(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Không chỉ đối mặt với nỗi lo về vệ sinh an toàn thực phẩm từ các bếp ăn tập thể, người lao động trong các khu công nghiệp còn phải đối mặt với nguy cơ mất an toàn từ ngay chính bếp ăn của gia đình khi hằng ngày họ phải sử dụng nguồn thực phẩm không rõ nguồn gốc tại các chợ tự phát dành cho công nhân.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thực phẩm bẩn vây quanh bếp ăn công nhân (Kỳ 2): Chợ tự phát - Nỗi lo mất an toàn VSTP

(VH&ĐS) Không chỉ đối mặt với nỗi lo về vệ sinh an toàn thực phẩm từ các bếp ăn tập thể, người lao động trong các khu công nghiệp còn phải đối mặt với nguy cơ mất an toàn từ ngay chính bếp ăn của gia đình khi hằng ngày họ phải sử dụng nguồn thực phẩm không rõ nguồn gốc tại các chợ tự phát dành cho công nhân.

Chợ chiều đón công nhân

Tại các chợ tự phát (thường bán chạy nhất vào buổi chiều lúc tan ca) gần khu công nghiệp ở huyện Nga Sơn, khu công nghiệp Hoàng Long, khu công nghiệp Lễ Môn, Hậu Lộc... có đầy đủ các loại thực phẩm từ rau, củ, quả cho đến thịt. Chỉ có điều muốn chọn được thực phẩm tươi ngon và đảm bảo an toàn thì không hề dễ dàng, thậm chí rất đáng lo ngại.

Quanh chợ, hầu như người bán thịt, cá nào cũng vừa bán vừa cầm tấm bìa carton hay miếng nhựa phe phẩy đuổi ruồi. Ruồi cứ từng đàn như ong vỡ tổ thi nhau đậu vào các bàn thịt đã xám xịt hoặc chảy nước nhớt, những mớ cá ươn đã bốc mùi. Mặc dù hầu hết chợ tự phát gần các công ty, khu công nghiệp chỉ đông vào giờ chiều nhưng đối với công nhân thì buổi chợ này được xem là buổi chợ chính trong ngày. Và đây cũng là điểm tiêu thụ mạnh nhất thực phẩm ế, kém chất lượng, không bảo đảm an toàn vệ sinh.

Tại khu vực chợ tự phát ngay trước Cổng Công ty TNHH Winners Vina Nga Sơn - huyện Nga Sơn theo quan sát của chúng tôi: từng chậu lòng gà, vịt đã được luộc sẵn bày bán tràn lan, ruồi nhặng bâu kín. Qua tìm hiểu được biết nguyên nhân tại sao những người này lại luộc sẵn như vậy. "Do bán tươi không hết, để lâu đã bị hôi nên người bán phải làm như vậy" - anh Hiền (người bán vịt quay tại thị trấn Nga Sơn đồng thời cũng là người thường xuyên cung cấp lòng vịt sống) cho biết.

Chị Lê Thị Dung, người chuyên bán cá tại chợ cá xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc tiết lộ: Cá ở chợ này, khi bán không hết, nhiều người mang về rửa sạch, để ráo nước, sau đó cho vào nước khoảng 3 thìa Urê rồi nhúng cá vào, cá sẽ có độ cứng, màu tươi trở lại. Thịt lợn, thịt bò cũng vậy, để thịt đỏ tươi, chỉ cần nhúng thịt vào một thau nước có pha hàn the ngâm chừng 5 phút, thịt sẽ có màu đỏ tươi như vừa giết mổ xong. Những đồ này họ sẽ bán lại cho các chủ buôn nhỏ lẻ tại các chợ tự phát, chủ yếu là khu công nghiệp.

Công nhân luôn lo ngại khi lựa chọn thực phẩm hằng ngày.

Với những đồng lương ít ỏi và nhiều việc phải lo toan như tiền nhà trọ, tiền ăn uống, tiền lo cho gia đình, chưa kể tiền lo thuốc men khi ốm đau, bệnh tật... khiến những công nhân nghèo không đủ để sống. Những người công nhân luôn phải cố chắt chiu từ mớ rau, gói muối ngay chính bữa ăn của mình, chọn mua đồ rẻ, chấp nhận rủi ro về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Mua trong lo ngại

Chị Quỳnh, công nhân may Công ty TNHH Winners Vina Nga Sơn - xã Nga Mỹ, huyện Nga Sơn chia sẻ, ở công ty ăn đồ ăn đã lo nơm nớp, về nhà còn lo hơn. Cũng vì thu nhập ít ỏi lại phải lo nhiều chi phí khác nên việc đi chợ phải cân đối, tằn tiện lắm. Nhiều khi biết chỗ bán đồ tươi ngon nhưng đắt, không dám mua, nên đi làm về mua đại ngay cổng công ty cho xong.

Với đồng lương công nhân ít ỏi, kéo theo điều kiện sinh hoạt hạn chế khiến cho công nhân khó tiếp cận, lựa chọn được nguồn thực phẩm an toàn ở những cửa hàng thực phẩm sạch. Trong khi đó, việc kiểm tra, kiểm soát thực phẩm ở các khu chợ công nhân vẫn là khoảng trống chưa cơ quan chức năng nào với tới. Thực tế đã xảy ra những vụ ngộ độc thực phẩm từ các bữa ăn gia đình của công nhân nhưng họ đều tự gánh chịu, giải quyết. Và kéo theo đó là những hệ lụy âm ỉ làm tàn phá, suy giảm sức lao động của công nhân. Cụ thể như trường hợp của chị Lê Thị Thảo (xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc). Chị cho biết: Có lần mấy chị em làm về, thấy thịt bò bán ở chợ gần công ty giá rẻ, trong khi nhà cũng hết đồ ăn nên mua 1kg với giá 60.000đ. Khi cả nhà ăn xong thì hai mẹ con đau bụng phải lên trạm xá điều trị.

Theo chị Nga, công nhân làm việc tại khu Công nghiệp Lễ Môn thì đi chợ hằng ngày bằng mắt thường thấy nhiều loại thực phẩm lo ngại, không yên tâm nhưng rồi cũng đành mua vì không có nhiều cơ hội lựa chọn vì thời gian. Sáng sớm hai vợ chồng đã lóp ngóp đi làm, chiều muộn mới về đi chợ, khi đó chỉ còn là cảnh chợ chiều nên đành chịu.

Các chợ công nhân tự phát tại các cổng công ty hay khu công nghiệp thường bán chạy nhất vào buổi chiều và mục tiêu chung là nhắm đến người lao động lúc giờ tan tầm. Nguồn thực phẩm được bày bán khá phong phú, đa dạng, tuy nhiên về nguồn gốc xuất xứ, các điều kiện an toàn vệ sinh thì vẫn là dấu chấm hỏi.

Lòng đường, lề đường được tận dụng để làm mặt bằng bày bán thực phẩm và thức ăn được bày trên các tấm bạt, giấy báo cũ không bảo đảm vệ sinh, hòa lẫn với bụi đường, khói xe,... tiềm ẩn nguy cơ cao ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng mà trực tiếp là người lao động có mức thu nhập thấp.

Doãn Tài



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]