Phát triển cây dược liệu bền vững: Hiệu quả bước đầu từ các mô hình
Thanh Hóa có điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp để phát triển cây dược liệu. Nhằm phát huy lợi thế từng vùng, những năm qua tỉnh ta đã xây dựng nhiều cơ chế, chính sách, khuyến khích phát triển cây dược liệu. Nhiều mô hình trồng cây dược liệu bước đầu thành công mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân.
Mô hình trồng cây mạch môn ở xã Yên Khương (Lang Chánh) bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.
Nhận thấy giá trị kinh tế cao từ cây sâm Báo mang lại, nhiều hộ dân ở xã Vĩnh Hùng và một số xã trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc đã khôi phục và phát triển loài cây này. Sâm Báo, một loại sâm được dùng như dược liệu quý hiếm, làm nước uống, thuốc chữa bệnh, thức ăn bổ dưỡng, thanh mát giải nhiệt và là sản vật dùng để cung tiến vua, chúa thời xưa thường mọc trên các núi đá ở xã Vĩnh Hùng. Gia đình chị Đặng Thị Nga ở thôn Đoài được xem là một trong những hộ trồng thành công và có nguồn thu nhập cao từ cây sâm Báo. Đến nay, gia đình chị Nga đã trồng 5 vụ sâm trên diện tích 0,5ha. Năm đầu, gia đình thu được 600kg củ, bán được 500 triệu đồng, trừ chi phí chị lãi hơn 300 triệu đồng. Theo chị Nga thì những năm đầu, gia đình chủ yếu bán củ tươi tại ruộng nên giá trị kinh tế không cao. Để nâng cao giá trị cây sâm Báo, thời gian gần đây gia đình chị đã liên kết với một số hộ trong xã thành lập HTX nông nghiệp Tây Đô, đầu tư mua máy móc về sản xuất sản phẩm trà thảo dược sâm Báo. Hiện, sản phẩm của HTX được thị trường ưa chuộng và được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Ông Trịnh Việt Cường, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Lộc, cho biết: Để phục hồi sâm Báo trở thành cây hàng hóa, những năm qua, huyện Vĩnh Lộc đã có Đề án “Bảo tồn và mở rộng quy mô phát triển cây sâm Báo trên địa bàn giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”. Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2022-2025 xây dựng thành công 2ha vườn cây đầu dòng sâm Báo hoa vàng tại xã Vĩnh Hùng để bảo tồn nguồn gen bản địa, đồng thời đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận nguồn gốc cây sâm Báo hoa vàng để gieo trồng và nhân giống, cung cấp giống nhân rộng diện tích trồng sâm Báo của huyện. Đến năm 2030, duy trì nguồn gen bản địa tại núi Báo, xã Vĩnh Hùng và phát triển diện tích trồng sâm Báo toàn huyện đạt khoảng 250ha. Đồng thời, đưa sản phẩm sâm Báo ra thị trường nước ngoài. Đến nay, diện tích trồng sâm Báo trên toàn huyện đã đạt 25ha (trong đó xã Vĩnh Hùng có khoảng 10ha, với 60 hộ tham gia trồng); đã có 2 sản phẩm chế biến từ sâm Báo được chứng nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao gồm rượu sâm Báo An Tâm (cơ sở kinh doanh rượu An Tâm) và trà sâm Báo Thảo Nga (HTX nông nghiệp Tây Đô).
Tại xã Đông Hoàng (Đông Sơn), thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xã đã tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các cây dược liệu như cà gai leo, kim ngân, chè vằng... Sau khi trồng thử nghiệm, nhận thấy cây trồng có thị trường tiêu thụ ổn định, hiệu quả kinh tế cao, xã đã vận động người dân mở rộng diện tích và ứng dụng khoa học - kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng. Đến nay, trên địa bàn xã đã hình thành vùng nguyên liệu tập trung trên 13ha, thu hút 31 hộ dân tham gia. Theo đánh giá của người dân các loại cây dược liệu này khá dễ trồng, không đòi hỏi sự chăm bón, kỹ thuật canh tác cao nên khi đưa vào sản xuất cây có khả năng thích ứng và sinh trưởng tốt. Đặc trưng của các giống dược liệu này là chỉ cần trồng một lần có thể thu hoạch liên tục trong nhiều năm. Theo tính toán của người dân, diện tích cây dược liệu trên địa bàn xã có sản lượng từ 14 - 16 tấn sản phẩm khô/ha/năm. Với giá bán trên thị trường khoảng 35 - 45 nghìn đồng/kg, 1ha cho thu nhập từ 500 - 700 triệu đồng/năm, lợi nhuận đạt 60 - 70% doanh thu. Để thuận lợi trong việc trồng, chế biến cây dược liệu, năm 2020 các hộ dân trồng dược liệu trên địa bàn xã Đông Hoàng đã liên kết thành lập HTX trồng và chế biến cây dược liệu thân thiện với môi trường do phụ nữ làm chủ. HTX ra đời đã tạo “cú hích” trong tiêu thụ sản phẩm cây dược liệu trên địa bàn huyện Đông Sơn.
Ngoài các mô hình trồng cây dược liệu trên, hiện nay diện tích trồng cây dược liệu đã và đang được phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện thành công chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 3 đến 4 lần so với trồng lúa và cây hoa màu khác. Tại huyện Lang Chánh hiện đã phát triển được khoảng 20ha với các loại cây dược liệu, như: ngải cứu, bách bộ, kim ngân hoa, đinh lăng, đu đủ đực... Hiện nay, huyện đang khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng cây dược liệu, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để thu hút doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, sản xuất và chế biến dược liệu; triển khai các dự án trồng, xây dựng các vườn ươm dược liệu trên địa bàn. Huyện Quan Sơn đã quy hoạch vùng trồng dược liệu tập trung có chất lượng cao tại khu Vũng Cộp thuộc bản Chanh, xã Sơn Thủy với quy mô 250ha. Đồng thời, mời doanh nghiệp tư nhân sản xuất thuốc y học cổ truyền Bà Giằng vào đầu tư, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, đơn vị đã trồng thử nghiệm thành công 7.500 cây sa nhân tím và 5.000 cây ba kích. Đến nay, 2 loài dược liệu này thích nghi và sinh trưởng trong điều kiện bán tự nhiên tương đối tốt. Cây ba kích sau 4 năm có thể cho thu hoạch mỗi gốc từ 0,5 - 0,7kg, cây sa nhân mỗi 1ha cho thu hoạch 200kg quả tươi. Với giá bán 60.000 đồng 1kg sa nhân tím, 180 nghìn đồng 1kg ba kích tươi, so với các loại cây trồng khác, trồng dược liệu cho thu nhập cao hơn rất nhiều lần. Từ thành công này, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu sẽ tiếp tục thí điểm và nhân rộng mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng tự nhiên và rừng sản xuất cho người dân vùng lõi và vùng đệm của khu bảo tồn.
Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh có gần 1.000 loài cây dược liệu, trong đó có 20 loài dược liệu quý, như: ba kích, đinh lăng, củ mài, hòe, hương nhu trắng, ích mẫu, sa nhân, huyền sâm, xuyên tâm liên, nghệ vàng, cà gai leo... trước đây phân bố chủ yếu ở các huyện miền núi. Những năm gần đây, nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây dược liệu, nhiều huyện vùng trung du và đồng bằng có đất bãi, đồi núi thấp, như: Yên Định, Thọ Xuân, Nông Cống, Hậu Lộc, Nga Sơn, Thiệu Hóa, Quảng Xương, Triệu Sơn đã phát triển trồng cây dược liệu.
Để đáp ứng nguồn nguyên liệu cây dược liệu phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, nhiều tổ chức và cá nhân đã triển khai trồng và tạo thành vùng trồng cây dược liệu trên địa bàn tỉnh với khoảng 15 loài dược liệu được trồng tập trung, tổng diện tích khoảng trên 2.000ha, gồm: sa nhân tím, quế, nghệ, sâm Báo, đinh lăng, hy thiêm, cà gai leo, ích mẫu, mạch môn... Hiện nay, công tác bảo tồn và khai thác, phát triển cây dược liệu đang được tỉnh quan tâm thực hiện; ngoài các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, trên địa bàn tỉnh có Trung tâm nghiên cứu Dược liệu Bắc Trung bộ đang triển khai lưu giữ và bảo tồn 320 loài cây dược liệu đặc trưng của Thanh Hóa và khu vực Bắc Trung bộ; nghiên cứu giống và phát triển nhiều loài cây thuốc có giá trị, như: hy thiêm, cà gai leo, bụp giấm, rau đắng biển, bách bộ, sa nhân tím, náng, nghệ, hương nhu, thiên niên kiện... Hiện nay, trước nhu cầu của thị trường về sử dụng các sản phẩm dược liệu ngày càng cao, xu hướng tiêu dùng cũng thay đổi với sự ưa chuộng nguồn hàng hóa sạch, hướng nội, đặc trưng và nguồn gốc thảo mộc, khiến người sản xuất dược liệu được đón nhận thời cơ mới. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp, HTX đã tham gia liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cây dược liệu. Qua đó, góp phần bảo tồn các loài cây dược liệu và nâng cao thu nhập cho người dân.
Tuy nhiên, việc phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún, chưa tập trung; năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, sức cạnh tranh trên thị trường của các sản phẩm sơ chế, chế biến từ dược liệu chưa đáp ứng nhu cầu; việc hình thành chuỗi từ sản xuất, đến chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm còn ít; liên kết sản xuất chưa thực sự bền vững; sản phẩm hàng hóa thiếu đầu ra bền vững, giá trị hàng hóa không ổn định đã ảnh hưởng đến phát triển cây dược liệu trên địa bàn.
Bài và ảnh: Khắc Công
{name} - {time}
-
2024-11-21 16:29:00
Giải mã bí ẩn về vùng "tam giác tử thần” trên gương mặt mỗi người
-
2024-11-21 15:39:00
Nét đẹp nghề cói trên vùng đất Nga Sơn
-
2024-04-11 15:26:00
Nông thôn mới kiểu mẫu trên vùng đất khó
Trao bò giống sinh sản cho 41 hộ nghèo, cận nghèo tại xã Thanh Quân
Cẩn trọng với dịch vụ cho thuê giấy phép lái xe, hỗ trợ phạt nguội
Nhớ ngày truyền thống Sư đoàn 348
Giá vé máy bay đến các điểm du lịch trong dịp nghỉ lễ 30/4
Loay hoay bán trú
Điện Biên huy động thêm hơn 100 gia đình phục vụ khách du lịch
Doanh nghiệp du lịch “ngóng” kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 kéo dài
Hiệu quả tủ sách pháp luật ở khu vực miền núi
Thanh minh tảo mộ - Mỹ tục ngày xuân