Bánh cam Duyên – thứ quà quê độc đáo
Đi lên từ nghề làm bánh truyền thống của gia đình, nhờ áp dụng tư duy nhạy bén với thị trường, đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại, bà Lê Thị Hoa Dương, chủ cơ sở sản xuất bánh Đại Dương, thôn 1, xã Yên Thịnh (Yên Định) đã tạo ra sản phẩm Bánh cam Duyên thơm ngon, độc đáo và đang hướng đến xây dựng thành sản phẩm OCOP 3 sao.
Bánh cam Duyên là sản phẩm truyền thống, được áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Vì vậy, sản phẩm không chỉ giữ được hương vị truyền thống đặc trưng mà còn có sự “cách tân” nhằm phù hợp với nhu cầu, thị hiếu đa dạng của người tiêu dùng.
Từ những nguyên liệu truyền thống, như: bột gạo, đỗ xanh, dừa, vừng, qua quá trình sản xuất, cơ sở đã đúc rút kinh nghiệm và có những bí quyết riêng để tạo nên chiếc bánh thơm ngon, bắt mắt.
Bà Hoa Dương cho biết: “Nhãn hiệu Duyên là vừa có ý là duyên số, duyên phận vừa hàm nghĩa nét tròn đầy, duyên dáng của những chiếc bánh”.
Theo bà Hoa Dương kể lại, khoảng 10 năm về trước, trong một dịp đi đám cưới họ hàng, được thưởng thức loại bánh rán vừng thơm ngon, từ đó nảy ra ý tưởng mang hương vị độc đáo đó về sản xuất, quảng bá tại thị trường Thanh Hoá. Vốn có nghề làm bánh gia truyền, nên vừa làm gia đình bà vừa điều chỉnh nguyên liệu, hương vị để phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng trong tỉnh.
Trong thời gian ngắn, cơ sở sản xuất bánh Đại Dương của bà Lê Thị Hoa Dương đã làm ra những chiếc bánh nổi tiếng, chất lượng. Có được thành công đó, cơ sở rất cẩn trọng, kỹ lưỡng ở tất cả các khâu sản xuất, đặc biệt là tìm nguồn nguyên liệu sạch, an toàn từ thiên nhiên.
Mỗi ngày, cơ sở sản xuất và cung ứng hàng nghìn chiếc bánh được đưa ra thị trường. Đặc biệt, trong mùa cưới hỏi, cơ sở sản xuất bánh Đại Dương trở thành điểm cung cấp tin cậy, uy tín cho người tiêu dùng.
Cơ sở sản xuất nhiều loại bánh truyền thống, như: bánh răng bừa, bánh lá, bánh cam… nhờ đó tạo việc làm ổn định cho 5 lao động với thu nhập 5,5 triệu đồng/người/tháng. Riêng với sản phẩm Bánh cam Duyên, doanh thu bình quân khoảng 3-5 triệu đồng/ngày; vào mùa cưới, sản lượng và doanh thu có thể cao hơn nhiều lần.
Bà Lê Thị Hoa Dương, cho biết: “Trước kia, cơ sở chỉ sản xuất bánh theo phương thức thủ công truyền thống, mang đậm vị xưa và truyền thống của gia đình, địa phương. Nhưng cùng dòng chảy phát triển của thị trường, để một thương hiệu truyền thống tồn tại và phát triển, chúng tôi cũng luôn phải thay đổi từ công nghệ, bao bì, hình thức sản phẩm cho đến chất lượng để tạo nên nét riêng biệt. Sau hơn 10 năm phát triển, nhãn hiệu bánh cam Duyên đã được chứng nhận an toàn thực phẩm, được cấp mã số truy xuất nguồn gốc và trở thành sản phẩm cung ứng cho một số cửa hàng tiện ích, siêu thị mini trên địa bàn. Bên cạnh đó, các sản phẩm được tiêu thụ mạnh tại kênh truyền thống, nhà hàng, khách sạn”.
Ông Nguyễn Đăng Ngọc, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Định, cho biết: Sản phẩm bánh cam Duyên đã được sản xuất theo chu trình OCOP, không chỉ mang lại giá trị kinh tế, tạo việc làm cho người lao động mà còn góp phần gìn giữ, truyền tải và phát huy các giá trị văn hóa đẹp đẽ đến với người tiêu dùng. Chính vì vậy, huyện lựa chọn Bánh cam Duyên là một trong những sản phẩm đăng ký đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2022.
Ngọc Hoà
{name} - {time}
- 2023-03-13 08:26:00
Đặc sản dừa Hoằng Hóa
- 2023-03-04 10:51:00
Đậu phụ vàng Yên Hoành
- 2022-10-07 14:05:00
Chè Sánh Lược trên đất Vạn Lại xưa
Hiện thực hóa giấc mơ đưa cây sachi lên đồi dốc
Để lúa nếp Cay Nọi trở thành cây trồng chủ lực
Đa dạng sản phẩm công nghiệp nông thôn tại Hội chợ khu vực phía Bắc
Kinh nghiệm bước đầu của Thanh Hóa trong thực hiện chính sách hỗ trợ OCOP
Khẳng định thương hiệu gạo Thanh Hóa
Gạo tím Quê Nông thôn cơ hội cho người dân lựa chọn sản phẩm
Sôi động nghề chiếu cói Quảng Phúc
Men Quảng Xá
Hương bài Yên Cát