(vhds.baothanhhoa.vn) - Hàng loạt phòng khám không phép ngang nhiên hoạt động, rồi đến các “quầy thuốc đa không” tư nhân mọc như nấm trong thời gian qua khiến người dân vô cùng lo lắng về chất lượng. Song, các cơ quan chức năng vẫn đang bất lực trước tình trạng báo động này.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Quản lý hành nghề y, dược tư nhân nhiều vấn đề đặt ra (Bài 1): Những hiểm họa khôn lường

Hàng loạt phòng khám không phép ngang nhiên hoạt động, rồi đến các “quầy thuốc đa không” tư nhân mọc như nấm trong thời gian qua khiến người dân vô cùng lo lắng về chất lượng. Song, các cơ quan chức năng vẫn đang bất lực trước tình trạng báo động này.

Mua thuốc dễ như mua rau

Không giấy phép kinh doanh, không địa điểm cố định, không niêm yết giá, không có toa thuốc của bác sĩ, không phải chịu trách nhiệm về loại thuốc bán ra..., đó là đặc điểm của những “quầy thuốc đa không” xuất hiện phổ biến trên thị trường hiện nay.

Không khó khăn gì khi tìm mua một liều thuốc chữa bệnh tại các chợ, các quầy thuốc, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Bởi, ở những nơi đây, đều có từ 2 đến 3 sạp bán thuốc tân dược được bày bán công khai, chỉ với một chiếc tủ nhỏ, một chiếc bàn, một chỗ ngồi ở góc chợ là có thể thành một điểm bán thuốc. Các loại thuốc được bày bán đa số có nhãn mác bằng tiếng nước ngoài, không có niêm yết giá, thuốc để lẫn với thực phẩm chức năng.

Dù biết, việc lạm dụng thuốc, tự ý sử dụng thuốc vô cùng nguy hiểm. Tuy nhiên, không chỉ ở các vùng quê, tại thành phố dân trí cao người dân vẫn có thói quen ngại đến bệnh viện và tự mua thuốc sử dụng. Bởi vậy, trên mỗi tờ hướng dẫn sử dụng đi kèm với hộp thuốc luôn có dòng chữ lớn trên cùng: “Thuốc bán theo đơn” để phân biệt các loại thuốc phải có chỉ định của bác sĩ mới được bán và sử dụng. Tuy nhiên hiện nay việc mua, sử dụng thuốc một cách quá dễ dàng khiến thuốc cũng trở thành một loại hàng hóa bình thường, thậm chí đi mua thuốc dễ như mua mớ rau ngoài chợ.

Một trong những quầy bán thuốc “đa không” vẫn hoạt động tại chợ nông thôn.

Khảo sát thực tế tại một số quầy thuốc tân dược trên đường Nguyễn Trãi, Lê Lai, Tống Duy Tân (TP Thanh Hóa) cho thấy, rất đông người tới đây mua thuốc, tình trạng người mua, người bán không cần đơn của bác sĩ diễn ra khá phổ biến. Phần lớn người bán thuốc đều chủ quan bán theo lời kể về triệu chứng của bệnh hoặc theo yêu cầu của khách hàng mà không cần đơn thuốc. Việc mua bán thuốc không kê đơn không chỉ xảy ra đối với các loại thuốc thông thường như kháng sinh, hạ sốt, tiêu hóa... mà cả các loại thuốc thuộc diện nguy hiểm, bắt buộc phải bán theo đơn như thuốc tim mạch, gút, dạ dày... vẫn được các cửa hàng thuốc bán một cách tự do và khó kiểm soát.

Theo thống kê của Sở Y tế, hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thuốc sản xuất trong nước đáp ứng khoảng 45% nhu cầu sử dụng, còn lại 55% phải nhập khẩu từ nước ngoài. Tân dược là loại hàng hóa đặc biệt, chỉ được bán tại các hiệu thuốc được ngành chức năng cấp giấy phép. Tuy nhiên, do tâm lý người dân muốn tiện dụng khi đi mua thuốc nên những “quầy thuốc đa không” vẫn hoạt động tốt và thói quen tự mua thuốc của người bệnh đã khiến tình trạng bán thuốc không cần kê đơn đã thành “căn bệnh khó chữa”.

Vô tư hoạt động

Dọc những trục đường phố chính, khu đông dân cư, ở các huyện, thị xã, thành phố... mọc lên nhiều phòng khám, nhà thuốc trên biển hiệu không hề ghi giấy phép hoạt động theo quy định của Bộ Y tế, không đủ điều kiện để hoạt động theo quy định.

Trước thực trạng trên, tại huyện Hậu Lộc, các ngành chức năng của huyện đã ra quân dẹp bỏ các cơ sở khám chữa bệnh không phép. Tuy nhiên hiện nay, theo ghi nhận của phóng viên, tình trạng phòng khám răng không phép lại tái diễn tại địa phương này. Vào ngày thời điểm tháng 6/2018, hàng loạt phòng khám răng không phép như: Nha khoa Việt Nhật, Nha khoa Nụ Cười, Nha khoa Việt Đức, Xuân Hương Trồng răng, Nha Khoa Á Châu thuộc các xã: Hoa Lộc, Minh Lộc, Văn Lộc và thị trấn Hậu Lộc đã bị lực lượng chức năng tháo dỡ biển hiệu quảng cáo, đóng cửa dừng hoạt động. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều phòng khám răng không phép mang tên “Xuân Hương Trồng răng”, “Nha khoa Việt Nhật” vẫn trưng biển hiệu quảng cáo. Máy móc, thiết bị làm răng vẫn chưa tháo dỡ. Thậm chí tại xã Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc, lại xuất hiện một phòng khám răng không phép khác mang tên “Nha khoa Tới Thanh”.

Tại TP Sầm Sơn tình trạng nhiều phòng khám không đáp ứng đầy đủ trang thiết bị, trang phục cho nhân viên, thậm chí có cơ sở hết sức sơ sài, diện tích chật hẹp... vẫn ngang nhiên hoạt động như: nha khoa Vĩnh Ngân thuộc phường Quảng Cư; Phòng khám nha khoa Hoàn Mỹ; nha khoa Vĩnh Ngân thuộc phường Trung Sơn... đều không ghi đầy đủ giấy phép hoạt động trên biển hiệu phòng khám.

Rõ ràng các cơ sở khám chữa bệnh không phép ngang nhiên hoạt động đang là vấn đề "nóng" tại Thanh Hóa. Mặc dù, ngành y tế và các địa phương đều khẳng định thường xuyên thanh tra, kiểm tra, xử lý, chấn chỉnh hoạt động của các cơ sở hành nghề y tư nhân, thế nhưng sau những cuộc thanh tra, kiểm tra thì tại các địa phương, nhiều cơ sở hành nghề không phép vẫn hoạt động bất chấp quy định của pháp luật và quảng cáo rất phô trương. Điều này khiến người dân đặt ra câu hỏi về chất lượng thanh tra, kiểm tra, giám sát của các địa phương, đơn vịtrong quá trình xử lý vi phạm để dẫn đến tình trạng một số cơ sở tái phạm như hiện nay...

Đông Hoàng


Đông Hoàng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]