(vhds.baothanhhoa.vn) - Sau 18 ngày thi đấu với sự tham gia của 12.400 vận động viên (VĐV) đến từ 11 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, SEA Games 32 (2023) đã chính thức khép lại tối 17-5-2023 với vị trí xếp hạng nhất chung cuộc của Đoàn Thể thao Việt Nam.

Kỳ SEA Games đại thắng của đoàn thể thao Việt Nam

Sau 18 ngày thi đấu với sự tham gia của 12.400 vận động viên (VĐV) đến từ 11 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, SEA Games 32 (2023) đã chính thức khép lại tối 17-5-2023 với vị trí xếp hạng nhất chung cuộc của Đoàn Thể thao Việt Nam.

Kỳ SEA Games đại thắng của đoàn thể thao Việt Nam

Đây không phải lần đầu tiên Việt Nam giành ngôi quán quân tại một kỳ đại hội thể thao lớn nhất khu vực nhưng là lần đầu tiên chúng ta xếp hạng nhất trong tư thế không phải chủ nhà. Hai lần Việt Nam “vô đối” ở sân chơi SEA Games trước đó (2003, 2019) đều là những lần chúng ta đứng ra đăng cai, ít nhiều không thể tránh khỏi điều tiếng rằng nước chủ nhà tận dụng ưu thế của mình để đưa các môn thế mạnh, đặc thù vào lịch thi đấu (mà thực ra nước chủ nhà nào cũng vậy)… Còn lần này, chúng ta về nhất trong sự tâm phục, khẩu phục của các đoàn tham dự: về nhất khi “đem chuông đi đánh xứ người”, tức về nhất khi không có những lợi thế trong tay, khi nước chủ nhà Campuchia bỏ nhiều nội dung thi đấu vốn là thế mạnh của thể thao Việt Nam. Không những thế, so với thành tích đề ra ban đầu trong ngày xuất quân là 120 Huy chương Vàng (HCV), chúng ta đã vượt chỉ tiêu gần 20 HCV. Thành tích mà đoàn Việt Nam đạt được lần này cho thấy sự lớn mạnh và ổn định của một nền thể thao. Từ top 2, top 3, đây là lần đầu đoàn thể thao của chúng ta xếp thứ nhất khi không phải chủ nhà.

Xếp lần lượt sau Đoàn Thể thao Việt Nam trong top 3 ở SEA Games này là Thái Lan, Indonesia. Nước chủ nhà Campuchia tuy không có mặt trong top 3 chung cuộc nhưng cũng cho thấy sự tranh thủ tối đa những lợi thế của mình để “gặt” tới gần 100 HCV. Con số này quả là “ghê gớm” nếu chúng ta biết nó gần gấp 3 lần những gì Đoàn Thể thao Lào đạt được khi xứ sở Triệu Voi là nước chủ nhà của SEA Games 25 (2009). Đoàn Lào lúc đó “chỉ” giành được 32 HCV.

Trong thành tích chung của Đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 32, không thể không nhắc đến thành tích riêng của những tập thể và cá nhân tiêu biểu. Về tập thể, đó là thành tích lần thứ 8 vô địch Đại hội Thể thao Đông Nam Á (trong đó có lần thứ 4 liên tiếp) của đội tuyển bóng đá nữ quốc gia. Càng đáng nói hơn khi trong 8 lần đội tuyển bóng đá nữ giành HCV, có tới 6 lần HLV Mai Đức Chung ngồi ghế HLV trưởng. Ông Chung cũng là người sẽ cùng các cầu thủ tham gia WORLD CUP bóng đá nữ được tổ chức sau đây ít lâu. Ở đội tuyển bóng đá nữ hôm nay, người ta có thể thấy được sự đoàn kết, khát khao cống hiến cũng như bề dày truyền thống và sự tiếp nối của các lớp cầu thủ. Bên cạnh Huỳnh Như đã thành danh, đang thi đấu ở ngoại quốc (Bồ Đào Nha) là sự chắc chắn, ngày càng chững chạc của Hoàng Thị Loan. Ngoài sự vươn lên mạnh mẽ của Hoàng Thị Loan thì Nguyễn Thị Thanh Nhã cũng cho thấy cô là một “ngôi sao đang lên”, gợi lại hình bóng của tiền đạo đàn chị Văn Thị Thanh ở SEA Games 22 (2003) ngày nào…

Về cá nhân, những gì mà 2 nữ VĐV Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Thị Huyền đạt được là rất đáng ghi nhận nếu không muốn nói đó là những thành tích tốt nhất từ trước đến nay ở sân chơi khu vực của thể thao Việt Nam, cũng là thành tích tốt nhất của một VĐV điền kinh Đông Nam Á. Nguyễn Thị Oanh lần đầu tiên trong sự nghiệp giành được tới 4 HCV cá nhân tại 1 kỳ SEA Games và cũng là VĐV điền kinh Việt Nam đầu tiên lập kỷ lục này. Tấm HCV đầu tiên Oanh giành được ở nội dung 5.000m, sau đó cô liên tiếp giành 2 HCV 1.500m và 3.000m vượt rào nữ (hai nội dung thi đấu chỉ cách nhau 20 phút). Ở ngày thi đấu cuối cùng điền kinh tại SEA Games 32, nữ VĐV người Bắc Giang giành thêm tấm HCV ở đường chạy 10.000m.

Không chịu kém cạnh “đàn em”, Nguyễn Thị Huyền - người đã “về làm dâu sông Mã” cách đây hơn nửa thập niên, một “huyền thoại sống” của điền kinh Việt Nam cũng giành được 3 HCV tại SEA Games 32, trong đó có 1 HCV cá nhân 400m rào nữ, 1 HCV nội dung đồng đội 4x400m tiếp sức hỗn hợp và 1 HCV 4x400m tiếp sức đồng đội nữ.

Cần phải nói thêm, Nguyễn Thị Oanh năm nay mới 28 tuổi. Cô đã tham dự 5 kỳ SEA Games, giành được 13 huy chương, trong đó có 12 HCV và 1 HCB; còn Nguyễn Thị Huyền (30 tuổi) từng có thời gian phải rời xa đường chạy để lập gia đình, sinh con, nhưng với tình yêu lớn lao dành cho điền kinh, “bà mẹ một con” này đã trở lại. Cô có 6 lần tham dự Đại hội Thể thao Đông Nam Á (từ năm 2011), giành được tổng cộng 15 huy chương (13 HCV, 2 HCB và 1 HCĐ). Tại SEA Games 32, cả Nguyễn Thị Oanh (12 HCV SEA Games cá nhân) và Nguyễn Thị Huyền (13 HCV cả nội dung cá nhân và đồng đội) đều phá kỷ lục mà Triyaningsih (Indonesia) đang nắm giữ. Trước khi có sự bùng nổ của Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Thị Huyền thì Triyaningsih là VĐV nữ điền kinh giành nhiều HCV nhất tại SEA Games (11 HCV). Nguyễn Thị Huyền ở SEA Games 32 đã chính thức là kỷ lục gia của SEA Games với 13 HCV. Cả Oanh và Huyền đều chưa có ý định giải nghệ nên chắc chắn, ít nhất 2 năm tới, tại SEA Games 33 trên đất Thái Lan, 2 nữ VĐV này hoàn toàn có thể nâng cao bảng thành tích cá nhân.

Đương nhiên, kỳ SEA Games 32 sẽ trọn vẹn hơn nữa với Đoàn Thể thao Việt Nam nếu đội bóng đá U22 nam quốc gia không thất bại trong trận bán kết trước U22 Indonesia (đội sau đó giành chức vô địch) song chừng đó cũng là quá đủ để chúng ta nói về một kỳ SEA Games đại thắng!

THANH HÀ



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]