(vhds.baothanhhoa.vn) - Dọc hai bên đường đến với vùng đất Quan Sơn, hoa đào, hoa mận đã nở bừng ngây ngất, che khuất từng mỏm đá nhọn sắc thâm trầm. Xong việc đồi nương, lúa ngô ngủ yên trong nhà, tết la đà chạm tới. Bà lão ngồi bậc thềm ngôi nhà cũ, đáy mắt vời vợi, rưng rưng. Trẻ nhỏ ríu rít đùa chơi bên suối, tiếng cười vang vọng giữa không gian...

Quan Sơn bừng giấc vào xuân

Dọc hai bên đường đến với vùng đất Quan Sơn, hoa đào, hoa mận đã nở bừng ngây ngất, che khuất từng mỏm đá nhọn sắc thâm trầm. Xong việc đồi nương, lúa ngô ngủ yên trong nhà, tết la đà chạm tới. Bà lão ngồi bậc thềm ngôi nhà cũ, đáy mắt vời vợi, rưng rưng. Trẻ nhỏ ríu rít đùa chơi bên suối, tiếng cười vang vọng giữa không gian...

Quan Sơn bừng giấc vào xuânNhững cô gái Thái (Quan Sơn) trong trang phục truyền thống. Ảnh: Xuân Cường

Bản nhỏ nên thơ...

Giữa không gian bao la của núi rừng Quan Sơn, mỗi bản làng chấm phá đầy sinh động. Cái lạnh vẫn len lỏi trong từng góc nhỏ, nhưng không khí đã ấm dần. Những gốc đào, mận bên sườn núi vẫn nở hoa đúng hẹn, như thể mùa xuân là tấm chăn đã kịp ấp iu trong lòng. Bà con khấp khởi: “Nhờ có Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành quan tâm, hỗ trợ mà đời sống của chúng tôi cũng phần nào vơi bớt khó khăn”. Những nụ cười tươi tắn mang theo niềm hy vọng cứ long lanh. Đặc biệt, soi vào mắt trẻ thơ miền sơn cước, nhịp bước mùa xuân như ùa ra. Những chồi non xanh mướt nhú lên, những cánh đồng miên man hứa hẹn mùa mới. Trong hơi xuân căng tràn, phụ nữ bản quây quần bên bếp lửa, thoăn thoắt chế biến món ăn truyền thống. Họ không chỉ chăm lo bữa ăn, giấc ngủ cho các thành viên trong gia đình mà còn là người kết nối thế hệ, vun đắp tâm hồn, giữ lửa xuân ấm mãi... Tết là dịp để tưởng nhớ tổ tiên, gia đình sum họp, cùng thắp lên bao khát vọng, chờ mong.

Núi rừng Quan Sơn như vòng tay vạm vỡ ẩn hiện trong sương mù. Tiếng chim hót líu lo, thánh thót rót vào không gian yên tĩnh. Chúng tôi ghé thăm bản Ngàm (xã Sơn Điện) – điểm du lịch cộng đồng với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào Thái được bảo tồn và phát huy. Không khí xuân rộn ràng trong từng nếp nhà sàn vững chãi; những homestay hiện diện như tô điểm thêm vào bức tranh thiên nhiên hoang sơ, thi vị. Nhà nào cũng xôn xao một pho chuyện, mênh mang kỷ niệm, lưu luyến bao cung bậc cay đắng ngọt bùi. Hương rừng núi mơ hồ quyện hương nếp nương, măng rừng xao xuyến. Những điệu múa, tiếng nhạc cất lên, chạm vào trái tim du khách bằng niềm da diết. Ai nấy đều hiểu, đất và người Quan Sơn chan chứa thơ, nồng ấm tình, níu lòng du khách thế nào...

Vừa hong xôi gấc ra mẹt, chị Lữ Thị Nguyện (bản Ngàm, xã Sơn Điện) với nụ cười rạng rỡ trên môi, tự hào chia sẻ: “Nhờ có hoạt động du lịch, đời sống bà con chúng tôi thêm nhiều phần khởi sắc. Từ một bản nhỏ quanh năm làm nông nghiệp, lâm nghiệp, giờ đây đã có thêm nhiều việc để cải thiện cuộc sống”. Chiều xuân, trong ánh nắng mỏng mềm như tơ trải rộng trên từng mảnh vườn xanh mướt, gia đình chị vừa đón tết, vừa chuẩn bị cho dịp đầu xuân du khách sẽ ghé thăm. Các hộ dân làm du lịch nơi đây ngoài phát triển kinh tế còn là những “sứ giả”, cầu nối giữa những giá trị văn hóa truyền thống Thái và nhịp sống hiện đại. Mỗi món ăn, mỗi điệu hát, mỗi câu chuyện về quê hương của họ đều chứa đựng hương vị yêu thương, nỗi niềm thấm thía, cùng lan tỏa vẻ đẹp đất và người Quan Sơn.

Sông Luồng thơ mộng mà hùng vĩ xuyên qua miền sống động mà tĩnh lặng diệu kỳ ấy. Chủ nhà đã nướng xong cá suối thơm lừng trên than củi, canh uôi ngọt sâu đậm đà, cơm lam dẻo thơm hòa trong men rượu cần quyến luyến. Đêm xuân bịn rịn đến vô cùng. Điệu xòe, điệu khặp lâng lâng, say đắm. Phụ nữ Thái ở Quan Sơn duyên dáng trong áo cóm chui đầu, thân ngắn ngang lưng, xẻ hai bên vai, chỉ có một khuy hoặc buộc dây vải, nền vải đen nhức hoặc xanh chàm, nâu nhạt... Đó đều là những sắc màu gợi niềm bí ẩn sâu xa. Từ xa xưa, người dân nơi đây đã biết trồng bông, dệt vải để may nên những bộ trang phục đậm sắc màu truyền thống. Dải thắt khăn xanh có gài vài sợi dây bạc quấn chặt cạp trên nhưng thả lỏng cạp váy dưới của phụ nữ nơi này mới tinh tế, uyển chuyển làm sao. Mỗi khi họ nhẹ nhàng cất bước, cạp váy lại uyển chuyển như sóng lúa trên nương.

Mà nói đến trang phục của phụ nữ Thái ở Quan Sơn, không thể thiếu khăn piêu thương nhớ. Sau khi búi tóc gọn gàng, chiếc khăn được bàn tay khéo léo quấn hai vòng quanh đầu, thắt lại phía trên vầng trán. Như thế, một dải khăn sẽ vắt về phía sau, duyên dáng buông qua thắt lưng. Dải khăn còn lại được gấp để lộ mặt khăn thổ cẩm tuyệt đẹp, thành mảng sắc màu rực rỡ nhất đội lên đầu. Trước công đoạn thêu thùa, khăn piêu được dệt từ sợi bông bằng khung cửi truyền thống, sau đó nhuộm chàm, hong no mềm nắng gió ngoài hiên. Khi từng mảnh vải lên màu đều đặn, trải dài thành dải xanh sâu, trượt qua tay xôm xốp, nhẹ nhõm mới có thể đặt kim thêu lên đó. Bên khung cửi, họ trổ hết tài hoa qua phong thái nhẹ nhàng, tinh tế với mười hai kiểu hoa văn trên từng tấm mặt chăn thổ cẩm mang bản sắc của miền sơn cước gắn với hình ảnh con người, cây lá, chim muông, cảnh trí núi rừng.

Hoa bừng nở suốt miền mây trắng

Một buổi sớm mùa xuân, chúng tôi dậy thật sớm, rón rén từng bước chân trên mặt gỗ nhà sàn. Chủ nhà đã dậy từ lâu. Ở miền núi rừng này, gà như thể thức suốt đêm mà eo óc gáy. Bên bếp lửa, con gái chủ nhà homestay vừa nấu ăn, vừa ý tứ vùi ít sắn, khoai lát đặt thêm cạnh mâm bữa sáng cho khách. Dạo bước trên những con đường xuân rộng mở, chúng tôi lặng nghe tiếng suối mỗi lúc một rõ hơn, lúc âm vang bổng trầm, khi dặt dìu và dịu lắng. Thỉnh thoảng, từng đàn chim tìm những hạt lúa sót còn ngậm sương bay vù trước mặt. Tiếng suối đầy mê dụ, đến mức du khách đã ở sát sạt rồi, bước qua cả vạt vầu xanh để tìm kiếm nguồn cội thanh âm ấy. Kỳ lạ thay, trước mắt mọi người chỉ là một dòng chảy nhỏ, mảnh dẻ, se sẽ lách qua rễ cây rừng. Cảm giác dòng chảy ấy không thể đủ sức tạo nên cung bậc thanh âm huyền diệu kia. Cứ hồ nghi, hay nước nghe hơi người mà trốn đi đâu mất. Mãi tới khi cất bước trở về, ai nấy chợt nhận ra, rất có thể tiếng suối vọng sâu trong lòng núi, chân càng bước xa, tai càng nghe thấu.

Vùng núi Quan Sơn hay bất kỳ miền sơn cước nào khác, từ nhà nọ sang nhà kia là băng qua dốc. Thường thì, cứ hết dốc, ở khoảnh đất bằng được tận dụng làm sân phơi sẽ gặp những cụ bà mắt ngời ngời, miệng cười móm mém. Có bà ngước lên, chào: “Đi đâu vội thế, vào đây đã, bà đang thêu khăn cho cháu gái sắp lấy chồng...”. Năm nay, mùa hoa nơi núi rừng Quan Sơn nở sớm. Mỗi khi ngắm hoa rừng, lòng người dễ dấy lên cảm giác khá chậm rãi, rõ ràng về sự ấm dần của lòng đất. Xứ non cao, hoa như thể những đám mây, lửng lơ kéo từ khoảnh rừng này qua chân đèo nọ, lắm khi tưởng sà xuống tận bờ vai. Giữa đất trời tươi mới, cảm tưởng, cả mây, sương và nắng đều quánh đặc, cuộn tròn như những khối bông gòn xốp tơi, mềm mại. Từ đó, có thể rút ra những sợi bông xanh đỏ tím vàng mà dệt, mà thêu lên khăn piêu. Hình ảnh chiếc khăn piêu rực rỡ, bay bay trong gió ngàn cứ vương vít mãi trong lòng tôi khiến nỗi thương nhớ về những phận người bên đá núi. Có lẽ, chẳng phải ngẫu nhiên mà hai đầu khăn piêu là vuông thổ cẩm sáng bừng như núi, như mây, như những mái nhà và những nỗi niềm khúc khuỷu... Cũng chẳng phải bỗng đâu có một vạt khăn piêu luôn ngự trên đỉnh đầu hướng về phía trước, vạt còn lại như dòng suối đổ qua gáy, qua lưng như ánh lại phần hào quang đã thuộc về dĩ vãng...

Văn hóa miền núi cao xứ Thanh nói chung, đều đề cao sự thích nghi một cách ôn hòa giúp con người vượt qua sự đổi thay, khắc nghiệt. Tiễn khách ra tận ngõ rồi, bà con bần thần, lưu luyến mãi. Lảnh lót bên tai người bài ca chim rừng. Rồi thì bài ca ấy cũng như tan chảy loanh quanh đâu đó rất gần, trong chát ngọt môi người, trên bờ vai, trong lòng tay vừa mở. Dưới gốc đào, gốc mận rực hơi xuân, chồi non vội vàng bật lên đua cùng hoa thắm. Cảm tưởng xuân nảy nở từ trong cõi lòng và trong chính sắc hồng phai của đào cũng chứa đựng sự mong manh, thuần khiết mà bền bỉ, âm thầm như ý chí, niềm tin của con người Quan Sơn. Đó cũng là màu của mây trời, của sương khói bao la...

MAI LỮ (CTV)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]