Sự tích các thành hoàng làng Thăng Long - Hà Nội
Thành hoàng là danh từ chung để chỉ vị thần tối linh của làng xã được dân chúng thờ phụng. Thành hoàng còn được gọi là phúc thần, tức vị thần ban phúc cho dân làng. Đa số sự tích về thành hoàng làng là những truyền thuyết, huyền thoại được Bộ Lễ sao chép lại và triều đình phong kiến công nhận, cho phép dân làng thờ phụng. Cuốn sách: “Sự tích các thành hoàng làng Thăng Long - Hà Nội” của PGS.TS Đỗ Thị Hảo, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội chính là một cửa ngỏ để thế hệ hôm nay và mai sau hiểu hơn về những mảnh hồn cư dân Thăng Long - Hà Nội trong sự hòa đồng với thiên nhiên, với xã hội nhân quần, hòa đồng ở không gian tâm linh, huyền thoại.
Có lẽ nhiều người còn chưa biết rằng, Hà Nội là nơi có nhiều đình, đền, miếu, mạo nhất trong cả nước với niên đại cổ kính hàng 500-700 năm nhưng vẫn được bảo tồn, gìn giữ cho đến ngày nay.
Cuốn sách được biên soạn, giới thiệu hơn 130 sự tích các thành hoàng, đó là những vị được rất nhiều nơi thờ phụng như Linh Lang Đại vương, Cao Sơn Đại vương; cùng các vị khác như Thánh Gióng, Phùng Hưng, Chử Đồng Tử, các nữ tướng của Hai Bà Trưng...
Đúng là mảnh đất: “Rồng bay” thấm đẫm biết bao huyền thoại, mang đậm dấu ấn văn hóa thông qua hệ thống các di tích, các đình đền, miếu mạo bởi lớp lớp những câu chuyện cũ xưa. Chính lòng biết ơn xen lẫn niềm tự hào về vị thánh làng mình đã tạo nên một thứ tình cảm thiêng liêng đeo đẳng mọi người suốt cả cuộc đời không thể lãng quên.
Sách được tác giả biên soạn lưu ý tới các vị thành hoàng được thờ tự các di tích có giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, được nhà nước xếp hạng như đền Phù Đổng, đền Cổ Loa, đình Tây Đằng, Đình Tường Phiêu... Ở mỗi sự tích, tác giả đều khai thác những nghi lễ, những nét độc đáo trong lễ hội thờ thần. Tất cả đều nhằm tái hiện, tôn vinh công trạng của các thành hoàng. Vì đây chính là di sản văn hóa do cha ông ta để lại từ ngàn năm, để hình thành nên bản sắc văn hóa riêng có của Việt Nam nói chung và Thăng Long - Hà Nội nói riêng.
Ở mỗi sự tích, trước phần nội dung, tác giả công trình có ghi rõ nơi thờ tự theo địa danh. Ví dụ, ở tích về Bản thổ Thành hoàng, nơi thờ tự là Thành hoàng làng Phú Gia, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ. Tích xưa kể lại, Đại vương vốn là thổ thần. Năm Nhâm Tuất 722, thứ sử Trương Hoán Phụng phụng mệnh đi tuần thú nước Nam. Nhân dừng lại tìm hiểu về Tô Lịch và Lý Tổ (Lý Cầm), thấy cảnh đẹp muốn xây dựng cung quán, rồi mộng thấy thổ thần báo mộng, phù trợ hoàn tất công trình. Vậy là, quán Khai Nguyên đã ra đời. Trải qua nhiều triều đại, quán linh thiêng gọi là Già La. Có viên quan đô hộ Đỗ Thiện đã ghi ghép sự tích về thần có công hộ đê bảo vệ dân lành khỏi thiên tai lũ lụt. Hiện Đình làng Phú Gia đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Có những con người nổi tiếng trong sử sách và giờ xuất hiện trong vai trò Thành hoàng làng như Chu Văn An - Thành hoàng làng Văn Thôn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì. Nơi Chu Văn An mở trường học - làng Huỳnh Cung, sau khi ông mất, một học trò làm quan trong triều đã dựng đền thờ thầy ngay trên trường cũ.
Như vậy để thấy trong quan niệm tín ngưỡng tâm linh của người Việt Nam nói chung, người Hà Nội nói riêng, các bậc tiền nhân, nhân thần, thiên thần, thổ thần, các vị danh nho, nghĩa sĩ hào kiệt: họ đã được sinh ra ở mảnh đất này, có công lớn lao khai sơn phá thạch, hộ đê, khởi binh chống giặc, tạo nghề hay chăm lo sự nghiệp giáo dục đào tạo, thì muôn đời người Việt mãi biết ơn. Họ đã hóa thân vào sông núi, cỏ cây và đi vào tiềm thức, kính ngưỡng của bao thế hệ người Việt.
Chuyện xưa kể lại vẫn còn nguyên tính thời sự. Cha ông ta ngàn đời qua đã dựng xây nên vùng đất này, khởi tạo nên quốc gia này. Hồn cốt ấy, khí phách ấy của mảnh đất rồng bay vẫn cần tiếp tục kể mãi cho con cháu ngàn đời sau. Những câu chuyện thấm đẫm huyền thoại, huyền tích. Có lẽ không cần biết có bao nhiêu phần trăm trong các sự tích ấy là sự thật, song có một sự thật duy nhất mãi đúng: Người Việt - người Hà Nội nơi mảnh đất rồng thiêng nghìn năm hội tụ trọng nghĩa tình. Tín ngưỡng thờ thần hoàng làng đã quyện hoà với tinh thần yêu nước, lòng kính trọng biết ơn tiền nhân tiên tổ.
Nguyễn Hường (CTV)
{name} - {time}
-
2024-11-21 09:06:00
Trao giải các tiết mục xuất sắc nhất Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024
-
2024-11-21 09:04:00
Xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới với Óc Eo-Ba Thê
-
2024-09-13 13:22:00
Khắc đi... Khắc đến - Bản lĩnh vững vàng của một người từng trải
Những người con của bản Mông góp phần xóa bỏ hủ tục trong tang ma
Khai mạc Hội nghị Công viên địa chất toàn cầu UNESCO châu Á-Thái Bình Dương
Lễ hội Chá Mùn đón nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia trong tháng 10/2024
“Mai” của Trấn Thành vượt “Đào, phở và piano” giành giải Cánh diều Vàng 2024
Thực hành gieo trồng hạnh phúc
Cho nhau chân nào?
Công viên địa chất Lạng Sơn được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO
Trao tình yêu, niềm tự hào tiếng Việt và văn hóa Việt tới các thế hệ kiều bào
Hậu Lộc đẩy mạnh xây dựng đời sống văn hóa