(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Việc đảm bảo an toàn và dinh dưỡng cho bữa ăn của công nhân đang được cả người lao động và người sử dụng lao động quan tâm.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thực phẩm bẩn vây quanh bếp ăn công nhân (Kỳ cuối): Bữa ăn an toàn cho công nhân

(VH&ĐS) Việc đảm bảo an toàn và dinh dưỡng cho bữa ăn của công nhân đang được cả người lao động và người sử dụng lao động quan tâm.

Khi mà thực phẩm không an toàn tràn lan trên thị trường thì câu hỏi: Ăn gì hôm nay luôn đang là nỗi lo thường trực của nhiều người. Đối với công nhân trên địa bàn tỉnh, thì mối lo này lại càng lớn hơn vì bữa ăn giữa ca của họ do doanh nghiệp lo và chủ yếu là đặt hàng, phó thác cho nhà cung cấp, hoặc bữa cơm tạm bợ ở các quán ăn ven đường không rõ nguồn gốc của thực phẩm. Cho nên, việc đảm bảo an toàn và dinh dưỡng cho bữa ăn của công nhân đang được cả người lao động và người sử dụng lao động quan tâm.

Trên địa bàn Thanh Hóa, trong hai năm gần đây đã xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm với tổng số 57 người. Cụ thể là công ty CP Quốc tế Swimax - Thọ Nguyên - Thọ Xuân xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm với 35 người ngày 15/4/2016, và một vụ từ Công ty TNHH Dream F Thanh Hóa, Minh Khôi, Nông Cốngvới 22 người mắc ngày 21/01/2017.

Người công nhân cần có bữa ăn an toàn, đủ dinh dưỡng để lao động hiệu quả.

Ông Đỗ Thái Hòa - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Thanh Hóa (Sở Y tế) cho biết, vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm hiện nay ở các doanh nghiệp cần được thực hiện thường xuyên, liên tục và nghiêm túc theo các quy định của pháp luật. Để đảm bảo ATVSTP, các doanh nghiệp phải kiểm soát tốt tất cả các khâu. Đầu tiên là nguồn nguyên liệu thực phẩm được nhập vào phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng; sau đó là các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ chế biến thực phẩm phải đảm bảo theo quy định; người trực tiếp chế biến thực phẩm phải thực hành tốt vệ sinh cá nhân. Trong trường hợp có sự cố về ATVSTP doanh nghiệp phải thông báo cho cơ quan có liên quan sớm nhất để có biện pháp xử lý kịp thời.

Để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ATVSTP và phòng, chống ngộ độc thực phẩm, các sự cố về ATVSTP, theo phân cấp quản lý định kỳ, đột xuất, Chi cục ATVSTP thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan thành lập đoàn kiểm tra, xử lý nghiêm các vấn đề vi phạm ATVSTP ở các doanh nghiệp.

Trong thời gian qua, để thực hiện tốt công tác bảo đảm ATVSTP trên địa bàn tỉnh, công tác phối hợp liên ngành giữa Y tế, Nông nghiệp, Công an và Công thương cũng được quan tâm thường xuyên, nhất là trong các đợt cao điểm Tết Nguyên đán, Tháng hành động ATVSTP, Tết Trung thu và giải quyết các vụ việc liên quan đến sự cố ATTP. Qua công tác phối hợp liên ngành hiệu lực, hiệu quả trong công tác thanh, kiểm tra đã xử lý nghiêm, dứt điểm nhiều cơ sở vi phạm góp phần kiểm soát tốt ATTP. Nhìn chung các ngành cũng đã phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả - ông Đỗ Thái Hòa cho biết thêm.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng 1/3 loại ung thư có thể dự phòng được, trong đó vấn đề dinh dưỡng an toàn, hợp lý, môi trường sống trong lành đóng vai trò then chốt. Kiểm soát, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là các vấn đề về dư lượng thuốc trừ sâu trong rau quả, thuốc kích thích tăng trọng trong chăn nuôi, các hóa chất, phụ gia sử dụng trong chế biến, bảo quản thực phẩm… sẽ góp phần dự phòng và giảm tỷ lệ mắc ung thư cũng như nhiều bệnh lý khác.

Bên cạnh đó, cùng với các ngành chức năng, vai trò của công đoàn, tổ chức đại diện cho người lao động cũng cần được nâng cao để giám sát ATVSTP cho công nhân.

Ông Lê Văn Giang - Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Chúng tôi đã và đang khảo sát chất lượng bữa ăn giữa ca của các công đoàn cơ sở. Với những doanh nghiệp mà suất ăn không đảm bảo về dinh dưỡng cũng như chất lượng thì chúng tôi sẽ kiến nghị công đoàn cơ sở tổ chức đối thoại với doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp để xảy ra ngộ độc thực phẩm thì sẽ báo cáo công đoàn cơ sở khởi kiện doanh nghiệp. Cho đến nay phần lớn các doanh nghiệp cũng đang dần đi vào ổn định về chế độ cũng như chất lượng từng bữa ăn cho người lao động”.

Ông Giang chia sẻ thêm: Nâng cao chất lượng bữa ăn, bảo đảm sức khỏe cho công nhân lao động là giải pháp quan trọng để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần làm lợi cho công ty. Bên cạnh đó, bữa ăn ca còn thể hiện sự gắn bó giữa doanh nghiệp với người lao động. Thời gian tới, công đoàn sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động, đàm phán để chủ doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng và thực sự quan tâm cải thiện bữa ăn ca cho công nhân.

Nhiều người cho rằng, để đảm bảo bữa ăn cho công nhân an toàn và giàu dinh dưỡng, các doanh nghiệp lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, uy tín; giảm tối đa dùng thực phẩm không an toàn, có sử dụng các chất độc hại sinh ung thư trong quá trình sản xuất, bảo quản và chế biến. Song, đây là vấn đề hoàn toàn không dễ dàng trong bối cảnh công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm ở nước ta đang còn hết sức khó khăn và gặp nhiều thách thức.

Doãn Tài



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]