(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Tại Việt Nam, theo số liệu giám sát trọng điểm, tỷ lệ nhiễm HIV ở phụ nữ mang thai là 0,4%, với số trẻ sinh ra hàng năm từ 1,5 - 2 triệu thì mỗi năm có khoảng 6.000 trẻ sinh ra có phơi nhiễm với HIV. Tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con nếu không có bất kỳ sự can thiệp nào để dự phòng là khoảng 36% (25% - 40%). Có nghĩa nếu không can thiệp chủ động và tích cực thì cứ 100 bà mẹ nhiễm HIV mang thai sẽ sinh ra 25-40 em bị nhiễm HIV từ mẹ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thanh Hóa: Đẩy mạnh hoạt động ‘Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con’

(VH&ĐS) Tại Việt Nam, theo số liệu giám sát trọng điểm, tỷ lệ nhiễm HIV ở phụ nữ mang thai là 0,4%, với số trẻ sinh ra hàng năm từ 1,5 - 2 triệu thì mỗi năm có khoảng 6.000 trẻ sinh ra có phơi nhiễm với HIV. Tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con nếu không có bất kỳ sự can thiệp nào để dự phòng là khoảng 36% (25% - 40%). Có nghĩa nếu không can thiệp chủ động và tích cực thì cứ 100 bà mẹ nhiễm HIV mang thai sẽ sinh ra 25-40 em bị nhiễm HIV từ mẹ.

Tuy nhiên, nếu được điều trị dự phòng bằng thuốc ARV thì tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con có thể giảm xuống dưới 5%, thậm chí dưới 2%. Điều này có nghĩa cứ 100 bà mẹ nhiễm HIV mang thai sẽ sinh ra từ 95 - 98 trẻ không bị nhiễm HIV từ mẹ. Việc đánh giá tình trạng lâm sàng, miễn dịch cho người mẹ cũng như theo dõi thai nghén định kỳ và chỉ định điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con phù hợp theo đúng hướng dẫn sẽ làm giảm thấp đáng kể nguy cơ lây truyền HIV cho trẻ.

Ở Thanh Hóa, chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con (DPLTMC) được triển khai. Với sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, sự chỉ đạo trực tiếp của Sở Y tế, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, sự tham gia tích cực của cán bộ y tế từ tuyến tỉnh đến cơ sở, qua hơn 7 năm thực hiện chương trình này đã mang lại các kết quả tích cực, đáng khích lệ.

Đối với công tác truyền thông về DPLTMC đã được triển khai đến tận y tế thôn, bản. Đặc biệt, hàng năm vào tháng 6 “Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con”, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS đã tham mưu cho Sở Y tế xây dựng kế hoạch truyền thông tháng cao điểm. Trong đó, chú trọng đến việc phối hợp và vận động sự tham gia của chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể tại cơ sở...

Bác sĩ Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Thanh Hóa đang tư vấn dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Công tác tư vấn xét nghiệm HIV và theo dõi, chăm sóc thai sản cho phụ nữ mang thai (PNMT) được thực hiện ngay từ những tháng đầu tiên của thai kỳ tại trạm y tế. Được sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới, ở TP Thanh Hóa, huyện Mường Lát, Quan Hóa, việc lấy máu được thực hiện ngay tại các trạm y tế. Do đó đã giúp các bà mẹ mang thai nhiễm HIV được phát hiện sớm để có biện pháp dự phòng kịp thời.

Hiện toàn tỉnh đã có 22 phòng khám ngoại trú đặt tại BVĐK huyện và 19 xã có triển khai khám, cấp thuốc điều trị thuốc kháng virut (ARV). Tại các điểm cung cấp dịch vụ này, phụ nữ mang thai được tư vấn và xét nghiệm HIV. Nếu phát hiện nhiễm HIV, phụ nữ mang thai được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bằng ARV từ tuần thai thứ 14, trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được điều trị dự phòng bằng ARV trong 4 tuần sau sinh. Trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV đang quản lý tại các cơ sở có triển khai DPLTMC toàn diện, được hỗ trợ sữa ăn thay thế sữa mẹ, được điều trị dự phòng các nhiễm trùng cơ hội và chẩn đoán sớm tình trạng nhiễm HIV bằng phương pháp xét nghiệm tìm kháng nguyên (PCR). Tất cả các dịch vụ này hiện nay đều được miễn phí.

Theo số liệu thống kê, năm 2016 và 6 tháng năm 2017, toàn tỉnh có hơn 10.000 phụ nữ mang thai được tư vấn và xét nghiệm HIV quay lại lấy kết quả tại các cơ sở tư vấn và điều trị DPLTMC. Điều đáng nói là sau khi tham gia Chương trình DPLTMC, tỷ lệ trẻ em sinh ra từ bà mẹ có HIV/AIDS bị nhiễm HIV thấp hơn nhiều so với số bà mẹ không được điều trị. Đặc biệt, năm 2016 trên địa bàn tỉnh các trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV được điều trị DPLTMC đều cho kết quả âm tính với HIV.

Nhằm triển khai sâu rộng và có hiệu quả các hoạt động DPLTMC tại Thanh Hóa, “Hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con”, thời gian tới cần tập trung vào các hoạt động: Truyền thông lợi ích điều trị ARV sớm: Bắt đầu ngay từ những tháng đầu thai kỳ ở phụ nữ mang thai nhiễm HIV trong việc giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con. Đồng thời, quảng bá, giới thiệu địa chỉ các cơ sở cung cấp can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con có sẵn tại địa phương; Cung cấp kịp thời dịch vụ can thiệp dự phòng: Mở rộng tư vấn xét nghiệm HIV,sử dụng phương pháp lấy mẫu máu thuận tiện, tăng cường hình thức xét nghiệm lưu động, bảo đảm đủ test để xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai, đặc biệt đối tượng có nguy cơ cao.

Ths. BS. Hoàng Bình Yên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]