(vhds.baothanhhoa.vn) - Dọc triền đê ở ven sông Hoàng thuộc địa bàn xã Quảng Phúc (Quảng Xương) là những cánh đồng cói xanh mướt. Cói trải dài, mênh mông. Bao đời nay, người dân ở Quảng Phúc cần mẫn, chịu khó, “một nắng hai sương” chăm sóc ruộng cói và dệt nên những chiếc chiếu cói nổi tiếng. Song hành với sự phát triển của cây cói là sự sinh sôi nảy nở của cáy. Ở xã Quảng Phúc, cây cói và con cáy đã góp phần đem lại thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân nơi đây.

Câu chuyện “giữ chân” con cáy ở miền quê Quảng Phúc

Dọc triền đê ở ven sông Hoàng thuộc địa bàn xã Quảng Phúc (Quảng Xương) là những cánh đồng cói xanh mướt. Cói trải dài, mênh mông. Bao đời nay, người dân ở Quảng Phúc cần mẫn, chịu khó, “một nắng hai sương” chăm sóc ruộng cói và dệt nên những chiếc chiếu cói nổi tiếng. Song hành với sự phát triển của cây cói là sự sinh sôi nảy nở của cáy. Ở xã Quảng Phúc, cây cói và con cáy đã góp phần đem lại thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân nơi đây.

Câu chuyện “giữ chân” con cáy ở miền quê Quảng PhúcCói là cây trồng chủ lực ở xã Quảng Phúc.

Đặc sản mắm cáy

Những ngày này, người dân ở xã Quảng Phúc đang tích cực chăm sóc cây cói và cũng là thời điểm vào mùa cáy. Theo người dân nơi đây, cáy có quanh năm nhưng mùa cáy ngon nhất là từ tháng 2 đến tháng 7 âm lịch. Quảng Phúc là vùng quê chiêm trũng gắn liền với nghề sản xuất nông nghiệp, toàn xã có hơn 654 ha đất nông nghiệp, cây trồng chủ lực là cói và lúa. Ở đây chất đất màu mỡ, nguồn nước phù hợp cho cây cói phát triển, vì thế chất cói mềm, dẻo, dai hơn so với cây cói ở các vùng quê khác. Những năm qua, người dân Quảng Phúc tiếp tục cải tạo 20 ha cói sản lượng thấp, làm cỏ, chắm dặm và tiến hành chăm bón theo quy trình kỹ thuật cho cói phát triển. Đến nay tổng diện tích cói toàn xã là 378 ha, chiếm khoảng 64% diện tích đất sản xuất nông nghiệp, sản lượng cói hàng năm đạt 320 - 350 tấn.

Diện tích đất cói lớn là môi trường thuận lợi cho cáy sinh trưởng và phát triển. Cáy thuộc họ cua đất, được sản sinh từ lòng đất trên cơ sở môi trường chất đất, nguồn nước phù hợp. Cáy có nhiều loại, như cáy càng đỏ, cáy gió, cáy đen, cáy lông, trong đó ngon nhất là cáy càng đỏ. Loài đặc sản này thường sống trong hang các bờ ruộng hoặc bờ mương, bờ sông, nắng càng to thì cáy bò ra khỏi hang tìm thức ăn càng nhiều, nhưng hễ có tiếng động nhẹ là trốn vào hang, chúng chạy rất nhanh nên việc săn cáy không hề dễ dàng. Vào mùa cáy, trên những bờ ruộng cói, người dân đặt các ống, chai nhựa bên trong có mồi thơm để bẫy cáy. Để cáy sinh trưởng, phát triển tự nhiên, chính quyền địa phương cũng khuyến cáo người dân đánh bắt cáy có chọn lọc, tránh việc tận diệt, đồng thời chăm sóc cây cói đúng kỹ thuật, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ảnh hưởng đến môi trường sinh trưởng của cây cói và cáy.

Câu chuyện “giữ chân” con cáy ở miền quê Quảng PhúcCáy là đặc sản tại xã Quảng Phúc và gắn với sự sinh trưởng, phát triển của cây cói.

Hiện nay, 1 kg cáy tươi được các đại lý thu mua với giá khoảng 60.000 - 65.000 đồng. Gia đình chị Nguyễn Thị Thủy , thôn Liên Sơn đã có hơn 30 năm làm nghề thu mua cáy và làm mắm cáy. Mỗi năm gia đình chị thu mua hơn 10 tấn cáy để bán ra các tỉnh Nam Định, Hải Dương. Theo chị Thủy, thịt cáy ngọt và có tính lành, không gây dị ứng đối với những người mẫn cảm với hải sản. Với ưu điểm như vậy, người dân đã chế biến rất nhiều món ăn từ cáy và làm ra món mắm cáy thơm ngon. Nguyên liệu làm mắm cáy là cáy nguyên con và muối biển, được ủ trong chum, vại bằng sành, không sử dụng chất tạo màu hay các chất phụ gia khác nên luôn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và an toàn cho người tiêu dùng. Con cáy chọn làm mắm phải to, đang còn tươi sống, bóc yếm, rửa sạch, để ráo nước và trộn với muối theo tỷ lệ phù hợp. Công đoạn ủ mắm cũng phải đúng nhiệt độ, thời gian thì mắm cáy mới giữ được vị thơm mát, ngọt nhẹ và màu sắc.

Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm địa phương

Những năm trước đây, người dân trong xã chỉ biết dùng cáy và mắm cáy để phục vụ bữa ăn hàng ngày của gia đình với hình thức tự cung tự cấp. Những năm gần đây, không chỉ phục vụ trong đời sống gia đình, cáy và sản phẩm mắm cáy còn được người dân xã Quảng Phúc sản xuất với số lượng lớn, bán cho nhiều đối tượng khách hàng ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Hiện nay, Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp Quảng Phúc là cầu nối giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm đánh bắt được, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân trong xã. Bên cạnh đó, HTX đã tập trung cải tiến mẫu mã, kiểu dáng, chất lượng, bao bì đóng gói của sản phẩm chiếu cói, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, giới thiệu, quảng bá chất lượng sản phẩm chiếu cói của quê hương đến người tiêu dùng cả nước. Tại xã Quảng Phúc cũng đã thành lập thêm HTX sản xuất, kinh doanh và dịch vụ nông nghiệp thương mại Quảng Phúc và xây dựng cửa hàng trưng bày, mua bán, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa, trong đó có sản phẩm OCOP của xã Quảng Phúc như chiếu cói, mắm cáy.

Câu chuyện “giữ chân” con cáy ở miền quê Quảng PhúcSản phẩm mắm cáy Quảng Phúc được trưng bày tại cửa hàng trưng bày sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa của HTX sản xuất, kinh doanh và dịch vụ nông nghiệp thương mại Quảng Phúc.

Ông Hoàng Xuân Thi, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phúc cho biết: Xã hiện có 2.400 hộ, 9.436 khẩu, người dân chủ yếu làm nông nghiệp với cây trồng chủ lực là cây cói và cây lúa. Cùng với phát triển cây cói, xã Quảng Phúc thâm canh khai thác nguồn lợi thủy sản tự nhiên kết hợp trên đất trồng cói, trong đó khai thác cáy, rươi trên đất trồng cói. Thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2022 đạt 60 triệu đồng/người. Từ món ăn dân dã, mắm cáy Quảng Phúc trở thành sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh năm 2021. Năm 2022, chiếu cói Quảng Phúc được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Cùng với đó, 5/6 thôn trên địa bàn xã là Ngọc Đới, Ngọc Bình, Ngọc Nhị, Văn Giáo và Liên Sơn đã được UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành quyết định công nhận làng nghề truyền thống dệt chiếu cói. Đây là cơ sở và niềm tin để người dân tại các làng nghề chiếu cói tiếp tục gắn bó, gìn giữ và phát triển nghề, tiếp tục đa dạng hóa về mẫu mã, kích thước, nâng cao giá trị của sản phẩm chiếu cói Quảng Phúc, tạo việc làm, giúp cho nhiều hộ dân trên địa bàn có cuộc sống ổn định hơn.

Bài và ảnh: Ngọc Huấn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]