(vhds.baothanhhoa.vn) - Muốn tìm hiểu con người và vùng đất thì hãy đến đúng phiên chợ vùng cao, lúng liếng trong đôi mắt các thiếu nữ dân tộc là những chiếc váy đủ màu sắc. Nhưng ám ảnh tôi hơn cả là những cô gái dân tộc Mông, Khơ Mú, Thái ở Mường Lát sau lưng mang theo những đứa trẻ được địu vắt vẻo, nghiêng lệch một bên như chị cõng em. Những cô gái còn trẻ lắm, cái tuổi mà con cháu chúng ta ở thành phố chưa phải làm gì, đi học còn có bố mẹ đưa đón.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống: Câu chuyện dài chưa có hồi kết (Kỳ cuối): Nhọc nhằn chữ tình, rầu rầu chữ nghĩa...

Muốn tìm hiểu con người và vùng đất thì hãy đến đúng phiên chợ vùng cao, lúng liếng trong đôi mắt các thiếu nữ dân tộc là những chiếc váy đủ màu sắc. Nhưng ám ảnh tôi hơn cả là những cô gái dân tộc Mông, Khơ Mú, Thái ở Mường Lát sau lưng mang theo những đứa trẻ được địu vắt vẻo, nghiêng lệch một bên như chị cõng em. Những cô gái còn trẻ lắm, cái tuổi mà con cháu chúng ta ở thành phố chưa phải làm gì, đi học còn có bố mẹ đưa đón.

Gia đình trẻ con và muôn sự khổ

Mường Lát là huyện biên giới khó khăn nhất của Thanh Hóa, nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết vẫn ở những con số báo động. Toàn huyện có 6 dân tộc cùng sinh sống là Thái, Mông, Mường, Dao, Khơ Mú và Kinh, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới 95%. Theo số liệu thống kê từ phòng Tư pháp huyện Mường Lát, từ năm 2011 đến tháng 6/2015, toàn huyện có 179 trường hợp tảo hôn và 31 trường hợp hôn nhân cận huyết thống, tập trung chủ yếu trong đồng bào dân tộc Mông ở các xã như Pù Nhi, Mường Lý… Tuy vậy, ở tất cả các thôn, bản ở đây, không bản nào không có trường hợp tảo hôn.

Hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thì nhiều lắm. Điều đầu tiên dễ nhận thấy đó là tình trạng bỏ học giữa chừng. Nhiều “bà mẹ trẻ” chưa học hết lớp 2, thậm chí mới ê a đọc được vài chữ, viết còn nghệch ngoạc đã bỏ học theo chồng. Các “ông bố tuổi teen” được gia đình đầu tư học hơn thì cùng lắm xong lớp 9. Tình trạng thất học và tái mù chữ như một món ăn quen thuộc. Nửa đầu năm học 2016 - 2017, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Mường Lý (Mường Lát) đã có vài em nghỉ học để lấy nhau. Nhà trường đã nhiều lần cử cán bộ, giáo viên phối hợp với chính quyền các địa phương có học sinh bỏ học để tuyên truyền, giáo dục, vận động các em ra lớp nhưng kết quả không mấy khả quan. Chị Phạm Thị Nhợi - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Mường Lý, chia sẻ với chúng tôi rằng: Vận động đủ kiểu nhưng rồi với người đồng bào dân tộc ở đây, cái chữ không bằng cái tình.

Còn Bí thư Đảng ủy xã Tén Tằn ông Lương Văn Chung chia sẻ: Cứ học hết lớp 8, 9 là tụi nó lại nghỉ học, ở nhà đi làm rẫy, làm thuê và đòi cưới, tuyên truyền vận động, nghe thì nghe đấy mà vẫn cứ làm sai. Thế mới có tình trạng nghèo “bền vững”. Quả đúng vậy, đi cả bản Đoàn Kết có 2 cái nhà sàn là mới được dựng nên khang trang, số còn lại, trống huơ trống hoác, tôi rùng mình khi nghĩ đến mùa đông, ôm nhau thế nào để khỏi lạnh?

Những ông bố bà mẹ trẻ ấy, cái chữ còn lóng ngóng, họ không có một kiến thức gì về nuôi con theo những phương pháp mới. Khi tôi hỏi Lò Thị Ằm, rằng: Em có được mẹ trao cho những kiến thức nuôi dạy con của người Khơ Mú không? Em lại cười nói: "Cứ sinh thôi, sống được là lớn được".

Trẻ em cần được học tập, vui chơi.

Điều đáng nói hơn hết là kết hôn sớm, mang thai và sinh đẻ trong lứa tuổi vị thành niên khi cơ thể người mẹ chưa phát triển hoàn thiện, thiếu hiểu biết, chưa sẵn sàng về tâm lý ảnh hưởng lớn tới sức khỏe sản phụ, sự phát triển bình thường của thai nhi và trẻ sơ sinh. Đây là một trong những nguyên nhân làm tăng gấp 2 lần tỉ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi thể hiện ở thiếu cân và thấp còi; tăng tỉ lệ tử vong ở nhóm trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi (ở nhóm trẻ em dân tộc thiểu số cao gấp 3 lần so với nhóm trẻ em dân tộc Kinh); tăng tỉ lệ tử vong của các bà mẹ nghèo vùng dân tộc miền núi liên quan đến thai sản (cao gấp 5 lần so với mức bình quân quốc gia).

Đặc biệt hơn, như tâm sự của cán bộ tư pháp xã Tén Tằn: Người Việt mình đôi khi nghĩ đến cái tình hơn là cái lý. Tảo hôn thì sẽ không bao giờ được đăng kí kết hôn, nhưng nếu không cho đăng kí, làm sao bọn nhỏ có đủ tiền đưa con đi bệnh viện. Còn nếu chúng đến xã đăng ký kết hôn, dù cán bộ có khuyên bảo, thậm chí “dọa” về những hệ lụy thì chúng cũng chỉ cười rồi về. Chẳng cần đợi xã ký giấy kết hôn, cha mẹ chúng đã mổ heo, làm rượu mời dân làng đến ăn cưới, mời cán bộ xã đến uống rượu cưới. Phạt cũng chẳng được, tiền đâu cha mẹ chúng có 2-3 triệu đồng để đóng phạt. Xuê xoa thế rồi đành thôi không phạt, chỉ còn cách nhắc nhở, tuyên truyền mỗi ngày mỗi tháng để bà con nhận thức dần…

Đói nghèo - thất học - bệnh tật, một vòng luẩn quẩn cứ bủa vây những đứa trẻ được gọi là chồng, là vợ và cả những đứa trẻ được gọi là con. Khoan hãy nói đến hệ lụy lâu dài thì rõ ràng ngay trước mắt, người dân mất đi cơ hội học tập, tìm kiếm việc làm tốt, cải thiện điều kiện sống, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực, làm suy giảm giống nòi và là một trong những lực cản của phát triển.

Cánh cửa “thoát hiểm”- nhìn từ đề án giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết

Đề án giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020 đã được thực hiện từ đầu năm 2017. Song để nó thực sự khả thi rõ ràng cần đẩy mạnh tuyên truyền; tăng cường biên soạn và phát hành các tài liệu pháp luật liên quan tảo hôn… Khi làm việc với Trung tâm dân số kế hoạch hóa ở các huyện miền núi nói chung và Mường Lát nói riêng mới thấy rằng, hoạt động rất yếu. Chủ yếu nhân viên trong trung tâm là con cháu người nhà không qua tuyển dụng, cộng với đội ngũ cộng tác viên dân số ở các xã lương thấp, trình độ hạn chế, nên công tác phổ biến tuyên truyền đã yếu càng yếu hơn.

Nheo nhóc những đứa trẻ ở Sài Khao, Trung Lý, Mường Lát.

Theo thống kê của ngành chức năng địa phương, nạn tảo hôn hiện đang có chiều hướng giảm đi, tuy nhiên đó chỉ là số liệu thống kê hơn là trên thực tế. Theo ông Cao Văn Cường - Chủ tịch UBND huyện Mường Lát, nguyên nhân của tình trạng trên là do ảnh hưởng của những quan niệm, phong tục tập quán lạc hậu lâu đời còn tồn tại và ăn sâu trong nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số. Đối với họ, việc bỏ tiền ra cưới vợ cho con cái cũng đồng nghĩa với việc trong nhà sẽ có thêm người làm nương, làm rẫy, có thêm người cáng đáng việc gia đình. Do đó, việc cưới con dâu về nhà được diễn ra càng sớm lại càng tốt.

Ông Cầm Bá Tường - Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh so sánh: Giống như phòng chống HIV/AIDS, phòng chống cháy rừng và phòng chống thiên tai, đây là việc làm cần thường xuyên, xuyên suốt chứ không phải khi xảy ra mới đi chữa. Vì thế không phân biệt là địa phương có người tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Và đối tượng được tuyên truyền không phải chỉ là người dân tộc thiểu số mà cả những người sinh sống cư trú trên vùng đều được tuyên truyền bao gồm người Kinh và các dân tộc khác. Phòng hơn là chống.

Ông Tường cho biết thêm: Hiệu quả mức độ nào thì chỉ cần đến nhà dân hỏi về độ tuổi kết hôn, nếu họ trả lời, nữ trên 18 nam trên 20 là hiệu quả bước đầu.

Tôi vẫn nghĩ nếu chỉ dừng trên lý thuyết khi người dân hiểu về độ tuổi thì có lẽ chẳng cần đến đề án hơn 9 tỷ, bởi rõ ràng trước khi có đề án, cán bộ xã, cùng hội phụ nữ, trung tâm sức khỏe sinh sản và cả các cộng tác viên, một năm ít nhất 1-2 lần vào thôn bản tuyên truyền cho người dân. Tuy nhiên, nghe thì cứ nghe, còn làm hay không lại là việc của cá nhân họ. Sự hiểu biết về pháp luật cũng như biết về hậu quả của việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đang còn rất nhiều hạn chế.

Trong quá trình tìm hiểu về câu chuyện tảo hôn và hôn nhân cận huyết thấy rõ ngoài nguyên nhân rất lớn là phong tục tập quán “nội hôn tộc người, ngoại hôn dòng họ”, thì hiện nay, độ tuổi quan hệ tình dục lần đầu của trẻ vị thành niên đang có xu hướng ngày càng sớm dần. Các trường hợp trẻ em gái mới có 12- 13 tuổi đã mang thai không còn là chuyện hiếm gặp. Bên cạnh đó, do giới trẻ ngày nay được tiếp xúc với quá nhiều luồng thông tin đa dạng nên tâm lý lứa tuổi của các em đã có sự phát triển sớm.

Mặc dù Luật Hôn nhân và Gia đình và các quy định pháp luật áp dụng đối với đồng bào dân tộc thiểu số đã có hiệu lực thi hành hơn 10 năm nhưng đến nay vẫn chưa hiệu quả như mong muốn. Phần lớn tảo hôn, hôn nhân cận huyết đều rơi vào các hộ nghèo, trẻ vị thành niên, thanh niên thất học, hiểu biết pháp luật hạn chế và điều kiện tiếp cận với các phương tiện thông tin đại chúng khó khăn. Phần lỗi không nhỏ thuộc về chính quyền địa phương, không chỉ người dân mà cán bộ, đảng viên là lãnh đạo xã, cũng tiếp tay; thậm chí tảo hôn, hôn nhân cận huyết còn diễn ra ngay trong gia đình của những cán bộ này. Tài liệu của Ban Dân tộc cho thấy, việc loại bỏ những phong tục tập quán lạc hậu sẽ đạt được hiệu quả không nhỏ nếu có sự can thiệp mạnh mẽ, kiên quyết hơn nữa từ chính quyền sở tại. Và hơn hết, vẫn phải khẳng định nếu người dân không muốn thoát nghèo bền vừng, không chờ chế độ của Nhà nước, thì câu chuyện tảo hôn và hôn nhân cận huyết ở địa phươngg như Mường Lát sẽ vẫn là câu chuyện dài chưa biết khi nào mới có lời kết.

Kiều Huyền


Kiều Huyền

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]