(vhds.baothanhhoa.vn) - Đổi mới công tác đào tạo các tuyến năng khiếu và trẻ không chỉ để tạo nguồn vận động viên (VĐV) kế cận chất lượng cao cho giai đoạn phát triển mới, mà còn góp phần hiện thực hóa những mục tiêu, lộ trình chuyên nghiệp hóa bóng chuyền nữ Thanh Hóa trong tương lai.

Quan tâm, đầu tư cho công tác đào tạo vận động viên bóng chuyền trẻ

Đổi mới công tác đào tạo các tuyến năng khiếu và trẻ không chỉ để tạo nguồn vận động viên (VĐV) kế cận chất lượng cao cho giai đoạn phát triển mới, mà còn góp phần hiện thực hóa những mục tiêu, lộ trình chuyên nghiệp hóa bóng chuyền nữ Thanh Hóa trong tương lai.

Quan tâm, đầu tư cho công tác đào tạo vận động viên bóng chuyền trẻĐội tuyển trẻ Xi măng Long Sơn Thanh Hóa xếp hạng 5 tại Giải trẻ VĐQG và xếp hạng 4 tại Giải bóng chuyền trẻ Cúp các CLB quốc gia năm 2024.

Đào tạo trẻ chưa theo kịp xu thế

Bóng chuyền nữ Thanh Hóa đã có gần 2 thập kỷ góp mặt thường xuyên tại Giải vô địch quốc gia (VĐQG) – sân chơi cao nhất của bóng chuyền quốc nội. Trải qua nhiều giai đoạn phát triển, đội bóng chuyền nữ Thanh Hóa đã từng nhiều năm nằm trong top 4 tại giải VĐQG. Điều này đã khẳng định thế mạnh và tiềm năng phát triển của bóng chuyền nữ xứ Thanh.

Việc góp mặt tại giải VĐQG hàng năm còn mở ra cơ hội phát triển cho bóng chuyền nữ Thanh Hóa một cách toàn diện. Theo quy định của Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam, các đội bóng góp mặt tại giải VĐQG sẽ bắt buộc phải cử đội trẻ tham gia giải trẻ VĐQG và sau đó có thêm các giải trẻ khác trong năm, như: Giải bóng chuyền trẻ Cúp các CLB quốc gia và giải vô địch U23 quốc gia. Đây chính là sân chơi rất cần thiết và bổ ích dành cho các đội bóng dù ở giải VĐQG hay ở hạng A1 (hạng 2) quốc gia. Với hệ thống giải đấu cấp quốc gia được tổ chức hàng năm nói trên là cơ hội để các CLB bóng chuyền (nam – nữ) cử các lứa VĐV năng khiếu, trẻ được thi đấu, cọ xát, nâng cao kỹ - chiến thuật và tích lũy những kinh nghiệm thi đấu quý giá. Những cuộc sát hạch nói trên còn giúp các VĐV năng khiếu và trẻ phát huy hết khả năng, tài năng của mình, qua đó trưởng thành hơn về mọi mặt và trở thành những gương mặt trụ cột của đội bóng trong tương lai.

Ý nghĩa, tầm quan trọng của các sân chơi dành cho các đội trẻ nói trên là không phải bàn cãi, tuy vậy, trong nhiều năm, công tác đào tạo các tuyến VĐV trẻ của Thanh Hóa vẫn còn không ít bất cập và phần nào có khoảng thời gian bị tụt hậu so với mặt bằng chung của các đội bóng tham gia giải VĐQG và chưa đáp ứng yêu cầu thực tế... Điều này đã được thể hiện qua chất lượng các VĐV trẻ kế cận của đội bóng chuyền nữ Thanh Hóa giai đoạn từ 2019 đến nay còn thấp. Việc tuyển các VĐV trẻ đầu vào chưa có sự quan tâm, đầu tư tương xứng do vướng mắc ở cả yếu tố chuyên môn và những bất cập về cơ chế, chính sách với VĐV và đặc biệt là khó khăn về tài chính...

Dù đã nỗ lực “săn gà nòi”, tuyển sinh đủ số lượng VĐV cho các đội tuyến năng khiếu và tuyến trẻ (30 VĐV), đồng thời cử đội trẻ tham gia giải trẻ VĐQG, tuy nhiên thành tích của Thanh Hóa khá thấp, thường nằm ở nhóm cuối. Nguyên nhân là do không có lực lượng trẻ chất lượng, theo kịp xu thế trong nước, điều kiện tập luyện, tham gia tập huấn, thi đấu còn hạn chế, do đó, các VĐV trẻ của Thanh Hóa thường “non” hơn so với các bạn cùng trang lứa của các đội khác. Đây cũng là nguyên nhân khiến đội bóng chuyền nữ Thanh Hóa hầu như có rất ít những gương mặt trẻ kế cận nào đáng kể bổ sung cho đội 1. “Lỗ hổng” trong công tác đào tạo trẻ cũng là nguyên nhân khiến bóng chuyền nữ xứ Thanh phụ thuộc quá nhiều vào các cựu binh và có 2 năm liên tiếp (2019 và 2020) phải đấu trận play-off để tranh tấm vé với trụ lại Giải VĐQG. Các mùa giải khác, đội bóng chuyền nữ Thanh Hóa cũng rất vất vả để trụ hạng khi chỉ xếp thứ 7 - 8 chung cuộc. Thành tích của đội trẻ tham gia giải trẻ VĐQG cũng không khá khẩm hơn so với đội 1 khi chỉ nằm ở nhóm cuối.

Đổi mới, chuyên nghiệp hóa công tác đào tạo trẻ

Kể từ mùa giải năm 2023, bóng chuyền nữ xứ Thanh bắt đầu “bước sang trang mới” sau khi có nhà tài trợ Công ty Xi măng Long Sơn. Khi vấn đề về tài chính được cải thiện, đội bóng chuyền nữ Thanh Hóa một mặt dành sự đầu tư về lực lượng cả VĐV nội và ngoại, mặt khác đã xây dựng kế hoạch và chiến lược phát triển mới với trọng tâm là dành sự đầu tư trọng điểm, chất lượng cao cho công tác đào tạo các tuyến VĐV trẻ. Màn trình diễn ấn tượng ở giai đoạn II mùa giải năm 2023 và giai đoạn I mùa giải năm 2024 được xem là những tín hiệu tích cực với bóng chuyền nữ Thanh Hóa. Xi măng Long Sơn Thanh Hóa đã trụ hạng thành công ở mùa giải 2023 và đang thi đấu thăng hoa ở giai đoạn I mùa giải VĐQG năm 2024 với vị trí thứ 4 sau 5 lượt trận đầu tiên, qua đó có cơ hội lớn để giành huy chương. Điều đáng mừng là bên cạnh những ngoại binh có đẳng cấp, nội binh chất lượng được tăng cường từ thị trường chuyển nhượng, Xi măng Long Sơn Thanh Hóa đã có sự bổ sung 3 gương mặt triển vọng được đôn lên từ đội trẻ. Số VĐV này đã trải qua các giải trẻ những năm qua và đã được ban huấn luyện sàng lọc khá kỹ.

Bên cạnh đó, công tác đào tạo trẻ cũng đã có nhiều tiến bộ khi ban huấn luyện đã có nhiều đổi mới từ khâu tìm kiếm, tuyển chọn các VĐV năng khiếu từ các địa phương, các giải phong trào trong tỉnh, các giải học sinh của ngành giáo dục. Giáo án đào tạo VĐV trẻ cũng đã được chú trọng để theo kịp với xu thế và sự phát triển của bóng chuyền hiện nay, đồng thời không ngừng học hỏi từ các đội bóng mạnh, trung tâm đào tạo bóng chuyền mạnh nhất trong nước hiện nay. Bên cạnh đó, các VĐV đội trẻ cũng đã được thử sức với các “đàn chị” ở đội 1 và thi đấu tập huấn với các đội bóng ở nhiều cấp độ khác nhau. Đây được xem là nét mới và cũng là sự chuẩn bị của đội trẻ Xi măng Long Sơn Thanh Hóa tham gia các giải trẻ quốc gia năm 2024. Năm nay, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh đã cử đội bóng chuyền trẻ Xi măng Long Sơn Thanh Hóa tham gia 2 giải đấu quan trọng và thành tích thi đấu đã tiến bộ rõ rệt. Cụ thể, đội trẻ Xi măng Long Sơn Thanh Hóa xếp hạng 5 tại Giải trẻ VĐQG và xếp hạng 4 tại Giải bóng chuyền trẻ Cúp các CLB quốc gia. Đây được xem là bước chạy đà thuận lợi và là niềm động viên, khích lệ lớn với các VĐV trẻ của bóng chuyền nữ xứ Thanh, qua đó tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong năm 2025 và giai đoạn phát triển mới.

Tỉnh đã và đang xây dựng kế hoạch phát triển bóng chuyền nữ Thanh Hóa giai đoạn 2025-2030, trong đó trọng tâm là nâng cao chất lượng công tác đạo tạo VĐV các tuyến năng khiếu và trẻ để xây dựng lực lượng chất lượng cao theo hướng bền vững. Đây cũng là cơ sở để bóng chuyền nữ xứ Thanh bắt nhịp vào lộ trình chuyên nghiệp hóa mà Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam đang xây dựng trong giai đoạn 2023-2025. Các đội bóng chuyền năng khiếu và trẻ của Thanh Hóa sẽ tham gia đầy đủ các giải đấu trong hệ thống thi đấu quốc gia (3 giải) và một số giải đấu giao hữu, giải mời khác. Cùng với sự đầu tư cho đội 1 tham gia và phấn đấu giành thành tích cao tại Giải VĐQG, bóng chuyền nữ Thanh Hóa đang hướng tới mục tiêu nằm trong tốp đầu toàn quốc trong những năm tới.

Bài và ảnh: Mạnh Cường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]