(vhds.baothanhhoa.vn) - Thanh Hóa là một trong những địa phương được Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) lựa chọn thực hiện thí điểm hoạt động truyền thông, tư vấn, cung cấp các dịch vụ phòng, chống nhiễm khuẩn đường sinh sản, các bệnh lây truyền qua đường tình dục cho phụ nữ từ 18-49 tuổi có chồng tại các xã bãi ngang, ven biển, với mục tiêu nhằm tăng tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai, được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phòng, chống nhiễm khuẩn đường sinh sản cho phụ nữ các xã bãi ngang, ven biển

Thanh Hóa là một trong những địa phương được Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) lựa chọn thực hiện thí điểm hoạt động truyền thông, tư vấn, cung cấp các dịch vụ phòng, chống nhiễm khuẩn đường sinh sản, các bệnh lây truyền qua đường tình dục cho phụ nữ từ 18-49 tuổi có chồng tại các xã bãi ngang, ven biển, với mục tiêu nhằm tăng tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai, được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ.

Thực trạng và hậu quả của nhiễm khuẩn đường sinh sản ở phụ nữ

Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện nay nhiễm khuẩn đường sinh sản trong đó có viêm nhiễm đường sinh dục dưới ở phụ nữ là rất phổ biến trên toàn thế giới, đặc biệt là ở độ tuổi sinh đẻ và trở thành một vấn đề sức khỏe trên toàn cầu. Ở Việt Nam, viêm nhiễm đường sinh dục dưới chiếm tỷ lệ rất cao, khoảng 50 - 60% số phụ nữ đến khám ở tuyến cơ sở y tế và trở thành mối quan tâm chính về sức khỏe sinh sản hiện nay.

Tư vấn, cung cấp các dịch vụ phòng, chống nhiễm khuẩn đường sinh sản, các bệnh lây truyền qua đường tình dục góp phần giúp người dân tiếp cận các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ.

Tại Thanh Hóa, Chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ mặc dù đạt được nhiều kết quả quan trọng, song công tác truyền thông, tư vấn, cung cấp các dịch vụ phòng, chống viêm nhiễm đường sinh sản ở phụ nữ vẫn còn gặp không ít khó khăn. Tỷ lệ viêm nhiễm ở phụ nữ độ tuổi 18-49 có chồng ở các xã bãi ngang, ven biển khá cao, chiếm 60- 65%. Những bệnh thường gặp về nhiễm trùng đường sinh dục dưới ở phụ nữ tại các xã bãi ngang, ven biển như: nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục (nấm, HIV...); nhiễm khuẩn do vi khuẩn nội sinh (viêm âm đạo, âm hộ do nấm Candida)... Thực tế, bệnh viêm nhiễm đường sinh dục chỉ gặp ở những phụ nữ đến khám tại các cơ sở y tế khi đã biểu hiện bệnh. Hậu quả của các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản có thể gây biến chứng nghiêm trọng như viêm tiểu khung, vô sinh, chửa ngoài tử cung, ung thư cổ tử cung, sảy thai, trẻ đẻ thiếu cân, mù lòa, viêm phổi... Ở phụ nữ có thai bị viêm nhiễm đường sinh dục có thể gây viêm màng ối, vỡ ối sớm, đẻ non, nhiễm trùng sau sinh cho bà mẹ và sơ sinh. Mặt khác nhiễm trùng đường sinh dục còn làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS.

Đẩy mạnh công tác tuyêntruyền, tư vấn, cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS

Xuất phát từ tình hình thực tế địa phương, tỉnh Thanh Hóa có 6 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển được lựa chọn thực hiện thí điểm hoạt động truyền thông, tư vấn, cung cấp các dịch vụ phòng, chống nhiễm khuẩn đường sinh sản, các bệnh lây truyền qua đường tình dục cho phụ nữ từ 18-49 tuổi có chồng gồm: xã Hải Hà, Tĩnh Hải (Tĩnh Gia), Quảng Nham, Quảng Lưu (Quảng Xương), Hoằng Phụ, Hoằng Trường (Hoằng Hóa). Thời gian qua, Chi cục DS-KHHGĐ xây dựng kế hoạch và phối hợp với 6 xã vùng bãi ngang, ven biển của 3 huyện trên tổ chức các buổi truyền thông, tư vấn, cung cấp dịch vụ phòng, chống nhiễm khuẩn đường sinh sản, các bệnh lây truyền qua đường tình dục cho phụ nữ 18-49 tuổi có chồng và đạt được những kết quả quan trọng.

Chi cục DS-KHHGĐ phối hợp với các huyện, xã thực hiện thí điểm chương trình cung cấp các tờ rơi, các buổi nói chuyện chuyên đề, đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, đài truyền thanh... để tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện các chính sách về DS-KHHGĐ, SKSS/KHHGĐ, phòng, chống nhiễm khuẩn đường sinh sản, các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Huy động cộng tác viên dân số, các đoàn thể tại xã tổ chức tuyên truyền, vận động nhóm nhỏ, vận động trực tiếp tại hộ gia đình các đối tượng trong diện vận động thực hiện chăm sóc SKSS/KHHGĐ. Tổ chức các đội lưu động y tế, KHHGĐ thực hiện tư vấn và cung cấp dịch vụ phòng, chống nhiễm khuẩn đường sinh sản, các bệnh lây truyền qua đường tình dục cho 6 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển tỉnh Thanh Hóa; hỗ trợ điều trị phụ khoa, viêm nhiễm nặng. Định mức thuốc thiết yếu và vật tư tiêu hao phục vụ khám và điều trị thực hiện theo Thông tư 06/2009/TT-BYT, ngày 26/6/2009 của Bộ Y tế, các trang bị, dụng cụ y tế, phương tiện tránh thai phục vụ đầy đủ, kịp thời. Năm 2018, Chi cục DS-KHHGĐ phối hợp với xã thực hiện thí điểm thực hiện tư vấn khám sản khoa cho 900 phụ nữ, điều trị phụ khoa cho 678 ca phụ nữ bị viêm nhiễm. Việc tư vấn chăm sóc SKSS/KHHGĐ giúp người dân có đầy đủ thông tin cần thiết, phù hợp về các biện pháp tránh thai, chăm sóc thai nghén, phòng, chống các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản để chủ động chấp nhận, thực hiện các biện pháp KHHGĐ, tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Cán bộ đội dịch vụ lưu động Y tế - Dân số tư vấn trực tiếp cho phụ nữ 18-49 tuổi có chồng tại vùng bãi ngang xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa.

Hoằng Hóa là một trong những huyện được lựa chọn thực hiện thí điểm hoạt động truyền thông, tư vấn, cung cấp các dịch vụ phòng, chống nhiễm khuẩn đường sinh sản, các bệnh lây truyền qua đường tình dục cho phụ nữ từ 18-49 tuổi. Theo đó, tại xã Hoằng Phụ, phụ nữ dưới 49 tuổi có chồng là 1.626 người, khi khám phụ khoa cho 150 người, các y, bác sĩ phát hiện và điều trị viêm nhiễm 113 người. Tại xã Hoằng Trường, phụ nữ dưới 49 tuổi có chồng là 1.830 người, khám phụ khoa 150 người, có 112 người được phát hiện và điều trị viêm nhiễm phụ khoa.

Quảng Xương là huyện đồng bằng ven biển, những năm qua, huyện luôn quan tâm và thực hiện có hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao chất lượng dân số, chăm sóc tốt sức khỏe bà mẹ và trẻ em, đặc biệt là quan tâm đến chăm sóc sức khỏe cho nhân dân các xã vùng biển. Hàng năm, huyện phối hợp với Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên tổ chức các cuộc thi tìm hiểu kiến thức chăm sóc sức khỏe tại các xã vùng biển, thu hút đông đảo hội viên phụ nữ, đoàn viên, thanh niên tham gia; tổ chức giao lưu văn hoá, văn nghệ, truyền thông, lồng ghép các sự kiện về DS-KHHGĐ. Bên cạnh đó, huyện Quảng Xương còn đẩy mạnh triển khai các hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu về chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, KHHGĐ. Thành lập đội dịch vụlưu động cung cấp các dịch vụ về công tác DS-KHHGĐ, thường xuyên tổ chức các hoạt động ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu về công tác tư vấn và cung cấp dịch vụ SKSS cho bà mẹ, các biện pháp tránh thai, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng khi có nhu cầu sử dụng. Triển khai các hoạt động nhằm hỗ trợ phòng, chống bệnh lây truyền qua đường tình dục, phòng ngừa mang thai ngoài ý muốn và nạo phá thai an toàn. Nhờ đó, nhận thức của chị em phụ nữ về cách phòng, chống nhiễm khuẩn đường sinh sản tăng lên, góp phần quan trọng thành công công tác DS-KHHGĐ tại các xã vùng biển và ven biển Quảng Xương. Công tác truyền thông, tư vấn, cung cấp các dịch vụ liên quan đến phòng, chống nhiễm khuẩn đường sinh sản ở phụ nữ độ tuổi sinh sản đã góp phần quan trọng trong công tác dân số, nâng cao sức khỏe, hiểu biết cho người dân.

Ông Nguyễn Văn Thắng - Chi cục Trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Thanh Hóa cho biết: Hoạt động truyền thông tư vấn, cung cấp các dịch vụ phòng, chống nhiễm khuẩn đường sinh sản các bệnh lây truyền qua đường tình dục góp phần tăng tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai, được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ. Đồng thời, nâng cao nhận thức trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị xã hội, từng gia đình và toàn xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác DS-KHHGĐ đối với sức khỏe, hạnh phúc của mỗi người, mỗi gia đình. Trong thời gian tới, Thanh Hóa mong tiếp tục nhận được sự quan tâm hơn nữa của Tổng cục DS-KHHGĐ để chất lượng dân số của người dân vùng biển, các xã bãi ngang nói riêng, công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng lên, tạo nguồn nhân lực chất lượng, góp phần vào thành công của Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.

Ngọc Huấn


Ngọc Huấn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]