Sức hấp dẫn từ du lịch lòng hồ xứ Thanh
Vài năm trở lại đây, du lịch lòng hồ đã và đang khẳng định được sức hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tham gia. Một số địa phương, đơn vị làm du lịch trong tỉnh đã quan tâm, đầu tư khai thác phát triển đa dạng sản phẩm du lịch lòng hồ. Từ đó, góp phần làm đa dạng hóa, tạo thêm sản phẩm du lịch “níu chân” du khách.
Du khách tham quan trên lòng hồ sông Mực (Vườn Quốc gia Bến En). Ảnh: Nguyễn Đạt
Hồ Cửa Đạt (Thường Xuân) là hồ thủy lợi, kết hợp với thủy điện được đánh giá là một trong những công trình đồ sộ, hiện đại nhất của ngành thủy lợi Việt Nam. Hồ nằm ở vùng hợp lưu của sông Chu và sông Khao, có lưu lượng dòng chảy lớn tạo thành một vùng mặt nước với gần 3.000ha xen giữa núi, rừng tạo ra một vùng cảnh quan đẹp khó nơi nào có được. Tận dụng tiềm năng, lợi thế đó, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Xuân Liên đã và đang khai thác có hiệu quả sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng. Tham gia loại hình du lịch này, du khách sẽ trải nghiệm hoạt động du thuyền trên lòng hồ Cửa Đạt để thưởng ngoạn vẻ đẹp non nước hữu tình, không khí mát mẻ của hồ nước xanh mát, khám phá, tìm hiểu Khu BTTN Xuân Liên, nơi có hệ động, thực vật phong phú, đa dạng. Du khách cũng được khám phá những ngọn núi cao gần 1.000m như Pù Rinh, Pù Gió, Pù Tà Lèo quanh năm sương mù bao phủ, được tham quan, ngắm thác Thiên Thủy, thác Hón Yên còn giữ được vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ, nước đổ xuống quanh năm, mát về mùa hè và ấm vào mùa đông.
Để thúc đẩy du lịch phát triển, hiện nay tại lòng hồ Cửa Đạt đã có 9 thuyền phục vụ khách du lịch, mỗi thuyền chở được từ 20 - 25 du khách. Trong đó, có 2 thuyền do Công ty Du lịch sinh thái hồ Cửa Đạt quản lý, 2 thuyền do Khu BTTN Xuân Liên quản lý, còn lại là thuyền của các hộ dân. Theo ước tính, số lượng khách tham gia du thuyền mỗi năm tại lòng hồ Cửa Đạt chiếm khoảng 80% lượng khách đến Khu BTTN Xuân Liên.
Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả phát triển du lịch, cũng như đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của du khách, Ban Quản lý Khu BTTN Xuân Liên đã xây dựng Đề án “Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng Khu BTTN Xuân Liên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Trong đó định hướng sẽ tiếp tục xây dựng một số tuyến du lịch để khai thác, phát huy tiềm năng du lịch từ lòng hồ Cửa Đạt như: Tuyến du lịch ngược dòng sông Chu (tham quan trải nghiệm vườn thực vật, du thuyền ngược dòng sông Chu ngắm cảnh hồ Cửa Đạt, thăm, trải nghiệm hoạt động bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học cùng kiểm lâm tại Trạm Kiểm lâm Sông Khao, Trung tâm cứu hộ động vật bán hoang dã Sông Khao và Trạm Kiểm lâm Hón Mong); tuyến du lịch dã ngoại thác Hón Yên (tham quan trải nghiệm mô hình trình diễn rừng, du thuyền ngắm cảnh hồ Cửa Đạt, dã ngoại ngắm cảnh, tắm suối thác Hón Yên)... Từ đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu như Đề án đã đề ra, đó là phấn đấu đến năm 2030, Khu BTTN Xuân Liên thu hút được hơn 110.000 lượt khách du lịch, trong đó có khoảng 10.000 lượt khách quốc tế.
Du khách tham quan lòng hồ Pha Đay (Quan Hóa). Ảnh: Hoài Anh
Hồ Yên Mỹ cũng là một trong những hồ nước ngọt lớn nhất tỉnh Thanh Hóa, nằm trên địa bàn các huyện Nông Cống, Như Thanh và thị xã Nghi Sơn. Thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho khu vực hồ Yên Mỹ cảnh quan núi non, sông nước hữu tình, khí hậu ôn hòa, xa xa là những cánh rừng xanh biếc ngút ngàn xen lẫn những thung lũng tự nhiên, các triền đồi thoai thoải... tạo nên một không gian khoáng đạt, đẹp tựa bức tranh sơn thủy hữu tình. Tận dụng tiềm năng, thế mạnh đó, người dân sinh sống quanh khu vực lòng hồ đã đầu tư trồng sen, nuôi cá lồng vừa để tăng thu nhập lại góp phần tạo cảnh quan sinh động, hấp dẫn cho vùng lòng hồ, vừa đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của du khách. Ngoài ra, cũng có một số hộ dân đầu tư thuyền dịch vụ và xây dựng các khu dịch vụ ăn uống quy mô nhỏ để phục vụ khách du lịch tham quan quanh lòng hồ. Để du lịch ở lòng hồ Yên Mỹ ngày càng phát triển, UBND tỉnh đã có Quyết định số 4613/QĐ-UBND phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Khu Du lịch sinh thái hồ Yên Mỹ, Khu Kinh tế Nghi Sơn với quy mô khoảng 1.660ha. Khu vực nghiên cứu bao gồm cả phần diện tích hồ Yên Mỹ khoảng 2.800ha. Với tính chất là phát triển khu du lịch tham quan, nghiên cứu hệ sinh thái hồ Yên Mỹ, kết hợp nghỉ dưỡng và các hoạt động vui chơi giải trí, dịch vụ tổng hợp đáp ứng nhu cầu của khách du lịch trong nước và quốc tế. Đây cũng chính là “tiền đề” mở ra “cơ hội” để du lịch ở lòng hồ Yên Mỹ được đầu tư một cách bài bản, khoa học xứng tầm với tiềm năng và lợi thế vốn có.
Những năm gần đây, du lịch sinh thái lòng hồ đã và đang được nhiều địa phương, đơn vị hoạt động du lịch trong tỉnh chú trọng khai thác, mang lại hiệu quả cao trong việc thu hút du khách đến tham quan, khám phá. Trong đó, phải kể đến một số địa điểm nổi tiếng như: du thuyền trên lòng hồ sông Mực ở Vườn Quốc gia Bến En, du thuyền ở hồ Pha Đay... Khi tham gia các tuyến du lịch lòng hồ này, du khách sẽ được ngắm cảnh sông nước gắn với các hoạt động câu cá, thăm các mô hình nuôi trồng, đánh bắt thủy sản trên lòng hồ, khám phá những cánh rừng nguyên sinh với hệ động, thực vật phong phú, đa dạng quanh lòng hồ. Bên cạnh đó, dọc theo lòng hồ, du khách có thể dừng chân thăm các bản, làng văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số như Thái, Mường, thưởng thức các món ăn, nét văn hóa truyền thống của các dân tộc.
Dù đã có những kết quả bước đầu, song nhìn nhận một cách khách quan so với tiềm năng, lợi thế việc khai thác loại hình du lịch lòng hồ trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế nhất định. Các hoạt động du lịch còn manh mún, nhỏ lẻ, mang tính tự phát, chưa có dự án, sản phẩm du lịch bền vững. Các địa phương, đơn vị khai thác du lịch lòng hồ cũng chưa phát triển được đa dạng sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu du khách. Do đó, để du lịch lòng hồ tạo được sức hấp dẫn du khách, cần hơn nữa sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, người dân để có những kế hoạch, chiến lược dài hơi tạo “sức bật” cho du lịch lòng hồ ngày càng phát triển.
Nguyễn Đạt
{name} - {time}
-
2024-12-07 08:30:00
Chiêm ngưỡng 5 núi lửa ở Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông
-
2024-12-06 15:23:00
Lễ hội Thingyan ở Myanmar và Lễ hội Eid ở Nigeria được công nhận di sản thế giới
-
2024-11-01 08:56:00
Trên đất mường Ống
Điểm “chữa lành” lý tưởng của du khách
Huyền bí động Cửa Buồng xứ Thanh
Mướt mát cây trái trên Nông trường sông Âm
Làng Ái và hương vị quê
Hiệp hội Du lịch tỉnh khảo sát, đánh giá tiềm năng một số điểm du lịch miền Tây Thanh Hóa
Thái Lan-Campuchia thúc đẩy triển khai sáng kiến “6 quốc gia, 1 điểm đến”
Thường Xuân phát triển du lịch gắn với gìn giữ văn hóa truyền thống
Nét đẹp truyền thống làng Mỹ Lâm
[Wow! Thanh Hóa] Huyền bí Động Tiên Sơn: Chuyện xưa tích cũ tại miền đất xứ Thanh