(vhds.baothanhhoa.vn) - Bước vào tuổi “xế chiều”, có người cao tuổi (NCT) nào lại không mong muốn được quan tâm, chăm sóc, phụng dưỡng về vật chất; thấu hiểu, chia sẻ về tinh thần, để từ đó sống vui, sống khỏe và phát huy vai trò “cây cao bóng cả” trong gia đình, cộng đồng, xã hội... Xung quanh câu chuyện này, phóng viên (PV) Báo Thanh Hóa cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với các ông, bà: Nguyễn Đức Thắng, Chủ tịch Hội NCT tỉnh; Đỗ Thị Liên, Tổ trưởng tổ công tác xã hội Trung tâm Bảo trợ xã hội số 2 Thanh Hóa; Nguyễn Thị Việt, Chủ tịch Hội NCT phường Quảng Thành (TP Thanh Hóa).

Quan tâm, chăm lo cho người cao tuổi

Bước vào tuổi “xế chiều”, có người cao tuổi (NCT) nào lại không mong muốn được quan tâm, chăm sóc, phụng dưỡng về vật chất; thấu hiểu, chia sẻ về tinh thần, để từ đó sống vui, sống khỏe và phát huy vai trò “cây cao bóng cả” trong gia đình, cộng đồng, xã hội... Xung quanh câu chuyện này, phóng viên (PV) Báo Thanh Hóa cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với các ông, bà: Nguyễn Đức Thắng, Chủ tịch Hội NCT tỉnh; Đỗ Thị Liên, Tổ trưởng tổ công tác xã hội Trung tâm Bảo trợ xã hội số 2 Thanh Hóa; Nguyễn Thị Việt, Chủ tịch Hội NCT phường Quảng Thành (TP Thanh Hóa).

Bảo vệ, chăm sóc và nhìn nhận đúng vai trò của NCT

Quan tâm, chăm lo cho người cao tuổi

PV: Xin ông cho biết những vấn đề đặt ra với việc chăm sóc, phát huy vai trò của NCT trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện nay?

Ông Nguyễn Đức Thắng: Tính đến hết năm 2022, Hội NCT tỉnh Thanh Hóa có 559 hội cơ sở; 4.393 chi hội; 4.784 tổ hội; 467.271 hội viên, tỷ lệ tập hợp hội viên NCT vào sinh hoạt đạt trên 91%.

Những năm qua, Đảng, Nhà nước cùng các bộ, ngành, các cấp chính quyền luôn dành sự quan tâm cho NCT với những chính sách cụ thể, thiết thực. Việc quan tâm, chăm sóc NCT còn được thực hiện thông qua các phong trào, CLB liên thế hệ tự giúp nhau. Đặc biệt, mô hình “Chi hội NCT hạnh phúc” tại Thanh Hóa dù mới bước đầu được thành lập song đã phát huy hiệu quả tốt. Thanh Hóa là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về các phong trào, hoạt động hội liên quan đến NCT. Nói đến NCT, có hai vấn đề cần được nói rõ, là: bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò.

Trong xu hướng già hóa dân số hiện nay, còn một bộ phận không nhỏ NCT gặp các khó khăn về cả đời sống vật chất lẫn tinh thần, đặc biệt là với NCT ở khu vực vùng sâu vùng xa, việc tiếp cận các điều kiện khám chữa bệnh chưa thuận tiện.

Hiện nay, theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. NCT từ đủ 80 tuổi trở lên, không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng được hưởng trợ cấp xã hội là 360 nghìn đồng/tháng. Đây là chính sách hỗ trợ rất thiết thực dành cho NCT. Tuy nhiên, căn cứ trên tình hình thực tế và nguyện vọng của các hội viên, Hội NCT Thanh Hóa đề nghị Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương xem xét giảm độ tuổi NCT được hưởng chế trợ cấp xã hội từ 80 xuống 75 tuổi.

Về già, do những điều kiện, hoàn cảnh khác nhau, một số NCT lựa chọn sống tại các trung tâm chăm sóc NCT cũng là xu hướng thực tế. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện vẫn chưa có các trung tâm, đơn vị chuyên chăm sóc, nuôi dưỡng NCT. Mong rằng, Nhà nước và các cấp, ngành có cơ chế, chính sách huy động nguồn lực, khuyến khích các tổ chức, cá nhân xây dựng các trung tâm, dịch vụ chăm sóc NCT; tăng cường hơn những tổ chức xã hội, dịch vụ chăm sóc hướng đến NCT.

Trong xã hội Việt, NCT nói chung được xem là những người có tiếng nói, uy tín trong gia đình, cộng đồng. Việc phát huy vai trò NCT gắn với những phong trào, chương trình cụ thể, như: Gia đình ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo... Ở nhiều địa phương, NCT giữ vai trò nòng cốt trong gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Đặc biệt, phong trào XDNTM, đô thị văn minh ở các địa phương có sự tham gia, hưởng ứng tích cực của NCT. Trên địa bàn toàn tỉnh, với uy tín, tinh thần nhiệt tình, NCT đã vận động gia đình con cháu hiến đất, mở đường, đóng góp ngày công... Uy tín là “lợi thế” lớn của NCT mà tôi cho rằng, các địa phương cần phải nắm bắt, phát huy hơn nữa.

Chăm sóc NCT cần có sự yêu thương, thấu hiểu

Quan tâm, chăm lo cho người cao tuổi

PV: Có nhiều năm làm công tác xã hội, gắn bó với NCT, bà có thể chia sẻ kinh nghiệm của mình đối với việc quan tâm, chăm sóc NCT?

Bà Đỗ Thị Liên: Chăm sóc người già đã khó, chăm sóc người già tại Trung tâm Bảo trợ xã hội số 2 Thanh Hóa càng nhiều khó khăn hơn. Bởi mỗi người vào đây, dù là đối tượng bảo trợ xã hội hay đăng ký nuôi dưỡng tự nguyện đều có những hoàn cảnh riêng, rồi chuyện ốm đau, bệnh tật không thể tránh khỏi. Người xưa vẫn thường nói đời người hai lần trẻ con, khi người ta về già, “trái tính” hay “khi, dỗi” cũng là lẽ thường... gắn bó với công việc này, ngoài trách nhiệm, thì phải có tình yêu thương, sự thấu hiểu.

Người già thường “mặc cảm” bởi mình ốm đau, bệnh tật sợ “phiền” người khác. Vậy nên, khi chăm sóc, rất cần sự cẩn trọng, từ lời ăn tiếng nói đến thái độ hành xử. Với những người già cô đơn không nơi nương tựa, trước đó họ thường phải sống một mình, thiếu thốn tình cảm gia đình, người thân... nên khi vào đây họ có nhu cầu được giao tiếp, chuyện trò nhiều hơn... Tùy từng đối tượng, mà bản thân người làm công việc này phải có những kinh nghiệm, cách ứng xử khác nhau.

Với việc chăm sóc, phụng dưỡng NCT nói chung, theo tôi điều cần lưu tâm nhất vẫn là “lắng nghe, thấu hiểu và yêu thương”, thậm chí, đôi khi biết các cụ chưa đúng thì mình cũng phải “nói nịnh”, lựa lời giải thích. Hoặc nếu, họ có quá cố chấp, là con cháu có lẽ cũng không nên hơn, thua với ông bà, cha mẹ, người nhiều tuổi hơn mình. Người già không thích sự áp đặt, mệnh lệnh. Có nhiều NCT, chỉ vì con cái nói chuyện không khéo, mà các cụ giận, để bụng, lâu ngày sinh tâm bệnh. Suy cho cùng, cuộc đời ai rồi cũng phải già, có ai biết chắc khi về già, mình vẫn có thể minh mẫn?! Vậy nên, hãy dành sự quan tâm, cảm thông, yêu thương NCT nhiều hơn.

Nắm bắt tâm tư, nguyện vọng hội viên để xây dựng hội cơ sở phát triển

Quan tâm, chăm lo cho người cao tuổi

PV: Hội NCT phường Quảng Thành được đánh giá là một trong những hội cơ sở có hoạt động tích cực, hiệu quả. Xin bà chia sẻ những kết quả đạt được và kinh nghiệm lãnh đạo hội?

Bà Nguyễn Thị Việt: Tôi đã làm công tác Hội NCT phường Quảng Thành được 5 năm. Hội NCT phường Quảng Thành hiện có hơn 1.000 hội viên tham gia sinh hoạt. May mắn, nhờ sự nhiệt tình, tích cực của các hội viên, Hội NCT phường Quảng Thành nhiều năm qua luôn phát triển tốt các phong trào văn hóa, văn nghệ, CLB Liên thế hệ tự giúp nhau. Chúng tôi đã ra mắt "Chi hội NCT hạnh phúc" tại phố Thành Tráng. Bên cạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ, Hội NCT phường Quảng Thành còn đóng góp kinh phí, gây quỹ, tặng quà và hỗ trợ hội viên khó khăn vay vốn phát triển kinh tế, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống.

Đối với NCT nói chung, điều quan trọng là gia đình đầm ấm, vui vẻ, hạnh phúc, con cháu hiếu thảo. Tham gia sinh hoạt hội thì tinh thần phải thoải mái, mang lại niềm vui để sống khỏe, sống vui. Là một tổ chức hội hoạt động tự nguyện, nên trong quá trình làm công tác hội, tôi luôn cố gắng trò chuyện, nắm bắt tâm tình, nguyện vọng của hội viên. Không phải tất cả mọi đề xuất của hội viên mình đều có thể giải quyết. Tuy nhiên, người già nói chung, rất coi trọng ý kiến của mình được lắng nghe. Thông qua sinh hoạt hội, Hội NCT phường Quảng Thành cũng thường xuyên lồng ghép tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Và khi NCT đã đồng thuận thì việc vận động đến các gia đình, dòng họ, khu phố... cũng dễ dàng hơn.

Thu Trang (thực hiện)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]