(vhds.baothanhhoa.vn) - Chè xanh - thức uống thân quen với người Việt từ bao đời. Vậy nhưng trong sự dân dã ấy, ở xứ Thanh lại có một giống chè nức tiếng xa gần bởi hương vị đặc biệt, đó là chè xanh Sánh Lược trên vùng đất Yên Trường - Vạn Lại xưa. Tìm về vùng đất cổ, thong thả nhấp ngụm chè xanh ấm nóng, ta có dịp lắng lòng mình trong câu chuyện kể về cây chè xanh và “huyền thoại” bà chúa Chè…

Chè Sánh Lược và chuyện bà chúa chè trên đất Yên Trường - Vạn Lại xưa

Chè xanh - thức uống thân quen với người Việt từ bao đời. Vậy nhưng trong sự dân dã ấy, ở xứ Thanh lại có một giống chè nức tiếng xa gần bởi hương vị đặc biệt, đó là chè xanh Sánh Lược trên vùng đất Yên Trường - Vạn Lại xưa. Tìm về vùng đất cổ, thong thả nhấp ngụm chè xanh ấm nóng, ta có dịp lắng lòng mình trong câu chuyện kể về cây chè xanh và “huyền thoại” bà chúa Chè…

Chè Sánh Lược và chuyện bà chúa chè trên đất Yên Trường - Vạn Lại xưaChè xanh Sánh Lược với đặc tính lá nhỏ, dầy, giòn và trồng trên các đồi thấp.

Chuyện kể... bà chúa Chè

Vạn Lại - Yên Trường là vùng đất cổ. Không chỉ bởi nơi đây là “kinh đô kháng chiến” chống nhà Mạc của nhà Lê Trung hưng trong cuộc chiến Nam - Bắc triều. Xa xưa hơn, vùng đất cổ đã có con người đến cư ngụ sinh sống. Theo truyền thuyết lưu truyền tại địa phương, từ thế kỷ thứ X, làng Yên Trường (nay thuộc Thọ Lập) đã có người họ Vũ làm gia tướng cho Dương Đình Nghệ chống giặc Nam Hán. Khi Vua Lê Hoàn lên ngôi, khởi binh đánh giặc Tống, thì ở chùa An Trường (Yên Trường) nhà sư Cự Lãm được thần linh mộng báo: “An Trường địa hiểm hữu thần linh/ Bảo quốc đăng phù thoái Tống binh” (được hiểu là An Trường đất tốt có thần linh/ Phù hộ Đại Việt đuổi Tống binh). Khi biết tin, Vua Lê liền thân chinh về chùa cầu khẩn thần linh phù trợ. Sau khi thắng trận trở về, liền phong thần và cho người dân địa phương lập đền thờ, các triều đại về sau cũng theo đó ban tặng sắc phong.

Phải chăng vì vùng đất địa linh, nên đến thời Lê Trung hưng, Vạn Lại - Yên Trường trở thành nơi “chứng kiến” một giai đoạn đầy biến động của lịch sử dân tộc. Vậy nhưng, đây cũng là “cơ duyên” để cây chè Sánh Lược vươn tầm trở thành đặc sản nức tiếng xa gần.

Theo sử liệu và lưu truyền dân gian, công chúa Mai Hoa là chị gái Vua Lê Thế tông. Khi Vạn Lại - Yên Trường còn là kinh đô kháng chiến của nhà Lê Trung hưng thì bà đã sát cánh cùng Vua Lê ở vùng đất này. Tại đây, một vị giáo sĩ người Bồ Đào Nha khi vào Thanh Hóa truyền đạo đã đến yết kiến Vua Lê Thế tông. Lúc bấy giờ, công chúa Mai Hoa đã cùng em trai nhiều lần gặp gỡ giáo sĩ. Mối tình giữa bà và vị giáo sĩ phương Tây đã dần nảy nở, tuy nhiên do quy định tôn giáo, mối tình đẹp đành dang dở. Về sau công chúa Mai Hoa đã trở thành người theo đạo. Vậy nhưng, công chúa Mai Hoa còn được người dân nhớ đến với tên gọi: Bà chúa Chè.

Trong thời gian tiếp xúc với những người phương Tây, công chúa Mai Hoa đã biết đến việc người nước ngoài sử dụng chè khô như thế nào, thậm chí bà còn nghĩ đến việc có thể “xuất khẩu” chè để đổi lấy tiền ra sao?! Dành nhiều trăn trở nghiên cứu về vùng đất cổ Vạn Lại - Yên Trường, nhà nghiêu cứu lịch sử Hoàng Hùng chia sẻ quan điểm: “Không ai biết cây chè xuất hiện ở vùng đất này khi nào. Song, công chúa Mai Hoa đã nhìn ra sự đặc biệt của giống chè tại đây, cùng với sự hiểu biết của mình, bà đã bỏ tiền đầu tư, vận động người dân nhân giống chè xanh trên vùng đồi núi thấp ở Vạn Lại - Yên Trường; cho người đào giếng lấy nước tưới chè… bà mong muốn chè có thể theo thuyền buôn sang nước ngoài. Dù về sau “khát vọng” của công chúa Mai Hoa không thành hiện thực nhưng bà được biết đến là người đã đưa cây chè trên vùng đất Vạn Lại - Yên Trường phát triển rực rỡ, quy mô lớn. Nhớ ơn người có công phát triển cây chè Sánh Lược, người dân địa phương đã lập đền thờ và suy tôn bà là bà chúa Chè. Ngày nay, ở làng Yên Trường xã Thọ Lập hiện vẫn còn dấu tích đền thờ bà cùng giếng nước năm xưa… Đó là những bằng chứng để chúng ta tin rằng, bà chúa Chè là nhân vật rất đời thực”.

Đến đặc sản chè xanh Sánh Lược

Kể chuyện về bà chúa Chè, người dân địa phương cũng tin rằng, nhờ tâm huyết và cả tiền bạc đầu tư của vị công chúa nhà Lê, mà một vùng đồi đất vốn cằn cỗi đã từng bước được phủ xanh. Và khi chè được trồng nhiều, số lượng lớn, dẫu chưa thể “xuất khẩu” như khát vọng của bà chúa Chè, thì việc trở thành một loại hàng hóa cũng là điều dễ hiểu.

Chè Sánh Lược và chuyện bà chúa chè trên đất Yên Trường - Vạn Lại xưaChè xanh Sánh Lược với hương vị đặc trưng nức tiếng xa gần, được người dân nhiều nơi yêu thích.

Vậy nhưng, tại sao lại là chè xanh Sánh Lược chứ không phải một tên gọi nào khác? Lý giải điều này, người dân trồng chè cho rằng, nó có thể xuất phát từ tên của hai chợ: chợ Lược (làng Lược, xã Thuận Minh) và chợ Sánh (làng Sánh hay làng Yên Trường, xã Thọ Lập). Trong đó, chợ Lược họp hàng ngày, quy mô nhỏ hơn chợ Sánh - một tháng 6 phiên. Cả hai chợ đều gần bến sông Chu, thuyền bè và người muôn phương đến buôn bán, trao đổi hàng hóa tấp nập. Và một trong những mặt hàng không thể thiếu ở chợ Sánh - Lược là chè xanh. Thứ chè lá vao, lá không xanh thẫm mà ngả sắc hơi vàng, lá dầy, giòn, pha nước uống đậm vị, lại có mùi hương đặc trưng… Chính vì thế, chè xanh ở chợ Sánh - Lược được người các nơi đặc biệt ưa thích. Từ đây, chè xanh Sánh Lược đã theo người đi muôn phương.

Dẫu cho, đã có những thời kỳ theo cách ví von của cố nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ là “bà chúa Chè” phải nhường chỗ cho “ông hoàng mía”, nhưng hơn cả một loại cây trồng, những vườn chè xanh Sánh Lược vẫn bền bỉ tồn tại, trở thành “gia sản” đời nối đời của người dân nơi đây.

Dẫn chúng tôi thăm vườn chè hơn 1.000 cây của gia đình, bà Hoàng Thị Lam thôn Phúc Bồi, xã Thọ Lập, cho biết: “Khác với nhiều cây trồng, không thể nhìn kích thước mà đoán tuổi chè, hãy nhìn vào những “vân mốc” và lớp vỏ ngoài của thân cây. Cây chè càng già thì càng nhiều vân mốc, lá dầy. Có những gốc chè chỉ bằng cổ chân người lớn nhưng đã có tuổi đến cả trăm năm. Và đặc biệt, chè càng lâu năm, uống càng ngon”. Từ vườn chè “gia sản” của gia đình, suốt bao năm qua, mỗi ngày bà Lam cũng như nhiều phụ nữ nơi đây vẫn cần mẫn lựa hái từng lá chè xanh đem xuống chợ Sánh bán, dẫu không nhiều nhưng sau mỗi buổi chợ, cũng đủ tiền cho bà trang trải cuộc sống gia đình.

Chè xanh Sánh Lược nhiều người ưa thích nên dễ mua, dễ bán, chỉ dăm nghìn đã có thể mua túi chè về uống vài ngày. Dù không nhiều, nhưng người thôn quê cứ chăm chỉ chăm sóc vườn chè của gia đình nên không sợ nghèo, sợ đói. Chè Sánh Lược vốn ngon nổi tiếng, nhưng chè ngon nhất khi trồng trên vườn đồi tráng nắng, tránh trồng chè ở những nơi rậm rạp, có bóng cây che. Chè Sánh Lược cũng dễ tính như con người lao động lam lũ, chỉ cần xáo cỏ, vun gốc, đến mùa thì “tấp” vào ít gốc rạ là đủ. Nếu bỏ phân hóa học, sẽ cho lá chè to nhưng uống không còn ngon, rễ cây cũng sẽ phát triển không bền… chè Sánh Lược thơm ngon nức tiếng nên người phương xa mỗi lần về đất Vạn Lại - Yên Trường không quên mang theo túi lá chè xanh làm quà.

Nhìn nhận về cây chè xanh Sánh Lược trên đất Vạn Lại - Yên Trường xưa, ông Nguyễn Xuân Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân, cho biết: “Chè xanh Sánh Lược thơm ngon nổi tiếng đã trở thành “thương hiệu” lưu truyền trong dân gian, đó là lợi thế rất lớn. Đặc biệt, chè xanh Sánh Lược lại gắn liền với vùng đất cổ, việc phát triển để cây chè Sánh Lược vươn tầm là điều cần thiết. Vì thế, huyện Thọ Xuân thời gian qua đã định hướng cho các địa phương từng bước khôi phục và có kế hoạch phát triển vùng chè bền vững, để chè Sánh Lược có thể trở thành sản phẩm hàng hóa thực sự”.

Bài và ảnh: Thu Trang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]