(vhds.baothanhhoa.vn) - Với khí hậu quanh năm mát mẻ, đất trồng màu mỡ, không ô nhiễm, nguồn nước suối sạch và đủ ánh sáng tự nhiên, những năm gần đây, trên địa bàn xã Lũng Cao (Bá Thước) ngày càng xuất hiện nhiều mô hình sản xuất rau hữu cơ, góp phần đem lại thu nhập và giá trị cho cả cộng đồng.

Sản xuất rau, quả hữu cơ ở Lũng Cao

Với khí hậu quanh năm mát mẻ, đất trồng màu mỡ, không ô nhiễm, nguồn nước suối sạch và đủ ánh sáng tự nhiên, những năm gần đây, trên địa bàn xã Lũng Cao (Bá Thước) ngày càng xuất hiện nhiều mô hình sản xuất rau hữu cơ, góp phần đem lại thu nhập và giá trị cho cả cộng đồng.

Sản xuất rau, quả hữu cơ ở Lũng CaoMô hình sản xuất rau hữu cơ tại xã Lũng Cao (Bá Thước) đang góp phần tạo việc làm, thu nhập cho bà con.

Chúng tôi tìm về Lũng Cao, một trong những xã khó khăn thuộc vùng lõi của Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông ngày đầu tháng 7, nếu trước đây việc đi lại, giao thương buôn bán rất bị hạn chế do địa hình đồi núi hiểm trở, thì nay với sự quan tâm của Nhà nước, của tỉnh, đặc biệt là tuyến đường tỉnh 521B chạy qua tạo diện mạo mới cho các thôn, bản trong xã. Đặc biệt, ở các thôn Son, Bá, Mười, nhờ lợi thế về nguồn nước, đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, người dân chú trọng đẩy mạnh trồng các loại rau, củ, quả an toàn, từ đó góp phần tạo việc làm, tăng thêm nguồn thu nhập.

Trước đây, anh Bùi Văn Bản (thôn Mười) chỉ trồng ít rau quanh nhà phục vụ nhu cầu của gia đình, mấy năm gần đây lượng du khách tham quan, nghỉ dưỡng tại các điểm du lịch Pù Luông tăng đột biến, anh mạnh dạn cải tạo vườn đồi, trồng thử nghiệm một số rau, củ, quả, tùy thuộc mùa vụ theo hướng hữu cơ, không sử dụng phân bón hóa học, không thuốc trừ sâu, chất kích thích trên tổng diện tích gần 5.000m2 để cung cấp ra thị trường. Theo anh Nhân, trồng rau theo hướng này năng suất không cao, dễ sâu bệnh, nhưng bù lại có rau sạch, không gây ô nhiễm môi trường. Rau sau khi thu hoạch được bán cho các homestay quanh vùng chế biến thức ăn cho khách du lịch, cũng như cung cấp cho hệ thống các chợ trong huyện.

Sản xuất rau, quả hữu cơ ở Lũng CaoVườn mướp đắng của homestay Son Bá Mười Ecolodge ở thôn Son, xã Lũng Cao.

Thôn Mười cách trung tâm xã chừng hơn 10km, là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào Thái với 252 nhân khẩu. Do khí hậu quanh năm mát mẻ, dễ chịu, người dân tập trung vào trồng trọt với các loại cây trồng chính như: ngô, cam, quýt, ít lúa nương. Ngoài ra, còn nuôi thêm trâu, bò, lợn, gà, vịt. Đặc biệt, mô hình trồng rau hữu cơ được triển khai từ nhiều năm nay, không chỉ phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong gia đình mà còn là sản phẩm cung cấp cho các điểm du lịch, chợ trong huyện. Các loại rau sản xuất ở đây chủ yếu là su su, bắp cải, súp lơ, mướp đắng, bí, bầu... Tuy chỉ trồng nhỏ lẻ trong dân cư, sản xuất với quy mô, diện tích chưa lớn, nhưng đây được xem là hướng đi tiềm năng trong phát triển kinh tế của bà con. Những sản phẩm rau hữu cơ tại đây luôn chiếm được lòng tin của người tiêu dùng bởi chất lượng sản phẩm tốt hơn, an toàn bởi ít sử dụng các loại hóa chất bảo vệ thực vật, sản xuất ra tiêu thụ thuận lợi.

Theo ông Ngân Văn Đức, trưởng thôn Son, cho biết: Việc trồng rau hữu cơ khá đơn giản, nhà nào cũng có thể trồng được, chỉ cần khâu làm đất kỹ, chăm sóc cẩn thận và gieo đúng thời vụ thì thành công. Vậy nên, không chỉ ở thôn Mười, các thôn Son, Bá với sự cần cù, chịu khó, người dân không ngại lật từng tảng đá, xới từng tấc đấc để trồng rau, phục vụ sinh hoạt và cung cấp ra thị trường. Toàn thôn có khoảng gần 21.000m2 trồng đủ các loại rau như: su su, rau cải, cà chua bi, ớt... Mùa nào thức nấy, rau sạch ở thôn Son cung ứng hàng chục tấn ra thị trường mỗi năm. Vụ đông xuân có dưa chuột, su hào, súp lơ, bắp cải, vụ hè thu thì có su su, mướp đắng, mướp hương. Đặc biệt, trong các dịp tết nhu cầu thực phẩm tăng cao, giá bán mỗi loại rau, củ, quả cũng tăng từ 2.000 - 3.000 đồng/kg, thu nhập người dân vì vậy cũng ổn định.

Sản xuất rau, quả hữu cơ ở Lũng CaoVườn su su xanh mướt của người dân ở thôn Son, xã Lũng Cao.

Anh Bùi Doanh, quản lý homestay có tên Son Bá Mười Ecolodge ở thôn Son, chia sẻ: Do khó khăn về giao thông cùng cơ sở vật chất, việc phát triển du lịch cộng đồng nơi đây vẫn còn nhiều thách thức. Tuy vậy, với vẻ đẹp thiên nhiên cùng điều kiện khí hậu đặc biệt, thôn Son hứa hẹn sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn trong tương lai không xa. Nắm bắt điều này, cùng với phát triển các loại hình dịch vụ ăn nghỉ, homestay còn phát triển mô hình trồng rau hữu cơ với đầy đủ loại theo mùa vụ. Vườn rau không chỉ cung cấp thực phẩm cho khách du lịch mà còn cung cấp nông sản sạch cho thị trường. Hiện nay, homestay còn triển khai trồng thêm bồ công anh, tía tô, mướp đắng rừng... để chế biến làm sản phẩm trà bán ra thị trường.

“Trong những năm qua, trên địa bàn xã đã xuất hiện nhiều cá nhân, tổ chức tham gia sản xuất rau, củ, quả hữu cơ, trải dài ở các thôn, trong đó tập trung chủ yếu ở Son, Bá, Mười bởi đặc thù điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tốt. Dù vậy, việc sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, tự phát trong dân cư nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Nhằm xây dựng vùng chuyên canh rau hữu cơ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thị trường, góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân, góp phần bảo vệ môi trường trong tương lai, trước mắt, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích các hộ dân duy trì diện tích trồng rau màu, đồng thời liên hệ, phối hợp các phòng, ban chuyên môn của huyện chuyển giao, hỗ trợ khoa học - kỹ thuật, đấu mối tìm kiếm thị trường đầu ra để bao tiêu sản phẩm cho bà con...”, ông Hà Xuân Ban, Bí thư Đảng ủy xã Lũng Cao (Bá Thước) cho biết.

Bài và ảnh: Trung Lê



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]