(vhds.baothanhhoa.vn) - Mặc dù đã có 6 huyện công bố hết dịch tả lợn châu Phi, nhưng đến thời điểm giữa tháng 9/2019 dịch lại bùng phát trở lại tại 82 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa với tốc độ nhanh và trên diện rộng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Dịch tả lợn châu Phi bùng phát trở lại, số đơn vị tái dịch tăng dần

Mặc dù đã có 6 huyện công bố hết dịch tả lợn châu Phi, nhưng đến thời điểm giữa tháng 9/2019 dịch lại bùng phát trở lại tại 82 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa với tốc độ nhanh và trên diện rộng.

Dịch tả lợn châu Phi bùng phát trở lại trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa từ ngày 23/2 đến 16h ngày 16/9/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 12.796 hộ của 1.597 thôn, 420/635 xã của 27 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh; buộc phải tiêu hủy 96.964 con lợn, trọng lượng 6.893.158,1 kg. Đã có 6 huyện công bố hết dịch bao gồm huyện: Thường Xuân, Mường Lát, Ngọc Lặc, Quan Hóa, Bỉm Sơn, Quan Sơn và 270 xã, trong đó có 82 xã tái phát sinh lại dịch. Đến nay, có 6 huyện và 188 xã đã công bố hết dịch, dịch bệnh đã qua 30 ngày chưa phát sinh dịch lại. Như vậy tính đến 16h ngày 16/9/2019, trên địa bàn tỉnh có 1.102 thôn, 231 xã của 21 huyện đang còn dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa qua 30 ngày.

Tình hình dịch bệnh tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa bắt đầu từ tháng 2/2019 tại huyện Yên Định, và tiếp tục lây lan. Đến tháng 5 và tháng 6/2019 dịch bùng phát trên diện rộng là cao điểm của dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, đến tháng 7/2019 và đầu tháng 8 dịch bắt đầu có dấu hiệu giảm dần. Riêng trong tháng 8/2019 tổng số xã, số thôn, hộ chăn nuôi phát sinh dịch và số lợn mắc bệnh tiêu hủy cũng giảm so với tháng 7/2019. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trong 10 ngày cuối tháng 8 và đầu tháng 9 có chiều hướng tăng mạnh, số lượng hộ chăn nuôi và số lợn mắc bệnh phải tiêu hủy hàng ngày tăng lên đột biến từ 200 - 300 con/ ngày tăng lên 500 - 600 con/ngày trong cuối tháng 8 và đã tăng đột biến lên 980 con/ngày vào đầu tháng 9.

Có thể thấy tình hình dịch bệnh châu Phi trên địa bàn Thanh Hóa hiện nay đang có chiều hướng lây lan nhanh, trên diện rộng, một số đơn vị có dịch phát sinh mới tăng, số đơn vị tái dịch cũng tăng dần, số xã công bố hết dịch tốc độ chậm lại, nguy cơ dịch xảy ra trên diện rộng là rất cao, thiệt hại lớn.

Theo đánh giá của ngành chức năng, nguyên nhân chính làm dịch bênh lây lan, bùng phát mạnh là do công tác tiêu hủy, công tác xử lý vệ sinh tiêu độc ổ dịch không bảo đảm quy trình, không đúng quy định; Công tác quản lý vận chuyển, buôn bán, giết mổ lợn khó kiểm soát chặt chẽ, có thể còn để sót nhiều lợn, sản phẩm lợn nhiễm bệnh ra thị trường tiêu thụ, hoặc hoạt động đi lại của các thương lái không được tiêu độc khử trùng chặt chẽ; Chưa tiêu hủy triệt để toàn bộ phân lợn, dụng cụ chăn nuôi... có chứa mầm bệnh; Và việc tiêu hủy không kịp thời. Bên cạnh đó, do dịch bệnh kéo dài, hầu hết các xã, phường, thị trấn đã sử dụng hết nguồn ngân sách dự phòng để huy động lực lượng chống dịch, mua vật tư chống dịch. Theo quy định nếu xã hết ngân sách dự phòng thì sẽ báo cáo cấp huyện để được cấp bổ sung nhưng theo kiểm tra thì công việc này rất khó khăn và không đáp ứng kịp thời đối với cấp xã.

Trao đổi với PV, ông Lê Đức Giang - Giám đốc Sở NN&PTNT Thanh Hóa cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang bùng phát trở lại dịch tả lợn châu Phi, mạnh nhất là tại các huyện Triệu Sơn, Thiệu Hóa, Quảng Xương. Có ngày số lợn chết vì dịch lên đến gần 2.500 con. Riêng ngày 16/9, phát sinh thêm 2.421 con lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi, trọng lượng 179.720,5 kg của 608 hộ chăn nuôi của 261 thôn, 80 xã thuộc 11 huyện. Chúng tôi đã tăng cường công tác giám sát, phòng chống dịch theo phương châm thôn giữ thôn, xã giữ xã và huyện giữ huyện. Tổ chức, thực hiện kiên quyết, kịp thời tiêu hủy toàn bộ số lợn của các hộ chăn nuôi có bệnh dịch tả lợn châu Phi đúng quy trình kỹ thuật, đúng theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, hướng dẫn của Cục Thú y. Tổ chức công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng; thành lập chốt kiểm soát dịch theo quy định; tạo điều kiện tối đa để tiêu thụ lợn cho người chăn nuôi trên địa bàn huyện, ưu tiên tiêu thụ lợn trong địa bàn xã, huyện để giảm lây lan dịch bệnh do vận chuyển, đảm bảo không làm phát tán mầm bệnh”.

Được biết, từ khi phát sinh dịch bệnh đến nay, 27 huyện, thị xã, thành phố đã thành lập 50 tổ kiểm soát lưu động và 622 chốt kiểm soát. Trong đó, hiện có 272 chốt kiểm soát đang hoạt động; đã giải tán 350 chốt do nhiều xã đã công bố hết dịch để thực hiện việc tuần tra, kiểm tra các hoạt động vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào địa bàn huyện, tỉnh để ngăn chặn có hiệu quả dịch bệnh động vật. Riêng ngày 16/9/2019, 7 trạm, chốt đã kiểm tra, kiểm soát, tiêu độc, khử trùng 233 lượt xe chở gia súc, gia cầm, sản phẩm động vật theo quy định, không có xe nào vi phạm.

Trước tình hình dịch bệnh tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tiếp tục bùng phát mạnh với tốc độ nhanh và trên diện rộng, các ngành chức năng, các địa phương cần thông tin kịp thời, chính xác cho người dân về diễn biến và các biện pháp phòng chống dịch bệnh để người dân vừa bảo vệ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thịt lợn, tránh gây hoang mang trong xã hội.

Đông Hoàng


Đông Hoàng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]