(vhds.baothanhhoa.vn) - Phát huy thế mạnh về thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn lao động dồi dào, trong những năm qua huyện Như Xuân đã đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai, khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đồng thời hỗ trợ kết nối, quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản cho các hộ sản xuất nông nghiệp.

Mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản

Phát huy thế mạnh về thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn lao động dồi dào, trong những năm qua huyện Như Xuân đã đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai, khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đồng thời hỗ trợ kết nối, quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản cho các hộ sản xuất nông nghiệp.

Mở rộng thị trường tiêu thụ nông sảnHạt mắc ca sấy khô của HTX Mắc ca Damia Thành Phát (thôn Vân Hòa, xã Cát Vân) được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2023.

Như Xuân được ví như “vựa” cây ăn quả của cả tỉnh, vì có hơn 70% diện tích cây ăn quả được trồng theo hướng tập trung, chuyên canh, như: cam, bưởi, xoài, ổi, thanh long... cùng nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, có chất lượng, đã và đang dần tạo dựng thương hiệu trên thị trường (chè, gà đồi, mắc ca, măng khô...). Với tiềm năng đó, thời gian qua, huyện đang nỗ lực thực hiện các chương trình, dự án, hỗ trợ đưa các hộ sản xuất nông nghiệp đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử như: postmart.vn, voso.vn và các sàn giao dịch thương mại điện tử hợp pháp khác để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thêm các kênh phân phối mới, mở rộng thị trường ra bên ngoài tỉnh. Tính đến hết tháng 5/2023, Như Xuân có 16 sản phẩm đạt OCOP 3 sao (cam đường canh Như Xuân, cam Xã Đoài Như Xuân, bưởi diễn Thành Công, ổi lê Như Xuân, gà đồi Năm Dung, chè Thanh Vân, mắc ca Damia Thành Phát...). Các sản phẩm được huyện hỗ trợ thực hiện xúc tiến thương mại thông qua hội chợ triển lãm, trưng bày của tỉnh; trên các website, bày bán rộng rãi trong cả nước bằng hình thức trực tiếp hoặc qua sàn thương mại điện tử. Qua khảo sát, doanh số sản phẩm sau khi được công nhận OCOP tăng trưởng bình quân từ 10 – 15%. Nhiều sản phẩm tạo dựng uy tín đối với người tiêu dùng, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Bên cạnh đó, huyện cũng tích cực mở rộng diện tích các loại cây trồng chủ lực, hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp, HTX cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển vùng nguyên liệu sản xuất tập trung phục vụ chế biến và xuất khẩu. Từng bước tạo điều kiện cho các hộ sản xuất nông nghiệp làm chủ về công nghệ, xây dựng các sản phẩm dựa trên nền tảng công nghệ số, từ đó tạo ra các sản phẩm mang thương hiệu.

Mở rộng thị trường tiêu thụ nông sảnNhiều mặt hàng nông sản ở huyện Như Xuân được bày bán, trưng bày, quảng bá ở các hội chợ, phiên chợ hàng Việt.

Sau thời gian dài tìm hiểu, nghiên cứu về những loại cây trồng mới trên vùng đất đồi, năm 2014 anh Đỗ Trọng Học (thôn Vân Hòa, xã Cát Vân) mạnh dạn đến trung tâm giống cây trồng ở Ba Vì (Hà Nội) mua gần 400 cây mắc ca về trồng thử nghiệm. Cùng năm đó, anh thành lập HTX Mắc ca Damia Thành Phát. Sau 9 năm kiên trì, miệt mài chăm sóc loại cây trồng mới này, đến nay HTX đã mở rộng quy mô với 16 thành viên, diện tích trên 40 ha cây mắc ca. Đồng thời, liên kết với các hộ sản xuất chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, đồng thời thu mua, bao tiêu sản phẩm. Năm 2023, sản phẩm hạt mắc ca sấy khô đã xây dựng thành sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường trong và ngoài tỉnh.

Mở rộng thị trường tiêu thụ nông sảnCây chè được xem là cây “xóa đói, giảm nghèo” ở huyện Như Xuân trong tương lai.

Trong vài năm trở lại đây, xác định cây chè mang lại nguồn thu nhập chính cho các hộ dân, giúp bà con thoát nghèo bền vững, huyện Như Xuân đã triển khai Đề án “Phát triển vùng chè nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030". Năm 2022, diện tích cây chè trên địa bàn là 152,4 ha, trồng tập trung chủ yếu ở các xã Cát Tân, Cát Vân, Hóa Qùy, Bình Lương... Ðể nâng cao giá trị sản phẩm, huyện tăng cường triển khai, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Trên cơ sở quy hoạch vùng nguyên liệu chè, định hướng chế biến chè truyền thống ở các nhà máy chế biến hiện đại có công nghệ tiên tiến, nhằm tạo ra sản phẩm chè có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết, chuyển giao công nghệ chế biến chè nguyên liệu giữa doanh nghiệp, nhà máy với các cơ sở thu mua, sơ chế quy mô nhỏ tại địa phương... Có chính sách hỗ trợ cho mỗi hộ trồng chè 15 triệu đồng/ha, phần nào đã đáp ứng được tiền giống, giảm chi phí cho các hộ trồng chè.

Ông Lê Tiến Đạt, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Như Xuân, cho biết: Thời gian tới, huyện sẽ tích cực đẩy mạnh, hình thành mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ, tạo tiền đề cho chuỗi liên kết, cung ứng nông sản, thực phẩm phát triển bền vững. Tìm cách phù hợp hỗ trợ các cơ sở, chủ thể chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển sản xuất. Phối hợp các đơn vị, địa phương triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm chất lượng, an toàn, đạt các tiêu chuẩn OCOP; tìm kiếm thị trường thông qua các kỳ hội chợ, phiên chợ hàng Việt.

Bài và ảnh: Trung Lê



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]