(vhds.baothanhhoa.vn) - Ở xã miền núi Yên Lạc (Như Thanh) ngoài nghề nông, người dân còn có nghề truyền thống làm miến dong riềng. Do sản xuất và buôn bán nhỏ lẻ ở địa phương, miến dong nơi đây chưa được nhiều người biết đến. Với mong muốn khôi phục lại nghề truyền thống đang dần bị mai một, HTX dịch vụ nông nghiệp xã Yên Lạc đã nghiên cứu, sáng tạo sản phẩm miến dong riềng mang đặc trưng riêng.

Làng nghề miến dong riềng Yên Lạc

Ở xã miền núi Yên Lạc (Như Thanh) ngoài nghề nông, người dân còn có nghề truyền thống làm miến dong riềng. Do sản xuất và buôn bán nhỏ lẻ ở địa phương, miến dong nơi đây chưa được nhiều người biết đến. Với mong muốn khôi phục lại nghề truyền thống đang dần bị mai một, HTX dịch vụ nông nghiệp xã Yên Lạc đã nghiên cứu, sáng tạo sản phẩm miến dong riềng mang đặc trưng riêng.

Làng nghề miến dong riềng Yên LạcÔng Phạm Công Bảo, giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Yên Lạc bên sản phẩm miến dong được chế biến từ củ cây dong riềng.

Xã Yên Lạc hiện có 2.400 ha đất tự nhiên, trong đó diện tích đất màu trên 366 ha chủ yếu là đất đỏ bazan, rất phù hợp đối với cây dong riềng. Những năm qua, địa phương đã tuyên truyền, vận động bà con tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển diện tích cây dong riềng, tạo nguồn nguyên liệu cho sản xuất miến dong trên địa bàn, đồng thời để phát triển thương hiệu miến dong Yên Lạc thành sản phẩm hàng hóa chính của địa phương.

Nhằm tạo thương hiệu riêng, sản phẩm miến dong Yên Lạc sản xuất 100% là tinh bột, được chế biến từ củ dong riềng trồng tại địa phương. Miến dong Yên Lạc không sử dụng hàn the, không pha trộn các loại bột khác và không sử dụng hóa chất để tẩy trắng. Miến ra khuôn được phơi nắng trên các giàn tre để không bị giòn, gãy. Sợi miến nhỏ có màu trong hơi xám, khi nấu sợi dẻo, mềm, dai, không nát, có vị thơm ngon của dong riềng.

Qua nhiều năm nghiên cứu, tìm tòi, ông Phạm Công Bảo, giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Yên Lạc đã chế biến, tạo ra những sợi miến ngon, bảo đảm chất lượng, an toàn cho sức khỏe. Ngay từ khâu trồng dong riềng, HTX đã áp dụng quy trình trồng theo phương pháp hữu cơ, vừa nâng cao năng suất lại bảo đảm chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng.

Theo ông Bảo, để quản lý tốt các vùng nguyên liệu, các thành viên trong HTX thường xuyên sát sao, hướng dẫn các hộ dân làm đúng quy trình từ khâu chọn đất, chọn giống đến khâu thu hoạch. Các hộ trồng cây dong riềng cũng tham gia quá trình kiểm tra, giám sát, học hỏi lẫn nhau về kỹ thuật trồng, từ đó cho ra những sản phẩm chất lượng, bảo đảm nguồn nguyên liệu sạch. Đồng thời, chú trọng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm miến dong Yên Lạc, sản phẩm được đóng gói bao bì bắt mắt, đăng ký mã số, mã vạch, có tem truy xuất nguồn gốc chứng nhận chất lượng sản phẩm và đăng ký bán trên các trang thương mại điện tử. Năm 2021, sản phẩm miến dong Yên Lạc được công nhận sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao của tỉnh.

Làng nghề miến dong riềng Yên LạcNghề làm miến dong tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động ở xã Yên Lạc.

Ông Bảo cho biết: Năm 2022, HTX nhập hơn 250 tấn nguyên liệu, làm ra khoảng 22 tấn sản phẩm miến dong, tạo việc làm cho gần chục lao động địa phương với thu nhập bình quân 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Hiện sản phẩm được phân phối tại các đại lý, các chợ lớn, điểm kinh doanh trong huyện, tỉnh và cung cấp đi các địa phương khác như: Hà Nội, Đồng Nai, Kon Tum… Trong những năm tới, HTX dịch vụ nông nghiệp Yên Lạc tiếp tục đẩy mạnh chế biến miến dong theo hướng hàng hóa, mở rộng quy mô trồng dong lên 25 ha; từng bước đầu tư công nghệ hiện đại trong sản xuất gắn liền với yếu tố bảo vệ môi trường, mở rộng quy mô kho xưởng, bể lắng lọc, sân phơi, phấn đấu trong năm 2023 sản xuất 50 tấn sản phẩm. Bên cạnh đó, HTX cũng đề ra chính sách hỗ trợ đối với những hộ nông dân mở rộng diện tích, tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao giá trị nông sản, ổn định đầu ra và tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân của xã, góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội địa phương.

Ông Lê Xuân Chinh, Chủ tịch UBND xã Yên Lạc, cho biết: Hiện nay, nhờ áp dụng khoa học công nghệ, đưa máy móc vào sản xuất để nâng cao năng suất, người dân đã có thêm nguồn thu nhập ổn định từ nghề làm miến. Cho dù có những cải tiến nhất định nhưng người dân luôn ý thức giữ gìn phương thức sản xuất truyền thống của cha ông, để nghề truyền thống vẫn phát triển trong đời sống hiện đại. Địa phương đã ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trong đó, đặc biệt quan tâm đến cơ chế thưởng trong xây dựng nông thôn mới và các chủ thể có sản phẩm OCOP. Đồng thời, vận động người dân chuyển đổi những diện tích đất trồng màu kém hiệu quả sang trồng cây dong riềng, hỗ trợ 50% tiền giống sản xuất để ổn định diện tích cây dong riềng.

Bài và ảnh: Viết Trung



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]