(vhds.baothanhhoa.vn) - Luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn, nguy hiểm thường trực khi trực tiếp chăm sóc, điều trị bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS, nhưng bằng tình thương, trách nhiệm, những người thầy thuốc vẫn ngày đêm tận tụy, hy sinh, âm thầm, cống hiến trong cuộc chiến chống lại căn bệnh thế kỷ.

Sát cánh cùng bệnh nhân, chiến đấu với căn bệnh thế kỷ

Luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn, nguy hiểm thường trực khi trực tiếp chăm sóc, điều trị bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS, nhưng bằng tình thương, trách nhiệm, những người thầy thuốc vẫn ngày đêm tận tụy, hy sinh, âm thầm, cống hiến trong cuộc chiến chống lại căn bệnh thế kỷ.

Sát cánh cùng bệnh nhân, chiến đấu với căn bệnh thế kỷBác sĩ Lê Trí Tuệ, Trưởng Khoa khám và Điều trị HIV, CDC Thanh Hóa.

Nhắc đến HIV/AIDS, ai cũng có suy nghĩ là cần đề phòng hoặc tránh xa, nhưng đối với những cán bộ y tế chuyên trách chăm sóc, điều trị về căn bệnh này vẫn từng ngày, từng giờ sát cánh cùng bệnh nhân, thầm lặng chiến đấu với căn bệnh thế kỷ. Là người nhiều năm công tác, điều trị bệnh nhân HIV/AIDS, hơn ai hết bác sĩ Lê Trí Tuệ, Trưởng Khoa khám và Điều trị HIV thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Thanh Hóa là người thấu hiểu sự vất vả trong nghề. Anh cho biết: “Trước đây sự kỳ thị đối với người nhiễm HIV là rất lớn, bây giờ đã khác rồi, nhận thức của người dân được nâng lên, các đối tượng có nguy cơ bị lây nhiễm HIV/AIDS cao, phụ nữ mang thai đã tự nguyện đi xét nghiệm máu; người bị nhiễm HIV/AIDS đã chủ động đi điều trị ARV, người dân đã hiểu rõ, đồng cảm, chia sẻ với người bệnh, gia đình người nhiễm”.

Bác sĩ Lê Trí Tuệ chia sẻ thêm: “Khoa khám và điều trị HIV hiện có 850 bệnh nhân, họ đến từ nhiều vùng miền trong tỉnh, trong số những người bệnh này có người từng lầm lỡ, có người tiền án tiền sự, có người không biết nguyên do từ đâu mình bị nhiễm… Tiếp xúc hàng ngày với bệnh nhân mang trong mình căn bệnh thế kỷ, không chỉ bản thân tôi, mà những y, bác sĩ chỉ cần sơ suất một chút là có thể dễ phơi nhiễm bệnh. Vậy nên, các trường hợp xử lý thăm khám điều trị đặc biệt là phẫu thuật phải đảm bảo những quy trình nghiêm ngặt về mặt chuyên môn, vừa đáp ứng yêu cầu an toàn cho người bệnh cũng như cho nhân viên y tế và cho cộng đồng”.

Chia sẻ về chuyện đời, chuyện nghề, chị Nguyễn Thị Nguyệt Ánh, điều dưỡng trưởng, Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) bộc bạch: Ban đầu khi chuyển sang công việc này, chị cũng có phần e ngại tiếp xúc với bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân nặng chuyển sang giai đoạn AIDS. Đối với đội ngũ nhân viên y tế, nỗi băn khoăn, trăn trở nhất là nguy cơ lây nhiễm từ bệnh nhân. Nhiều khi sơ suất trong lúc cấp cứu, trợ giúp cùng bác sĩ không may anh chị em bị kim tiêm đâm vào tay, sau đó họ phải làm các thủ tục, xét nghiệm, rồi uống thuốc phơi nhiễm… để phòng bệnh.

Hơn 20 năm công tác ở khoa bệnh nhiệt đới, sau nhiều lần tiếp xúc, chứng kiến sự vật vã, đau đớn do bệnh tật cùng với những nỗi lo sợ của bệnh nhân HIV/AIDS, chị Ánh đã nỗ lực, quan tâm chăm sóc bệnh nhân và gắn bó với công tác phòng, chống HIV/AIDS cho đến bây giờ. Đã quá quen với nghề, bất kể ngày hay đêm, cứ có chuông điện thoại reo là chị Ánh lại bận rộn với công việc tư vấn tâm lý, giúp đỡ bệnh nhân uống thuốc đều đặn, hướng dẫn, cấp thuốc dự phòng. Theo chị, những người nhiễm HIV/AIDS thường có rất nhiều nỗi lo sợ. Họ sợ mắc bệnh như là cái chết đã được báo trước, gia đình bỏ rơi, bạn bè, hàng xóm xa lánh, kỳ thị, phân biệt đối xử...

Sát cánh cùng bệnh nhân, chiến đấu với căn bệnh thế kỷChị Nguyễn Thị Nguyệt Ánh, Điều dưỡng trưởng, Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa tỉnh).

Sinh năm 1989, nhưng bác sĩ CKI Nguyễn Văn Sơn, Phó trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã có thâm niên 10 năm trong việc điều trị bệnh nhân có nguy cơ lây nhiễm cao, trong đó có HIV/AIDS. Theo chia sẻ của anh Sơn, do mang nặng tâm lý tự ti, e ngại, sợ thái độ kỳ thị vì bị phân biệt đối xử, họ không dám tiết lộ tình trạng của bản thân, né tránh việc xét nghiệm, trì hoãn, thậm chí từ chối khi được đưa vào chăm sóc và điều trị. Hiện khoa có 3 bệnh nhân nặng đang được điều trị nội trú. Ngoài việc hướng dẫn, tư vấn cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân về cách chăm sóc, phòng chống lây nhiễm bởi có nhiều bệnh nhân vừa nghiện ma túy vừa nhiễm HIV, cơ thể suy kiệt, sinh lực yếu ớt, không thể tự phục vụ, anh Sơn còn liên hệ thường xuyên với đội ngũ cộng tác viên cộng đồng quan tâm đời sống từng bệnh nhân HIV/AIDS, giúp họ tháo gỡ khó khăn trong cuộc sống.

Anh Nguyễn Đăng Tùng, Trưởng Khoa Phòng chống HIV, CDC Thanh Hóa cho biết, toàn tỉnh hiện có trên 4.536 người nhiễm HIV/AIDS còn sống được quản lý, điều trị. Trung bình, hàng năm phát hiện từ 180 – 200 trường hợp nhiễm bệnh trong cộng đồng, phân bố rải rác ở tất cả các huyện, thị, thành phố. Trong những năm qua, Sở Y tế đã chủ động phối hợp và đôn đốc các ngành, địa phương triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Cùng với đó, hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi phòng, chống HIV/AIDS đã được triển khai rộng khắp trên địa bàn tỉnh… Từ đó, nâng cao chất lượng chăm sóc, điều trị và quản lý bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS, góp phần giảm số người bị lây nhiễm trong cộng đồng.

Đối với đội ngũ y tế điều trị, chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS, họ phải chịu nhiều áp lực về phía gia đình, bạn bè, người bệnh chửi bới, hành hung, tấn công trong lúc thăm, khám. Tuy vậy, thấm nhuần lời căn dặn của Bác Hồ: “Lương y phải như từ mẫu”, họ tâm niệm việc chăm sóc người bệnh cũng như người nhà của mình, do đó luôn ân cần, niềm nở, nhiệt tình, thân thiện khi tiếp xúc với bệnh nhân và người nhà người bệnh.

Bài và ảnh: Trung Lê



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]