(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhiều năm trở lại đây, không ít người bị “cuốn” vào “cơn lốc” thực phẩm chức năng (TPCN). Dù biết việc tồn tại một loại “thần dược” là khá mơ hồ nhưng người dân vẫn đổ xô tìm kiếm.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thị trường thực phẩm chức năng: Trăm hoa đua nở

Nhiều năm trở lại đây, không ít người bị “cuốn” vào “cơn lốc” thực phẩm chức năng (TPCN). Dù biết việc tồn tại một loại “thần dược” là khá mơ hồ nhưng người dân vẫn đổ xô tìm kiếm.

Dễ như mua rau

Chưa bao giờ việc mua bán TPCN đơn giản và dễ dàng như hiện nay. Người dân có thể tìm mua ở hiệu thuốc, ở chợ, mua trên mạng xã hội Facebook. Vào Google, gõ từ khoá “thực phẩm chức năng”, “thực phẩm chức năng nhau thai cừu” chỉ trong tích tắc, ta sẽ nhận hàng chục nghìn kết quả. Hàng bán đủ nhãn hiệu, giá cả mỗi nơi mỗi khác, nhưng nội dung quảng cáo tựu chung là trị nám, tàn nhang mang lại vẻ đẹp cho làn da chị em phụ nữ, bổ thần kinh, xương khớp cho người già, thậm chí hỗ trợ điều trị ung thư...

Dạo quanh các cửa hàng dược phẩm trên địa bàn thành phố rất dễ nhận thấy, cửa hàng nào cũng bày bán hàng chục sản phẩm chức năng. Các mặt hàng thực phẩm chức năng được kinh doanh cũng vô cùng đa dạng, từ loại rẻ tiền từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng/ sản phẩm.

Đối với các shop online, cùng một dòng sản phẩm nhưng giá bán chênh lệch từ vài trăm đến 1 triệu đồng. Chẳng hạn như, giá một lọ TPCN giảm cân Rick Slim dao động trên thị trường từ 900.000 đồng đến 1,4 triệu đồng/ hộp; một loại thuốc giảm cân khác có nơi bán 300.000 nghìn đồng, có cửa hàng rao bán với giá 800.000 nghìn đồng/ hộp...

Lý giải về sự chênh lệch giá “kệch cỡm” này, hầu hết các chủ cửa hàng đều khẳng định, “hàng xịn nên bán đúng giá, các hàng giá rẻ chỉ fake, công dụng không tối đa”.

“Tiền mất, tật mang”

Theo báo cáo của Phòng Quản lý hành nghề Y dược tư nhân - Sở Y tế Thanh Hóa, hiện trên thị trường có gần 3.000 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và kinh doanh với khoảng 20.000 sản phẩm TPCN khác nhau. Trong khi công tác quản lý chưa theo kịp sự phát triển của thị trường và thói quen tiêu dùng dễ dãi của người dân chính là môi trường lý tưởng cho các sản phẩm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trà trộn gây nên những hậu quả khôn lường cho sức khỏe của cộng đồng. Và đã không ít người tiêu dùng lâm vào tình cảnh “tiền mất tật mang” sau khi sử dụng các loại “thần dược” TPCN được quảng cáo.

Chị Trần Phương Anh (phường Quảng Thắng, TP Thanh Hóa), chia sẻ: “Trước đây cơ thể mình béo, bạn bè đồng nghiệp giới thiệu mua lọ thực phẩm có chức năng giảm cân, dùng trong 3 tuần giảm 5kg mình háo hức lắm. Nhưng không hiểu sao dùng được một tuần thì người ngợm nổi mẩn ngứa, uống một tuần chưa thấy giảm cân nào thì người tụt huyết áp, da dẻ từ hồng hào trở nên thô ráp, sần sùi. Chẳng chờ được đến tuần thứ 3 mình dừng ngay không dám sử dụng”.

Biết là vậy, xong hiện tượng “bùng nổ” nhu cầu đã khiến cho thị trường TPCN càng phong phú. Cái tiện lợi là người dùng có thể mua TPCN ở bất kỳ đâu và phong phú chủng loại. Chẳng hạn như hỗ trợ điều trị tiêu hóa, kích thích ăn ở trẻ, phải có đến 5 - 7 loại; tăng sức đề kháng, đẹp da, eo dáng của chị em phụ nữ phải có đến cả chục... Gần như công dụng của các loại sản phẩm này tương đồng nhau, cái khác duy nhất là tên gọi và giá tiền. Hay mới đây, “cơn sóng” dùng Collagen đang trở thành “trào lưu mới” thì các nhà cung cấp cũng nhanh nhạy “bắt kịp” để “chiều lòng” thượng đế. Nào hàng nội, hàng ngoại đủ cả.

Hiện nay thị trường TPCN vẫn trong cảnh “vàng thau lẫn lộn”, giá cả hỗn loạn. Người tiêu dùng chưa có “công cụ” để phân biệt sản phẩm thật với hàng giả, kém chất lượng. Mặc dù đã có không ít cảnh báo của cơ quan chức năng về TPCN giả, nhưng nhiều người tiêu dùng vẫn “mắc bẫy” các cơ sở kinh doanh do những chiêu thức quảng cáo thổi phồng về công dụng sản phẩm.

Điều đáng nói giá thành các sản phẩm TPCN lại chẳng hề “dễ chịu”. So với thuốc tân dược, TPCN thường có giá bán “trên trời”, vượt ngoài “hầu bao” của nhiều người. Đơn cử như Spirulina có chứa hoạt chất tảo xoắn nhằm bồi bổ canxi có giá 535 ngàn đồng/lọ hay Maxi Blood Sugar Blance có tác dụng trị tiểu đường giá nên tới 925 ngàn đồng/lọ. Đặc biệt để sở hữu một lọ Pine Power Gold chứa tinh dầu thông đỏ hỗ trợ điều trị bệnh cao huyết áp, mỡ trong máu, người mua phải tiêu tốn 1.080 ngàn đồng.

Ông Trần Hữu Dũng - Phó Chi cục Trưởng Chi cục Quản lý Thị trường (Sở Công thương), cho biết: “TPCN là một trong những mặt hàng trọng điểm mà Chi cục Quản lý Thị trường Thanh Hóa sẽ tập trung tăng cường công tác kiểm tra về nguồn gốc xuất xứ, vì đây là mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe của con người. Về phía người tiêu dùng cần phải thận trọng trước các sản phẩm TPCN, tuyệt đối không sử dụng các mặt hàng không rõ nguồn gốc, trôi nổi trên thị trường, tránh tình trạng bị “tiền mất tật mang”.

Hoàng Lan


Hoàng Lan

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]