(vhds.baothanhhoa.vn) - Thanh Hóa hiện có 76 sản phẩm OCOP cấp tỉnh (56 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, 20 sản phẩm đạt OCOP 4 sao). Ngoài tổ chức các cuộc xúc tiến thương mại, hội chợ, nhiều cửa hàng đã được khai trương, góp phần quảng bá, giới thiệu, đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng.

Đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng

Thanh Hóa hiện có 76 sản phẩm OCOP cấp tỉnh (56 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, 20 sản phẩm đạt OCOP 4 sao). Ngoài tổ chức các cuộc xúc tiến thương mại, hội chợ, nhiều cửa hàng đã được khai trương, góp phần quảng bá, giới thiệu, đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng.

Đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng

Chị Nguyễn Thị Lan Anh, chủ cơ sở Đông y Quang Anh bên sản phẩm OCOP trong dịp tham gia hội chợ tại TP Sầm Sơn.

Hành trình đạt “Sao” sản phẩm OCOPThanh Hóa

Cơ sở Đông y Quang Anh, xã Quảng Khê (Quảng Xương) có 2 sản phẩm: Ngâm chân Mộc Việt và Lá xông cảm lạnh đã được công nhận đạt chất lượng OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2019. Chủ cơ sở – chị Nguyễn Thị Lan Anh, trải lòng: "Để có được 2 sản phẩm đạt OCOP, tôi đã trải qua hành trình dài tìm hiểu, nghiên cứu các bài thuốc dân gian sử dụng hoàn toàn thuốc lá nam. Hơn 10 năm miệt mài, sản phẩm thảo dược bào chế từ các loại thuốc lá nam được đông đảo người tiêu dùng đón nhận.

Để có được những sản phẩm hoàn toàn tự nhiên, ngoài nguyên liệu dễ kiếm trong vùng, như bồ công anh, tía tô, lá lốt, lá sả, nhiều cây thuốc hiếm: Sa nhân, kỷ tử, kim ngân hoa... đã được chị Lan Anh thu mua bào chế, chiết xuất ra các sản phẩm đặc trị. Thuốc được nghiền, cho vào túi lọc, tiện lợi cho khách hàng sử dụng.

Nhờ có nguồn gốc tự nhiên, an toàn và hiệu quả, sản phẩm thảo mộc được khách hàng trong, ngoài tỉnh đón nhận. Đặc biệt, Ngâm chân Mộc Việt và Lá xông cảm lạnh là 2 sản phẩm khá hoàn hảo, phù hợp với thể trạng của đa số người sử dụng, được khách hàng đón nhận, đánh giá cao.

Chè lam Phủ Quảng của cơ sở Lâm Thu, phố 3, thị trấn Vĩnh Lộc (Vĩnh Lộc) cũng là sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2019. Chủ cơ sở, chị Đỗ Thị Thu, cho biết: Để có được sản phẩm chè lam giòn, có mùi thơm nếp cái hoa vàng, bùi của lạc rang, cay dịu của gừng, ngọt ngào, đậm đà của mật mía, cơ sở Lâm Thu đã tuân thủ quy trình chế biến, từ lựa chọn nguyên liệu, đến sơ chế, chế biến, đóng gói, đầu tư hệ thống máy móc hiện đại, cho ra đời sản phẩm chè lam Phủ Quảng ngon nhất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì vậy, sản phẩm của cơ sở Lâm Thu được đông đảo khách hàng trong tỉnh, trong nước đón nhận.

“Nước mắm Lê Gia - cốt đặc biệt” và “Mắm tôm Lê Gia” của Công ty TNHH Thực phẩm và thương mại dịch vụ Lê Gia vinh dự đạt OCOP 4 sao cấp tỉnh, đang được tỉnh Thanh Hóa đề nghị công nhận OCOP 5 sao quốc gia. Nói về hành trình đạt sao sản phẩm OCOP, anh Lê Anh, Giám đốc Công ty, đồng thời là chủ nhân của 2 sản phẩm, chia sẻ: “Bắt tay làm nghề mắm, hành trang chỉ là con số “0” tròn trĩnh, nhưng tình yêu và lòng đam mê với nghề mắm truyền thống là động lực giúp tôi tìm hướng đi riêng phát triển nghề mắm truyền thống quê mình”.

Sau khi lặn lội tới nhiều làng nghề làm mắm nổi tiếng như Phú Quốc, Phan Thiết... và thử nghiệm các cách làm khác nhau, Lê Anh quyết định chọn nguyên liệu làm nước mắm đó là cá cơm tươi và muối tinh khiết được lưu trữ ít nhất 1 năm. Những nguyên liệu này được ủ trong thùng gỗ bời lời theo phương pháp nén gài truyền thống. Sau 2 năm ủ, không sử dụng hương liệu, phẩm màu và chất bảo quản, những giọt nước mắm màu hổ phách, hậu vị thanh, mùi thơm dịu, hoàn toàn tự nhiên mang thương hiệu Lê Gia ra đời. Các sản phẩm của nước mắm Lê Gia: Nước mắm - cốt đặc biệt, nước mắm cho bé, mắm tôm, mắm tép và mắm kho quẹt ngày càng được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đón nhận.

Trên đây chỉ là 5 trong số 76 sản phẩm được công nhận OCOP cấp tỉnh đến thời điểm hiện tại. Dù hành trình đạt sao của mỗi sản phẩm OCOP khác nhau, nhưng tất cả đều hướng đến mục tiêu chung đó là cho ra đời những sản phẩm chất lượng tốt nhất, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng.

Cách nào để sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng

Để sản phẩm OCOP đến đông đảo người tiêu dùng, ngoài đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức hiểu biết của người dân về sản phẩm, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới Thanh Hóa còn phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng 7 gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP (5 điểm ở TP Thanh Hóa, 1 điểm ở thị trấn Nga Sơn (Nga Sơn) và 1 điểm ở phường Hải Hòa (thị xã Nghi Sơn).

Cửa hàng Thành Đạt, tại số 72, Lê Thế Sơn, Tiểu khu 1, phường Hải Hòa (thị xã Nghi Sơn) là điểm thứ 7 được khai trương vào tháng 1-2021. Chị Nguyễn Thị Trà My, chủ cửa hàng cho biết: Cửa hàng của chị hiện đang trưng bày, giới thiệu và bán 60/76 sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Khách đến mua hàng trực tiếp tại đây không nhiều nhưng đặt hàng qua facebook, zalo rất đông với mặt hàng chủ yếu là gạo của Công ty Sao Khuê (Đông Sơn), miến dong Cẩm Bình (Cẩm Thủy) và các loại trái cây... Điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP tại số 91 Nguyễn Chí Thanh, phường Đông Thọ (TP Thanh Hóa) khai trương tháng 8-2020. Chị Nguyễn Yến Chi, nhân viên gian hàng này cho biết: Sản phẩm OCOP được trưng bày ở đây chủ yếu thuộc nhóm lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và thời trang của 26 doanh nghiệp trên địa bàn. Đến nay các gian hàng trưng bày, quảng bá sản phẩm đã có hàng ngàn lượt người tham quan.

Đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùngLãnh đạo thị xã Nghi Sơn thăm gian hàng OCOP Thành Đạt nhân dịp khai trương gian hàng.

Không chỉ giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP qua xây dựng gian hàng, công tác xúc tiến thương mại cũng luôn được coi trọng. Nhờ tích cực tham dự các hội chợ, gian hàng trưng bày sản phẩm được tổ chức trong tỉnh và các thành phố lớn, từ năm 2019 đến nay, sản phẩm OCOP Thanh Hóa được đông đảo người tiêu dùng trong nước biết đến. Thông qua các hội chợ, tham dự gian hàng OCOP do bộ, ngành, địa phương tổ chức, nhiều sản phẩm đã có mặt và được bán rộng rãi ở các tỉnh, thành: Hà Nội, Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Lạng Sơn... Đặc biệt, từ hội thảo “Giới thiệu tiềm năng, cơ hội thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm OCOP sang thị trường Đông Bắc Á” do Sở Công Thương tổ chức, nhiều sản phẩm có cơ hội vươn ra thị trường thế giới, thậm chí đã tìm được chỗ đứng ở nhiều nước như: “Nước mắm Lê Gia - cốt đặc biệt” và “Mắm tôm Lê Gia” có mặt ở 5 quốc gia và vùng lãnh thổ: Nga, Nam Phi, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản; Ống hút tre của Công ty TNHH VIBABO (xã Tân Thành, Thường Xuân) được tiêu thụ ở Thụy Sỹ, Thụy Điển, Mỹ; đồ thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm từ cói của Công ty Việt Anh có mặt tại 64 siêu thị ở Hoa Kỳ; thảo dược của Đông y Quang Anh đã được bán tại thị trường Mỹ, Nhật, Trung Quốc...

Dù đã có mặt ở thị trường trong tỉnh, trong nước và vươn ra thị trường thế giới, song sản phẩm OCOP vẫn chưa phải là sản phẩm thông dụng của nhiều người tiêu dùng Thanh Hóa. Một phần do sản phẩm chưa phải là sản phẩm đại trà, hơn nữa giá thành cao và việc tuyên truyền, quảng bá để người tiêu dùng biết được sản phẩm OCOP vẫn đang còn hạn chế. Ông Bùi Công Anh, Phó chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Để nâng cao sức tiêu thụ cho các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2025, mỗi huyện, thị xã, thành phố cần xây dựng ít nhất một điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá, xây dựng hình ảnh, thương hiệu, nhằm đẩy mạnh tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, sản phẩm công nghiệp nông thôn.

Bài và ảnh: Minh Xuyên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]