(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Theo Bộ Y tế, ước tính mỗi năm Việt Nam có khoảng 520.000 người tử vong, trong đó có gần 380.000 trường hợp liên quan đến bệnh lý không lây nhiễm như ung thư, tim mạch, huyết áp, hô hấp mạn tính, đái tháo đường..., chiếm khoảng 73% số ca tử vong.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Gánh nặng bệnh không lây nhiễm

(VH&ĐS) Theo Bộ Y tế, ước tính mỗi năm Việt Nam có khoảng 520.000 người tử vong, trong đó có gần 380.000 trường hợp liên quan đến bệnh lý không lây nhiễm như ung thư, tim mạch, huyết áp, hô hấp mạn tính, đái tháo đường..., chiếm khoảng 73% số ca tử vong.

Chi phí lớn

Bệnh không lây nhiễm là các bệnh mạn tính, không có khả năng lây truyền nhưng thời gian mắc bệnh kéo dài, chi phí điều trị lớn. Như bệnh tiểu đường thường được ví là “bệnh nhà giàu” bởi thời gian điều trị gắn liền với cuộc đời người bệnh kể từ khi phát hiện, mà chi phí lại vô cùng tốn kém. Mắc bệnh tiểu đường type 2 đã 7 năm, với kinh nghiệm đầy mình, ông Nguyễn Văn Dũng (phường Đông Vệ, Tp Thanh Hóa) thấm thía nỗi khổ khi phải sống chung với bệnh. Ông Dũng tâm sự “7 năm bị bệnh cũng từng ấy thời gian tôi phải kiêng khem đủ thứ, có thời gian vì kiêng quá cơ thể bị thiếu chất, dễ bị biến chứng mà tiền chữa bệnh thì tốn kém”. Ông liệt kê nào là chi phí khám bệnh hàng tháng, làm các xét nghiệm, thuốc men chữa bệnh, thuốc bồi bổ, mua vật dụng theo dõi bệnh, chi phí đi lại, chưa kể mất thời gian của bản thân và con cháu khi phải đưa đi khám hay nằm viện khi phát bệnh. Tính sơ sơ trung bình mỗi tháng hết từ 2,5 - 3,5 triệu đồng.

Tương tự trường hợp của ông Dũng, gia đình bà Mai (57 tuổi, phường Điện Biên, TP Thanh Hóa) “Sống chung với bệnh tiểu đường đã gần 10 năm, do phải kiêng khem nhiều nên người ngày càng yếu, tinh thần mệt mỏi do lo sợ bị biến chứng. Và để có tiền uống thuốc đều đặn hàng tháng cả gia đình phải hết sức tiết kiệm, rồi phải nhờ cậy cả con cái”.

Theo các bác sĩ BV Đa khoa Thanh Hóa, với bệnh không lây nhiễm thì ngoài tỷ lệ gây tử vong cao, bệnh dễ bị biến chứng, để lạinhững tàn tật lớn như liệt nửa người, mù lòa, suy thận, loét chi, sa sút trí tuệ... Trong khi đó, chi phí điều trị bệnh không lây nhiễm trung bình cao gấp 40 - 50 lần so với điều trị các bệnh lây nhiễm do đòi hỏi kỹ thuật cao, thuốc điều trị đắt tiền, thời gian điều trị lâu, lại dễ biến chứng.

Cũng theo các bác sĩ, thì nguyên nhân chính gây ra các bệnh không lây nhiễm chủ yếu là yếu tố hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, ăn nhiều chất béo, ăn ít rau củ quả, ăn quá ngọt hoặc quá mặn, lười vận động... Lối sống không lành mạnh, thiếu tích cực ảnh hưởng trực tiếp đến thực trạng thừa cân, béo phì, tăng huyết áp, tăng đường máu, tăng cholesterol...

Y tế tuyến huyện đầu tư thiết bị phát hiện sớm các bệnh không lây nhiễm.

Chủ động phòng ngừa

Để giảm gánh nặng kinh tế và giảm phiền hà cho bệnh nhân trong việc khám chữa các bệnh không lây nhiễm, BV Đa khoa Thanh Hóa đã thành lập Trung tâm xạ trị và ung bướu. Tại Trung tâm những thiết bị chuẩn đoán hình ảnh sử dụng kỹ thuật y học hạt nhân hiện đại nhất thế giới. Với các hình ảnh hiển thị, kỹ thuật viên có thể tìm thấy những tổn thương, biến đổi bất thường dù rất nhỏ tồn tại trong cơ thể người bệnh. Các kỹ thuật cao như chụp mạch vành; phẫu thuật tim hở; đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn 2 buồng, 3 buồng; các kỹ thuật can thiệp tim mạch hiện đại... đã và đang được BV ứng dụng có hiệu quả.

Bên cạnh đó, các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện đều đã triển khai đơn vị quản lý bệnh nhân đái tháo đường và tăng huyết áp để tư vấn, điều trị dự phòng cho nhóm bệnh nhân này. Mô hình này được duy trì và phát triển hiệu quả từ nhiều năm nay.

Ông Lê Tiến Toàn - Giám đốc BV Đa khoa Tp Thanh Hóa cho biết “Bên cạnh sự nỗ lực của ngành y trong việc ứng dụng, phát triển kỹ thuật tiên tiến điều trị bệnh không lây nhiễm, giúp người bệnh không phải chuyển tuyến, đi xa, thì cách phòng ngừa tốt nhất là mỗi người nên thực hiện lối sống lành mạnh, thể dục thường xuyên, không hút thuốc lá”.

Cùng với ngành y, thì chính quyền, các tổ chức, đoàn thể địa phương cần tích cực vào cuộc trong xây dựng môi trường sống lành mạnh cho nhân dân như hạn chế rượu bia, thuốc lá, khuyến khích chế độ dinh dưỡng, vận động thể lực lành mạnh nhằm ngăn chặn từ đầu nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm.

V.A



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]