(vhds.baothanhhoa.vn) - Việc hình thành các cửa hàng chuyên kinh doanh thực phẩm sạch với phương châm “sạch từ trang trại đến bàn ăn” là hướng đi mới được rất nhiều hộ kinh doanh lựa chọn và người tiêu dùng ủng hộ. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, việc hình thành chuỗi thực phẩm sạch vẫn mang tính tự phát là phần nhiều.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tự phát cửa hàng thực phẩm sạch

Việc hình thành các cửa hàng chuyên kinh doanh thực phẩm sạch với phương châm “sạch từ trang trại đến bàn ăn” là hướng đi mới được rất nhiều hộ kinh doanh lựa chọn và người tiêu dùng ủng hộ. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, việc hình thành chuỗi thực phẩm sạch vẫn mang tính tự phát là phần nhiều.

Vẫn còn tự phát

Sau một thời gian "tuyên chiến" với nạn thực phẩm bẩn, Cam Cao Phong, Bơ Hoàng Mười, ổi Thanh Hà, bưởi Diễn, thịt lợn sạch, gà ri nuôi thả, rau trồng theo tiêu chuẩn VietGap… đã không còn khó tìm đối với người tiêu dùng trên địa bàn TP Thanh Hóa. Những cửa hàng gắn mác thực phẩm sạch nở rộ như nấm sau mưa. Tuy mức giá bán ra tại các cửa hàng này đều cao hơn so với giá thị trường, song người tiêu dùng vẫn chấp nhận. Điều người tiêu dùng quan tâm hơn cả là chất lượng và độ sạch.

Hiện nay, tại TP Thanh Hóa, chuỗi các cửa hàng thực phẩm sạch chủ yếu bày bán hoa quả, rau xanh là mặt hàng chính. Nhờ đó mà nhiều nông sản sản xuất đảm bảo chất lượng trong và ngoài tỉnh được giới thiệu và đi đến tay người tiêu dùng. Ngoài các chuỗi cửa hàng của Công ty CP thực phẩm Phú Gia - ITC, chuỗi siêu thị thực phẩm sạch Lam Sơn MiniMart của Công ty CP Mía đường Lam Sơn…, hầu hết các điểm bán hàng khác đều là các cửa hàng tư nhân quy mô nhỏ, hình thành tự phát.

Chị Phạm Thùy Dung, chủ cửa hàng thực phẩm sạch Thành Dung (khu đô thị An Hoạch, phường An Hoạch, TP Thanh Hóa) cho biết: “Nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng “ưu tiên” cho thực phẩm sạch khi đi chợ, tôi đã đấu mối với một số cơ sở sản xuất đáng tin cậy và tiến hành cung cấp các mặt hàng rau xanh, hoa quả, thịt, cá… đến tận tay người tiêu dùng. Cửa hàng của tôi mới được khai trương vào tháng 12/2017, bước đầu được khách hàng khá ủng hộ”.

Tuy nhiên, khi được hỏi về các chủ trương khuyến khích hình thành chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch của tỉnh, thành phố thì chủ cửa hàng này cho biết chưa được biết đến. Đặc biệt, tại những điểm bán lẻ này, ngoài một số sản phẩm có nhãn mác, nguồn gốc, còn lại do nhập từ cơ sở sản xuất nhỏ nên không có bao bì, người tiêu dùng không thể tự kiểm tra nguồn gốc mà chỉ có thể nghe qua giới thiệu của người bán.

Thực phẩm sạch đang là mối quan tâm hàng đầu đối với người tiêu dùng.

Một bất cập khách là các cửa hàng thực phẩm sạch chủ yếu tập trung trên địa bàn TP Thanh Hóa và thiếu vắng ở các huyện, nhất là vùng nông thôn, miền núi. Nguyên nhân một phần do nhu cầu của người tiêu dùng tại các khu vực này chưa cao, hoặc một bộ phận người dân có khả năng tự sản xuất và cung cấp phục vụ nhu cầu cho người dân địa phương... Tuy vậy, để xác định thực phẩm sạch hay không đối với các địa chỉ sản xuất quy mô nhỏ không theo quy trình nào cũng chưa được các cơ quan chức năng kiểm định, khiến nhiều người tiêu dùng băn khoăn.

Chị Phạm Thị Thảo (thị trấn Quảng Xương, Quảng Xương) chia sẻ: “Ngoài chợ bây giờ vẫn có những người bán thực phẩm theo kiểu tự nhà làm ra, dùng dùng không hết nên bán. Tuy nhiên theo tôi biết vẫn có tình trạng người bán lạm dụng lòng tin của người mua mà “hô biến” rau, củ, quả không rõ nguồn gốc thành mác “của nhà làm ra”. Các mặt hàng thực phẩm tươi sống tại chợ hiện nay đều không bao bì, nhãn mác, không rõ nguồn gốc cũng như quy trình sản xuất như thế nào, có đảm bảo hay không”.

Nhân rộng chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch

Quan tâm hơn tới vấn đề an toàn thực phẩm Thanh Hóa đã có nhiều chủ trương khuyến khích sản xuất và kinh doanh thực phẩm sạch. Nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi theo tiêu chuẩn an toàn đã ra đời và được nhân rộng. Tuy nhiên, đầu tư vào khâu sản xuất mà chưa tìm được hướng đi cho đầu ra ổn định khiến nhiều loại nông sản sạch chưa đến được đông đảo người tiêu dùng. Tại xã Hoằng Hợp (Hoằng Hóa) người nông dân đã nhiều năm sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap nhưng sản phẩm làm ra một phần được tiểu thương đặt hàng, xuất ra thị trường có bao bì, nhãn mác riêng. Lượng lớn rau sạch vẫn phải tiêu thụ tại các chợ, bị trộn lẫn với tất cả các loại thực phẩm không có nguồn gốc khác.

Năm 2018, việc hình thành chuỗi thực phẩm sạch trên địa bàn toàn tỉnh được UBND tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ cụ thể, giao cho Sở NN&PTNT và từng huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện. Theo đó, mục tiêu trong năm 2018 sẽ hình thành 56 chuỗi cung ứng lúa gạo an toàn, 112 chuỗi cung ứng rau quả an toàn, 171 chuỗi cung ứng thịt gia súc, gia cầm an toàn, 68 chuỗi cung ứng thủy sản an toàn trên địa bàn toàn tỉnh. Để mục tiêu này được thực hiện hiệu quả, đáp ứng nhu cầu, sự mong mỏi của người dân, mong rằng các cấp chính quyền, sở, ban, ngành liên quan sẽ có những chủ trương cụ thể hỗ trợ đối với các tổ chức, cá nhân trong việc hình thành các điểm cung cấp thực phẩm sạch này.

Nguyên Mai


Nguyên Mai

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]