(vhds.baothanhhoa.vn) - Mô hình bệnh viện (BV) vệ tinh đã và đang phát huy hiệu quả tốt, khi bệnh nhân và người nhà là những người hưởng lợi đầu tiên, BV tránh được tình trạng quá tải và chất lượng khám chữa bệnh tại cơ sở được nâng cao rõ rệt.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bệnh viện vệ tinh: Chất lượng và hiệu quả

Mô hình bệnh viện (BV) vệ tinh đã và đang phát huy hiệu quả tốt, khi bệnh nhân và người nhà là những người hưởng lợi đầu tiên, BV tránh được tình trạng quá tải và chất lượng khám chữa bệnh tại cơ sở được nâng cao rõ rệt.

Thay vì phải đi Hà Nội điều trị thì bà Nguyễn Thị Toan (51 tuổi, trú tại TP Thanh Hóa) đã có thể yên tâm điều trị tim mạch tại Đơn vị can thiệp tim mạch, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Thanh Hóa. Bà Toan có tiền sử bệnh tim mạch, đã điều trị nhiều lần tại viện với các triệu chứng tim đập nhanh, hồi hộp, chóng mặt, cảm giác đau thắt ở ngực, khó thở, nhịp đập có lúc lên 200 nhịp/phút. Sau thăm khám lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân có cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất và được quyết định can thiệp bằng phương pháp thăm dò điện sinh lý tim điều trị rối loạn nhịp bằng sóng cao tần để triệt đốt ổ gây rối loạn nhịp. Đây là phương pháp điều trị tiên tiến, mới chỉ ít BV tuyến tỉnh áp dụng được. Phương pháp này cho phép loại bỏ hoàn toàn một số rối loạn nhịp tim với tỷ lệ thành công cao, tỷ lệ tái phát thấp.

Được biết, kỹ thuật thăm dò điện sinh lý tim là một kỹ thuật mới, khó trong lĩnh vực tim mạch, việc tiếp nhận thành công kỹ thuật này đã khẳng định chuyên môn của BV. Theo đó, chỉ qua vài ngày điều trị bệnh tình của bà Toan đã giảm rõ rệt, sức khỏe ổn định. Bác sỹ Mỵ Huy Hoàng - Trưởng khoa Tim mạch, BVĐK tỉnh cho biết: “BVĐK Thanh Hóa được đánh giá là một trong những BV vệ tinh triển khai được nhiều kỹ thuật trong lĩnh vực tim mạch và lồng ngực hiệu quả nhất. Hiện tại, BV đã làm chủ được nhiều kỹ thuật mới, khó như: kỹ thuật vá thông liên thất, thông liên nhĩ, phẫu thuật u phổi, kỹ thuật thay van 2 lá, bít dụng cụ trong một số bệnh lí tim bẩm sinh người lớn, can thiệp động mạch ngoại vi, cấy máy tạo nhịp tim vĩnh viễn, tạo nhịp tạm thời...”

Được biết, BVĐK tỉnh Thanh Hóa được Bộ Y tế quyết định là BV vệ tinh của các BV: Hữu Nghị, Việt Đức, E, Bạch Mai, Nhiệt đới và Viện Huyết học Truyền máu Trung ương trong lĩnh vực ngoại chấn thương, tim mạch, hồi sức cấp cứu, chống độc... Nhờ triển khai hiệu quả Đề án Bệnh viện vệ tinh mà tỷ lệ chuyển tuyến luôn ở mức thấp. Đến nay, BV đã thực hiện được 100% danh mục kỹ thuật loại I, 46% danh mục kỹ thuật loại đặc biệt, trang thiết bị của BV ngày càng được đầu tư hiện đại và đồng bộ; nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu đã được triển khai.

Một ca can thiệp tim mạch tại BVĐK tỉnh.

Năm 2017 BVĐK huyện Quảng Xương trở thành BV vệ tinh của BV Đại học Y Hà Nội, theo đó, BV Quảng Xương sẽ hỗ trợ toàn diện tập trung vào các chuyên khoa mũi nhọn như: ngoại chấn thương, tim mạch, hồi sức tích cực, chống độc... Những năm qua, nhờ sự hỗ trợ tích cựctừ phía BV Đại học Y mà chất lượng khám chữa bệnh tại BV Quảng Xương không ngừng được nâng cao, hiện tại BV đã thực hiện được nhiều ca bệnh khó như mổ lấy thai lần 2, lần 3, thay khớp háng, cổ xương đùi, bệnh lý bóc u nang tuyến giáp... Đồng thời, đội ngũ cán bộ BV thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn, đào tạo nhằm củng cố, học tập thêm những dịch vụ kỹ thuật mới trong nước và trên thế giới. Đặc biệt, trong những tháng chống dịch Covid-19 vừa qua, BV đã triển khai khám bệnh từ xa. Theo đó, hàng tuần BV sẽ có buổi hội chẩn trực tuyến với BV Đại học Y với các chuyên gia hàng đầu thuộc nhiều lĩnh vực. Được biết, tại mỗi buổi hội chuẩn các chuyên gia đều dành thời gian nói về một chuyên đề nhất định và bằng thực tiễn bệnh lý đưa ra phương pháp điều trị tối ưu, hiệu quả nhất dành cho bệnh nhân. Ông Nguyễn Hữu Cẩn (61 tuổi, thôn Quảng Phú, huyện Quảng Xương) nhập viện trong tình trạng đau nhức khớp háng không thể đi lại. Bệnh nhân sau đó được hội chẩn, chẩn đoán mắc hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi bên phải trên nền u bao hạt dịch khớp háng phải. Sau một tuần điều trị bệnh nhân đã đỡ đau và đi lại bình thường.

Ông Nguyễn Văn Nhiên - Giám đốc BVĐK huyện Quảng Xương, cho biết:“thông qua tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chất lượng khám chữa bệnh tại BV không ngừng được nâng cao, hiện bác sĩ BV đã thực hiện được kỹ thuật khó tương đương tuyến tỉnh. Với những ca bệnh khó, phức tập BV Đại học Y luôn sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn, thậm chí cử bác sỹ về phẫu thuật tại BV, với những ca bệnh nặng được chuyển tuyến kịp thời”.

Đến nay, Thanh Hóa đã có 7 BV vệ tinh của các BV tuyến Trung ương, trong năm 2019 các BV tuyến trung ương đã chuyển giao 12 chuyên ngành cho các BV vệ tinh. Thực tế cho thấy đề án BV vệ tinh là động lực giúp các BV tuyến tỉnh, huyện phát triển cơ sở vật chất, đầu tư nhân lực, nâng cao chất lượng BV; giúp các bác sĩ có cơ hội được học tập, tiếp thu các kỹ thuật cao; giúp bệnh nhân được hưởng dịch vụ kỹ thuật cao ngay tại tỉnh mà không phải chuyển tuyến, góp phần giảm tải cho các BV tuyến trên, đồng thời giảm phiền hà và tiết kiệm chi phí cho người bệnh.

Vân Anh


Vân Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]