũng chứng tỏ, tuổi tác không phải là rào cản để các bạn nhỏ chinh phục thế giới khoa học đầy hấp lực này.

Bài và ảnh: Phan Vân



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]