Sách về danh họa Trần Văn Cẩn: Dòng chảy hội họa xuôi cùng lịch sử đất nước
Trong lời tựa viết cho sách, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt nam, họa sỹ Lương Xuân Đoàn viết: "Ông hồn hậu sống và vẽ, là người đồng hành thủy chung với số phận của dân tộc, của đất nước và bất cứ ai."
Họa sỹ Trần Văn Cẩn, tác giả của bức “Em Thúy” nổi tiếng vừa được vinh danh qua cuốn sách dày 213 trang có tên “Trần Văn Cẩn - Tác phẩm chọn lọc trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.”
Cuốn sách ra mắt sáng ngày 8/8 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, là bộ sưu tập lớn, dày dặn và có tính hệ thống về tranh Trần Văn Cẩn. Đi kèm tranh có các chia sẻ của chính ông, những người bạn cùng thời, những bài viết, đánh giá của báo chí, giới phê bình, giới mộ điệu đương thời. Sách do đội ngũ nghiên cứu của Bảo tàng Mỹ thuật thực hiện.
Trần Văn Cẩn sinh năm 1910, mất 1994, sống qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, gần như trọn vẹn với đất nước suốt thế kỷ 20. Ông sống giản dị và dấn thân. Phong cách, đối tượng, đề tài trong tranh Trần Văn Cẩn thay đôi theo dòng biến động của đất nước.
“Ban đầu Trần Văn Cẩn vẽ theo phong cách hiện thực lãng mạn hậu ấn tượng, sau này là hiện thực Xã hội chủ nghĩa,” Thạc sỹ Lê Quốc Huy, trưởng phòng Nghiên cứu sưu tầm của Bảo tàng thành viên ban biên soạn cho hay.
Một trang sách khái quát giai đoạn đầu trên tranh Trần Văn Cẩn. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Tranh “Thằng cu đất mỏ” (trái) và “Tát nước đồng chiêm” về đời sống người lao động. (Ảnh: Tư liệu)
Những đối tượng trong tranh của Trần Văn Cẩn chuyển từ nhân vật thành thị như “Em Thúy” hay “Thiếu nữ đọc sách” sang nông dân, công nhân, tầng lớp lao động nói chung như “Tát nước đồng chiêm” “Xuống đồng” hay “Thằng cu đất mỏ”... Tranh ông đều là những tác phẩm nổi bật trong thời kỳ của mình.
Hết kháng chiến chống Pháp, ông trở về Thủ đô làm hiệu trưởng Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (tiền thân là Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương), kế nhiệm Tô Ngọc Vân, người đã hy sinh trước đó vài tháng vì bị địch phát hiện đi làm nhiệm vụ gần chiến trường Điện Biên Phủ.
Sau thống nhất đất nước năm 1975, Trần Văn Cẩn tiếp tục đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ, hoạt động nhằm kết nối hội họa hai miền, phát triển hội họa chung của đất nước, mà không có nhiều thời gian sáng tác. Phần lớn tranh ông vẽ khi này chỉ mang tính “tốc ký,” phác họa hiện thực xung quanh mà chưa được hoàn thiện, song vẫn có nhiều người săn đón để sưu tầm.
Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, họa sỹ Lương Xuân Đoàn, cho rằng từ sớm, danh họa đã phát lộ bản lĩnh và phẩm chất người đứng đầu. Trong lời tựa viết cho sách, họa sỹ Lương Xuân Đoàn viết: "Ông hồn hậu sống và vẽ, là người đồng hành thủy chung với số phận của dân tộc, của đất nước và bất cứ ai."
Tranh “Em Thúy” - Bảo vật Quốc gia được trưng bày, bảo quản tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Sức vẽ của Trần Văn Cẩn dồi dào. Năm ông 70 tuổi (1980), Hội Mỹ thuật tổ chức triển lãm cho ông tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Bảo tàng khi đó ngỏ ý muốn mua lại 200 bức tranh của ông để lưu trữ, sưu tầm nhưng ông tỏ ý ngạc nhiên, khiêm tốn, nên bảo tàng giảm đề nghị xuống còn một nửa.
Tuy thế, danh họa Trần Văn Cẩn vẫn là tác giả có nhiều tranh nhất tại bảo tàng, theo giám đốc, Tiến sỹ Nguyễn Anh Minh. “Tranh của ông như khối tài sản giúp nâng tầm giá trị của bảo tàng,” ông Minh cho biết.
Tại buổi ra mắt sách, nhạc sỹ Paul Zetter (nguyên cán bộ Hội đồng Anh tại Việt Nam) cũng đã trao tặng sáng tác “Em Thúy’s Minuet” dựa trên cảm hứng từ bức tranh cùng tên của Trần Văn Cẩn cho bảo tàng. Sáng tác mang phong cách jazz, là bản độc tấu piano và là sự vinh danh của người nghệ sỹ quốc tế dành cho một danh họa Việt Nam./.
Trần Văn Cẩn sinh tại Hưng Yên, trong một gia đình trí thức, có cha làm công chức bưu điện. Ông yêu thích nghệ thuật một phần do ảnh hưởng từ mẹ chuyên nặn tò he, làm thủ công từ giấy, nan tre.... Niềm yêu thích của Trần Văn Cẩn với nghệ thuật bộc lộ từ sớm và được cha mẹ ủng hộ. Ông theo học vẽ đồ họa, thiết kế đồ gỗ từ giữa cấp 2 và sau là sinh viên khóa 7 tại Cao đẳng Mỹ thuật Đông dương. “Em Thúy” là tác phẩm nổi bật hàng đầu của Trần Văn Cẩn. Bức vẽ cô cháu ruột gái 8 tuổi (gọi Trần Văn Cẩn là cậu) được vinh danh là Bảo vật Quốc gia năm 2013. Đây cũng là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất đại diện cho hội họa chân dung Việt Nam thế kỷ 20, đến nay vẫn còn nhiều tác động và giá trị. Với những đóng góp của mình cho nền Mỹ thuật Việt Nam, họa sỹ Trần Văn Cẩn nhận nhiều giải thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước như Huân chương Lao động Hạng Nhất, được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I về văn học nghệ thuật năm 1996. |
Theo TTXVN
- 2024-10-10 14:02:00
70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô: Khẳng định bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam
- 2024-10-10 07:00:00
“Tiến về Hà Nội” - Niềm tin ấp ủ của những người con luôn hướng về Thủ đô
- 2024-08-08 13:47:00
Vĩnh Lộc thực hiện hiệu quả mô hình “Đám hiếu văn minh”
Giữ gìn giá trị văn hóa, lịch sử qua các sắc phong
Thừa Thiên-Huế: Gần 100 tỷ đồng tiếp tục tu bổ, tôn tạo lăng vua Tự Đức
Bàn về văn minh: Con đường đến với thế giới văn minh
Khúc tráng ca hào hùng tái hiện những ký ức về một “thời hoa lửa”
Phong trào UNESCO: Tạo kỷ nguyên mới cho công nghiệp văn hóa
Phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc Mường tỉnh Thanh Hóa
Xây dựng, phát triển văn hóa và con người Thanh Hóa trong thời kỳ mới
Từ “bóng” đến “gió”
Điểm về nguồn ý nghĩa trong dịp hè