(vhds.baothanhhoa.vn) - An toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể của doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện sức khỏe, tái sản xuất sức lao động, góp phần quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị. Do đó, nhiệm vụ này ngày càng được các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa quan tâm, chú trọng, chủ động tăng cường các biện pháp đảm bảo chất lượng bữa ăn cho người lao động.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể trong doanh nghiệp

An toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể của doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện sức khỏe, tái sản xuất sức lao động, góp phần quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị. Do đó, nhiệm vụ này ngày càng được các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa quan tâm, chú trọng, chủ động tăng cường các biện pháp đảm bảo chất lượng bữa ăn cho người lao động.

Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Thanh Hóa, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 500 bếp ăn tập thể ký cam kết với ngành Y tế bảo đảm an toàn thực phẩm; trong đó có gần 100 bếp ăn tập thể tại các doanh nghiệp, với quy mô từ 30 đến 400 người ăn, tập trung chủ yếu tại các khu công nghiệp. Đa số các bếp ăn tập thể của doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được kiểm tra cơ bản chấp hành quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) như: Thực hiện ký cam kết bảo đảm ATTP; khám sức khỏe định kỳ, xác nhận kiến thức ATTP cho người quản lý và người trực tiếp tiếp xúc với thực phẩm; ký hợp đồng trách nhiệm với người cung cấp thực phẩm; ghi chép sổ lưu mẫu thức ăn, đồng thời thực hiện lưu mẫu thức ăn đảm bảo theo quy định. Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ phục vụ sơ chế, chế biến thực phẩm tại các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể trong các doanh nghiệp cơ bản đảm bảo theo quy định.

Ông Nguyễn Tiến Đức - Giám đốc Công ty cổ phần dụng cụ thể thao Delta (Hoằng Hóa) cho biết: "Nhà ăn của công ty mỗi ngày phục vụ hơn 2.000 suất ăn trưa, chính vì vậy việc đảm bảo ATTP cho người lao động luôn được công ty chú trọng hàng đầu, đặc biệt là trong mùa nắng nóng, nhiệt độ và độ ẩm cao, làm cho thực phẩm dễ bị hư hỏng. Vì vậy, việc đảm bảo an toàn thực phẩm trước, trong và sau khi chế biến luôn được kiểm soát chặt chẽ ở tất cả các khâu, thực phẩm chế biến được tính toán sát với nhu cầu để sử dụng hết ngay trong ngày, rau củ quả thường xuyên được bảo quản trong kho lạnh, thực phẩm chế biến sẵn luôn được để trong tủ bảo ôn".

Có thể nói, việc quan tâm đến điều kiện an toàn, chất lượng bữa ăn tại bếp ăn tập thể trong doanh nghiệp không chỉ mang lại những lợi ích thiết thực cho các đơn vị mà còn góp phần thực hiện mục tiêu chung của tỉnh về công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Được biết, từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chưa xảy ra bất cứ vụ ngộ độc thực phẩm nào diễn ra tại các bếp ăn tập thể của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trước thực tế nhu cầu các bếp ăn tập thể và các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn tại các doanh nghiệp ngày càng tăng đã và đang tiềm tàng nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng bữa ăn của người lao động.

Công tác đảm bảo an toàn thực phẩm được nhiều doanh nghiệp chú trọng.

Theo ông Hoàng Duy Trường - Trưởng phòng Tổ chức Hành chính, Công ty Cổ phần Thương mại, Sản xuất và Đầu tư Việt Thanh (TP Thanh Hóa) cho rằng: "Hiện nay do sự phát triển về số lượng công ty, hơn nữa một bộ phận doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng thực phẩm giá rẻ. Mặt khác, nguồn thực phẩm nguyên liệu cung cấp cho bếp ăn tập thể tại các doanh nghiệp rất đa dạng, khó kiểm soát. Các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn không ngừng gia tăng nhưng nhiều cơ sở quy mô nhỏ, điều kiện cơ sở thủ công, khó kiểm soát yêu cầu về ATTP (phương tiện, dụng cụ chế biến, bảo quản, thời gian vận chuyển...). Chính vì vậy, chúng tôi xác định việc đảm bảo ATTP, không ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động cũng chính là đảm bảo cho hoạt động, giá trị sản xuất của công ty. Do đó, việc kiểm soát chất lượng thực phẩm được giao cho bộ phận y tế, hàng ngày phải kiểm tra nguồn thực phẩm, đảm bảo mới đưa vào chế biến. Đồng thời giám sát tất cả các khâu, từ sơ chế, chế biến đến bảo quản, lưu mẫu thực phẩm, đảm bảo các hoạt động diễn ra trong điều kiện sạch sẽ, đúng quy trình".

Có thể nói, bên cạnh những kết quả đạt được, việc đảm bảo ATTP tại các bếp ăn tập thể trong doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Trong khi đó, trách nhiệm bảo đảm ATTP của các cấp chính quyền địa phương, ban quản lý một số khu công nghiệp, chủ doanh nghiệp sử dụng dịch vụ ăn uống chưa cao... Chính vì vậy, để tăng cường hiệu quả, tính bền vững trong công tác quản lý, bảo đảm ATTP; giám sát, phát hiện các vụ ngộ độc thực phẩm ở bếp ăn tập thể tại các doanh nghiệp cần đẩy mạnh việc quản lý, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo An toàn vệ sinh thực phẩm ở các địa phương; nâng cao trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả quản lý của UBND các cấp; huy động sự phối hợp tham gia của các đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh thông tin tuyên truyền phổ biến kiến thức, quy định của pháp luật về ATTP; phòng, chống ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể cho các đối tượng sử dụng dịch vụ, cung cấp dịch vụ thức ăn sẵn và người tiêu dùng. Các cơ quan chức năng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra bếp ăn tập thể, phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm; đình chỉ hoạt động, xử lý nghiêm các vi phạm đối với các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, cơ sở tổ chức nấu ăn; ưu tiên giám sát, xây dựng phương án điều tra, xử lý, khắc phục nhằm phát hiện sớm các vụ ngộ độc lớn tại bếp ăn tập thể. Đồng thời, cơ quan chức năng cần có cơ chế phối hợp trong kiểm soát vệ sinh ATTP ở bếp ăn tập thể tại doanh nghiệp, giải quyết tận gốc những bất cập trong thanh tra, kiểm tra vệ sinh ATTP. Phấn đấu năm 2019, toàn tỉnh có thêm hơn 230 bếp ăn tập thể được công nhận an toàn thực phẩm.

Hoài Anh


Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]